• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sức ép Nga đẩy Hải quân Thụy Điển trở về trụ sở ngầm dưới lòng đất

Thế giới 02/10/2019 11:06

(Tổ Quốc) - Trụ sở của hải quân Thụy Điển đang được đưa trở lại một pháo đài chiến tranh lạnh dưới lòng đất rộng lớn – nơi vốn được xây dựng để chống lại một cuộc tấn công hạt nhân.

Theo The Guardian, đây được coi là một động thái phòng thủ chống lại một nước Nga đang trỗi dậy.

Sau 25 năm vắng bóng, hải quân nước này một lần nữa sẽ nhận được lệnh chỉ huy từ bên dưới hàng tỷ tấn đá granit khi nước này nỗ lực xây dựng hệ thống phòng thủ để đối phó với mối đe dọa từ Moscow.

Bí mật về căn cứ Muskö

Căn cứ hải quân này thuộc diện bí mật hàng đầu tại Muskö, cách Stockholm khoảng 25 dặm (40km). Hoàn thành vào năm 1969, nơi này có bến tàu ngầm phức tạp có thể làm chỗ trú ẩn cho các tàu chiến với nhiều dặm đường hầm, văn phòng và bệnh viện.

Quay lại Muskö từ thứ Hai, bộ chỉ huy hải quân Thụy Điển cho biết địa điểm này sẽ mang lại sự tự do cơ động cao hơn.

4096

Thụy Điển đang tính tới sự cơ động trong hoạt động của các binh chủng. Ảnh: EPA.

Niklas Granholm, một nhà phân tích cao cấp của Cơ quan nghiên cứu quốc phòng Thụy Điển cho biết, động thái này dựa trên tính toán rằng người Nga có thể sử dụng vũ khí mạnh mẽ đòi hỏi một mức độ bảo vệ cao mà chỉ có Muskö có thể cung cấp.

Các chỉ huy lục quân và không quân Thụy Điển cũng đang di chuyển ra khỏi thủ đô và đến các địa điểm kiên cố hơn, mở rộng những nơi có thể là trụ sở của họ về mặt địa lý để khiến họ ít bị tấn công hơn. Tuy nhiên, trong số đó, động thái di dời của hải quân là đáng kể nhất và là biểu tượng của sự hồi sinh cách nghĩ về chiến tranh lạnh tại nước này.

Căn cứ Muskö là độc nhất từ góc độ công sự khi nó là một khu vực dưới lòng đất rộng lớn như thị trấn cổ ở Stockholm, Rebecca Landberg, người đứng đầu bộ phận truyền thông cho hải quân Thụy Điển cho biết.

"Cơ sở chỉ huy hải quân phải có khả năng phục hồi và hoạt động ngay cả khi bị tấn công, vì vậy, Muskö là lựa chọn tốt nhất, các lực lượng vũ trang cần phải điều chỉnh các hoạt động của mình để phản ứng với những thách thức do môi trường bên ngoài xấu đi".

Giống như hầu hết các quốc gia châu Âu, Thụy Điển đã cắt giảm chi tiêu quân sự mạnh mẽ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, từ khoảng 2,5% GDP năm 1990 xuống chỉ còn 1% vào năm 2010. Nhiều thiết bị đã bị loại bỏ và các căn cứ đã bị đóng cửa. Xưởng đóng tàu tại Muskö cũng đã được bán cho công ty kỹ thuật Đức Thyssen Krupp.

Sức ép từ Nga

Nhưng việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và cuộc xung đột hiện tại ở miền Đông đã thay đổi hoàn toàn mọi thứ, Granholm nói. "Điều này cho thấy đây là những gì Nga làm với các nước láng giềng nhỏ hơn. Bây giờ đang có một nhiệm vụ khó khăn và lâu dài là xây dựng lại lực lượng vũ trang".

Công ty quốc phòng Thụy Điển Saab đã mua lại cơ sở trên từ Thyssen Krupp vào tháng 6 năm 2014. Theo The Guardian, động thái này diễn ra sau khi có những lo ngại liên quan đến việc tuyển dụng hàng loạt nhân viên của Krupp, và một cuộc "đột kích" của bộ quốc phòng vào xưởng đóng tàu của Krupp ở Malmö, rõ ràng là để giải cứu bí mật quân sự.

Vài tháng sau đó, Stockholm đã hoảng hốt sau khi một chiếc tàu ngầm mini của Nga bị phát hiện trong vùng biển của họ, làm sống lại ký ức về một tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô mắc cạn ở Karlskrona năm 1981 – điều cũng kéo theo nhiều lo ngại trong một thập kỷ về thế hệ tàu ngầm cao cấp.

Cuộc săn lùng tàu ngầm năm 2014 ở trên, trong đó nhiều chi tiết vẫn chưa được giải quyết, cũng đánh dấu sự thay đổi trong nội dung của các cuộc thăm dò dư luận khi bắt đầu chuyển sang vấn đề tư cách thành viên của Thụy Điển trong khối NATO và những dự đoán ban đầu về một số lần tăng chi tiêu quốc phòng. Lần đầu tiên sau hơn hai thập kỷ, chính phủ Thụy Điển bắt tay vào việc mở rộng ngân sách quốc phòng một cách bền vững, cam kết tăng chi tiêu từ 43 tỷ crown Thụy Điển (3,5 tỷ bảng) năm 2016 lên 50 tỷ crown vào năm 2020.

Các động thái gần đây khác để tăng cường sự chuẩn bị quân sự của Thụy Điển bao gồm tái thực hiện yêu cầu tòng quân với thanh niên trẻ và một tờ rơi gửi đến mọi hộ gia đình giải thích phải làm gì trong trường hợp bị tấn công hạt nhân.

Mặc dù Muskö đã ngừng đóng vai trò trung tâm trong phòng thủ của Thụy Điển vào những năm 1990, hải quân nước này không bao giờ rời khỏi hòn đảo hoàn toàn. Khi một số người Anh và Bỉ ham mê khám phá cố gắng xâm nhập căn cứ vào cuối năm ngoái, họ đã được cảnh báo nhiều lần trước khi bị bắt.

Dù vậy, các cơ sở này đã rơi vào tình trạng không sử dụng được và phải mất vài năm để căn cứ này được hiện đại hóa và cải tạo toàn diện. Theo các nguồn tin quân đội, trung tâm chỉ huy ngầm sẽ không được trang bị đầy đủ cho đến năm 2021 hoặc 2022.

Quý Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ