• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sức ép Trump đẩy Triều Tiên và Syria hợp sức

Thế giới 12/04/2017 21:09

(Tổ Quốc) - Đối mặt với áp lực từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, hai nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Bashar al-Assad đã tái khẳng định tình hữu nghị giữa hai quốc gia.

Đối mặt với áp lực từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, hai nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Bashar al-Assad đã tái khẳng định tình hữu nghị giữa hai quốc gia. 

Syria và Triều Tiên dường như là hai quốc gia “nổi tiếng” nhất trên thế giới hiện nay. Và trong khi cùng phải đối mặt với áp lực gia tăng từ Mỹ, hai quốc gia này đang khẳng định lại tình bạn của họ.

Tăng cường quan hệ lâu năm

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) của Triều Tiên ngày 11/4 đã cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã nhận được điện mừng từ Tổng thống Syria Bashar al-Assad chào mừng lễ kỷ niệm 105 năm ngày sinh của nhà sáng lập đất nước Triều Tiên Kim Il-sung 15/4.

KCNA cho biết, thông điệp từ Syria nói rằng hai quốc gia đang "tiến hành một cuộc chiến chống lại các tham vọng to lớn của các cường quốc, buộc các quốc gia tuân theo chính sách mở rộng và thống trị và tước đoạt quyền tự quyết của những nước này".

Hai nhà lãnh đạo Triều Tiên liên tục có những thông điệp chúc mừng các ngày kỉ niệm lớn của nhau - động thái thể hiện mối quan hệ thân thiết. (Nguồn: Reuters)

"Người dân hai nước Syria và CHDCND Triều Tiên luôn phải vật lộn để giành quyền tự quyết, chủ quyền quốc gia, an ninh và thịnh vượng của mình", KCNA cho biết thêm.

Cũng theo thông tin từ KCNA, ông Assad đã gửi một thông điệp riêng chào mừng ngày kỉ niệm 5 năm ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Những thông điệp tích cực này mang nhiều ý nghĩa. Theo tờ báo Triều Tiên Rodong Sinmun, trước đó, ông Kim đã gửi cho ông Assad một thông điệp vào tuần trước để kỷ niệm 70 năm ngày thành lập đảng Baath, Syria và một thông điệp khác trong tuần này nhân ngày kỷ niệm cuộc cách mạng Syria vào năm 1963.

Mối quan hệ gần gũi giữa Syria và Triều Tiên không phải là mới. Washington Post cho biết, Triều Tiên, từ thời điểm đầu tiên chỉ hỗ trợ huấn luyện quân sự cho Syria,  nhưng sau đó mối quan hệ song phương đã mở rộng sang hoạt động buôn bán vũ khí, bao gồm vũ khí đạn đạo và hóa học.

Các cố vấn quân sự Triều Tiên và lực lượng quân đội phòng không đã hỗ trợ Syria sau những cuộc chiến tranh năm 1967 và 1973 với Israel. Bình Nhưỡng sau đó được cho là đã cung cấp một số công nghệ được sử dụng để xây dựng khu vực quân sự bí mật Kibar ở Syria, nơi đã bị phá huỷ bởi cuộc không kích của Israel vào năm 2007. Yonhap còn dẫn nguồn tin nghi ngờ Triều Tiên từ lâu đã hợp tác với Syria về các chương trình hạt nhân.

Yonhap dẫn nhận định của ông Robert Gallucci - trưởng đoàn chuyên gia đàm phán Mỹ trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên năm 1994 , Triều Tiên đã xây dựng một lò phản ứng sản xuất plutoni tại Syria và cơ sở này đã bị phá hủy bởi cuộc không kích của Israel vào năm 2007 trước khi được đưa vào sử dụng.

Bên cạnh đó, có những báo cáo chưa được xác nhận rằng các cố vấn quân sự Triều Tiên đã hỗ trợ lực lượng của Tổng thống Assad trong cuộc xung đột Syria.

“Cứng rắn” đáp trả thông điệp quân sự từ Trump

Trong thời đại của Tổng thống Trump, cả hai nước này đang đối mặt với căng thẳng mới với Mỹ. Trong khi tân lãnh đạo nước Mỹ đã từng nói rằng ông hi vọng sẽ đạt được thỏa thuận hòa bình với cả Syria và Triều Tiên, thì giờ đây ông Trump dường như “cởi mở” hơn với biện pháp sử dụng vũ lực. Tuần trước, quân đội Mỹ bất ngờ phóng 59 tên lửa hành trình nhằm vào một căn cứ quân sự Syria – động thái đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chính sách về Syria của Mỹ.

Trong khi đó, ông Trump gần đây cũng nói rằng Mỹ sẽ "giải quyết vấn đề" Triều Tiên dù có hoặc không có sự trợ giúp của Trung Quốc. Các chuyên gia cũng cho rằng, không kích của Mỹ là một thông điệp gửi tới Triều Tiên và Trung Quốc cho thấy Mỹ có ý chí và phương tiện để thực hiện hành động quân sự, mặc dù dường như cơ hội Washington tấn công Triều Tiên còn rất mong manh.

Kim Dong-yub, giáo sư tại Viện nghiên cứu Viễn Đông ở Đại học Kyungnam, nói: "Triều Tiên và Syria khác nhau về một số khía cạnh, bao gồm vị trí địa lý, nhưng các cuộc không kích ở Mỹ có thể là thông điệp gián tiếp của Washington nói rằng Bình Nhưỡng có thể là mục tiêu".

Mối đe dọa về hành động quân sự dường như đã tạo ra một mối liên kết chặt chẽ hơn giữa Assad và ông Kim, cả hai đều đã và đang chịu nhiều sức ép cô lập từ Mỹ và phương Tây. Phương tiện truyền thông của cả hai nước không chỉ đề cập đếp sự tương ứng của họ, mà còn là sự lên án của họ đối với áp lực từ cộng đồng quốc tế đối với cả hai nước.

Tháng trước, Bộ Ngoại giao Syria đã lên án cuộc tập trận quân sự Mỹ - Hàn Quốc và nhắc lại "sự ủng hộ của người dân Syria và sự lãnh đạo dũng cảm của nhà lãnh đạo Triều Tiên".

Tờ Rodong Sinmun tuần trước cũng thông tin về tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết cuộc tấn công quân sự của Mỹ vào Syria là một hành động gây hấn và điều này cho thấy tại sao Triều Tiên cần vũ khí hạt nhân. "Những gì đã xảy ra ở Syria một lần nữa cho thấy một bài học cay đắng rằng không nên có ảo tưởng đối với các đế quốc, và chỉ có thể bảo vệ chính mình trước sự xâm lược của các đế quốc chỉ khi nào nắm giữ sức mạnh", người phát ngôn này nói.

(Theo Yonhap/WP)



An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ