• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sức ép của Mỹ đối với Nga về thỏa thuận vũ khí hạt nhân trước thềm bầu cử tháng 11

Thế giới 19/09/2020 10:33

(Tổ Quốc) - Các căng thẳng về việc gia hạn thoả thuận vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ vẫn chưa làm rõ để đi tới thoả thuận chung cuối cùng.

Chính quyền Tổng thống Trump lên tiếng Mỹ có thể gia tăng chi phí gia hạn hiệp ước vũ khí hạt nhân còn lại giữa hai nước nếu Moscow không cam kết đáp ứng các yêu cầu của Mỹ, bao gồm việc đồng ý với các biện pháp xác minh chặt chẽ hơn trước khi bầu cử Mỹ diễn ra vào tháng 11.

Sức ép của Mỹ đối với Nga về thỏa thuận vũ khí hạt nhân trước thềm bầu cử tháng 11 - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: CNN

Dấu mốc đàm phán hạn nhân trước thềm bầu cử Mỹ

Theo hãng CNN, hai quốc gia đã mất nhiều tháng đàm phán về việc gia hạn hiệp ước vũ khí hạt nhân New START. Moscow cũng đã lên tiếng sẵn sàng gia hạn hiệp ước trong 5 năm tới trong khi chính quyền Tổng thống Trump đang tìm kiếm khuôn khổ mới và sẽ chỉ gia hạn hiệp ước nếu Nga đưa ra cam kết bổ sung.

"Những gì chúng tôi đưa ra gợi ý cho người Nga về chặng đường phía trước là, theo quan điểm của chúng tôi, người Nga có quyền lựa chọn", ông Marshall Billingslea, nhà đàm phán hạt nhân đứng đầu của chính quyền Tổng thống Trump nói.

Chính quyền Tổng thống Trump đánh giá rằng Nga đang cố gắng duy trì Hiệp định New START và họ sẵn sàng nhượng bộ để có thể tiếp tục. Trong khi Mỹ đã đưa ra các yêu cầu quan trọng đối với Moscow thì ông Billingslea nói rằng: "Chúng tôi có thể yêu cầu nhiều hơn nữa".

Tuyên bố của ông Billingslea đã gây ra áp lực mới đối với Nga để tiến tới bàn đàm phán trước tháng 11. Tuy nhiên, Moscow vẫn ý thức rằng, kết quả cuối cùng sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào người chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ sắp tới.

Một số chuyên gia bày tỏ hoài nghi về việc Nga sẽ phải chịu áp lực từ Mỹ.

"Chính quyền Tổng thống Trump đang chơi trò chơi đầy rủi ro với hiệp ước New START. Tôi chưa nhìn thấy lô-gic của Nga phản ứng với đề nghị này trước ngày 3/11. Các quyết định về nước đi trong hiệp ước New Start sẽ phải chờ đợi xem ai là người giành chiến thắng trong bầu cử Mỹ vào tháng 11", ông Daryl Kimball, Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát vũ khí nói.

Cựu phó Tổng thống Joe Biden đã nói rằng ông sẽ ký gia hạn New START nếu trở thành Tổng thống Mỹ. Thời hạn cuối cùng cho việc gia hạn là vào 5/2/2021 – điều này cho phép chính quyền ông Biden khoảng hai tuần để đảm bảo việc gia hạn.

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Trump đã quyết định ra khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung vào năm ngoái khiến dư luận chỉ trích rằng rất có thể chính quyền ông Trump đang hướng tới một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân có thể xảy ra. Tuy nhiên, ông Billingslea và các quan chức khác của chính quyền Mỹ bác bỏ lập luận này.

Chính quyền Tổng thống Trump từng nhiều lần nỗ lực nhưng không thành công kéo Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân. Bắc Kinh đang nỗ lực thúc đẩy việc tăng số lượng gấp đôi đầu đạn hạt nhân trong kho vũ khí ở thập kỷ tới và quân sự nước này được đánh giá là ngang hàng thậm chí vượt cả Mỹ ở một số khía cạnh chính, báo cáo mới của Lầu Năm Góc cho biết trong tháng này.

Thêm vào đó, tổng số đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc hiện đang thua Mỹ rất nhiều. Hiệp ước New START giới hạn Nga và Mỹ chỉ được phép có 1550 đầu đạn hạt nhân cho tên lửa đạn đạo liên lục địa, triển khai tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và triển khai máy bay ném bom hạng nặng có trang bị vũ khí hạt nhân. Tổng cộng Mỹ có khoảng 5800 đầu đạn hạt nhân, Trung tâm Kiểm soát và không phổ biến vũ khí cho biết.

Yêu cầu của Mỹ đối với Nga

Các yêu cầu mà chính quyền Tổng thống Trump đưa ra buộc Nga phải đồng ý nếu nước này muốn Mỹ tiếp tục gia hạn Hiệp ước New START bao gồm: cam kết tiếp tục tham gia các cuộc đàm phán về thỏa thuận kiểm soát vũ khí bao gồm tất cả các vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga; cam kết rằng Trung Quốc sẽ là một phần của hiệp ước kiểm soát vũ khí tiếp theo và các biện pháp xác minh mạnh mẽ hơn.

Các biện pháp xác minh mạnh hơn sẽ bao gồm việc tăng số lượng cuộc thanh tra và thời hạn thanh tra dài hơn.

Khi được hỏi loại đòn bẩy nào khiến Nga có thể sử dụng gây áp lực khiến Trung Quốc trở thành một phần của hiệp ước tiếp theo, ông Billingslea nói rằng: "Đó là Tổng thống Vladimir Putin. Ông Putin có đủ các đòn bẩy. Nếu muốn trợ giúp thì Moscow có thể".

Ông Billingsea khẳng định rằng các biện pháp xác minh mạnh mẽ hơn mà Mỹ đang đề xuất dưới hình thực thỏa thuận chính trị có thể đồng ý từ nay đến bầu cử Mỹ.

"Nếu Moscow muốn thực hiện thỏa thuận mà chúng tôi đề nghị thì có thể thực hiện luôn vào ngày mai", ông Billigslea nhấn mạnh.

Nếu Nga có thể cam kết như vậy thì có thể khiến cho cuộc gặp giữa ông Trump và ông Putin nhanh chóng tiến tới ký kết hiệp ước trước ngày bầu cử. Tổng thống Trump đã thảo luận rộng rãi về các đàm phán trong các cuộc điện đàm gần đây với Tổng thống Nga nhưng không rõ tập trung vào vấn đề nào.

"Tôi cho rằng khó có thể đạt được thỏa thuận về các biện pháp xác minh bổ sung trong việc gia hạn Hiệp ước NEW START.

Việc thúc đẩy khung hạt nhân mới với Nga và với Trung Quốc đang trong một lộ trình khiến Tổng thống Trump phải nỗ lực đưa ra chính sách ngoại giao tổng thể trước thềm bầu cử.

Và trong đó có chiến lược mà Mỹ phải đặt ra liên quan đến Nga. Việc đưa Tổng thống Putin vào cuộc gặp với Tổng thống Trump là một ví dụ.

Cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien đã bác bỏ ý tưởng cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Putin trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước nhưng lại cho rằng việc ký một thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân sẽ được hoan nghênh.

"Vào một thời điểm nào đó, chúng tôi muốn Tổng thống Putin đến đây cùng với Mỹ ký kết một thỏa thuận kiểm soát vũ khí tuyệt vời, có thể bảo vệ người Mỹ và người Nga", ông Robert O'Brien nhấn mạnh.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ