• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sức mạnh hai con đường phá tan xung đột Syria

Thế giới 15/05/2017 22:30

(Tổ Quốc) -Vòng đàm phán hòa bình mới của Syria bắt đầu tại Geneva vào ngày 16/5 đang bị phủ mờ bởi “sự cạnh tranh” ảnh hưởng từ Astana

Vòng đàm phán hòa bình mới của Syria bắt đầu tại Geneva vào ngày 16/5 đang bị phủ mờ bởi “sự cạnh tranh” ảnh hưởng từ Astana trong khi lực lượng nổi dậy đang đứng trước một thất bại lớn ở Damascus.

Các nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột hiện đang được xúc tiến dựa trên hai nền tảng: tiến trình hòa bình chính trị chính thức do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ được tiến hành tại trụ sở LHQ ở Geneva và kể từ tháng 1 năm nay là các cuộc hội đàm song song tại thủ đô Astana, Kazakhstan với các bên bảo trợ là Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tín hiệu từ tiến trình song song

Các nhà quan sát cho biết LHQ dường như đang cố gắng thúc đẩy những thành tựu đạt được tại Astana sau khi một thỏa thuận mang tính bước ngoặt được ký tại Kazakhstan vào ngày 4/5 nhằm thiết lập 4 khu vực "giảm leo thang" tại những chiến trường đẫm máu nhất tại Syria.

Kể từ khi thỏa thuận này có hiệu lực một tuần trước đây, xung đột đang diễn biến chậm lại trên khắp các vùng tại Syria. Còn tại Damascus, không nằm trong thỏa thuận trên, chính phủ đã đảm bảo cho hoạt động di tản tại 3 khu vực do lực lượng đối lập kiểm soát và đưa quân đội chính phủ lần đầu tiên tiến gần đến việc giành quyền hoàn toàn thủ đô kể từ năm 2012.

Phát biểu với giới báo chí tuần trước tại Geneva, đặc phái viên của LHQ về Syria Staffan de Mistura đã cho biết, "sau khi cuộc họp tại Astana diễn ra cùng với sự tham dự chủ động của chúng tôi, đã có một số kết quả mà chúng tôi thấy cực kỳ có tiềm năng và đầy hứa hẹn, do đó, chúng tôi muốn kết nối hết sức có thể kết quả đó với một giải pháp chính trị".

Đặc phái viên của LHQ về Syria Staffan de Mistura. (Nguồn: AFP)

Nhiều cuộc đàm phán do LHQ hậu thuẫn trước đó đã không đạt được kết quả cụ thể, mặc dù vào cuối tháng 3, các bên đã thảo luận về bốn "vấn đề" riêng biệt: phương thức quản trị, hiến pháp mới, tiến trình bầu cử và hoạt động chống khủng bố tại Syria sau khi xung đột chấm dứt.

Aron Lund, một thành viên của cơ quan nghiên cứu Mỹ The Century Foundation, cho biết bất chấp "những giá trị tượng trưng quan trọng của hòa đàm Geneva, tiến trình này không tiến triển theo bất kỳ phương thức khả thi nào." Lund nói: "Trên thực tế, tiến trình hòa đàm tại Geneva đang bị hòa đàm tại Astana đưa ra ngoài lề, ít nhất là cho đến hiện tại."

Yêu cầu “ngõ cụt”

Các phái đoàn tham dự hòa đàm dự kiến đến Geneva vào ngày 15/5, một ngày trước khi cuộc đàm phán bắt đầu.

Nhóm đàm phán của chính phủ Syria sẽ do Đại sứ Syria tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Bashar al-Jaafari dẫn đầu trong khi phe đối lập sẽ được đại diện bởi Ủy ban Đàm phán cấp cao (HNC) và dẫn đầu bởi Nasr al-Hariri và Mohammad Sabra.

HNC vẫn đang tiếp tục kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức như một nội dung trong tiến trình chuyển đổi chính trị - động thái chính quyền Syria kiên quyết bác bỏ.

Lund nói với AFP rằng: "Tiến trình Geneva –hướng tới sự chuyển giao chính trị tại Syria ,  - chỉ xoay quanh yêu cầu “ngõ cụt” trên."

"Về phương diện hướng tới ổn định tình hình Syria, mục tiêu thúc đẩy nền hòa bình cho quá trình chuyển đổi đang dần nằm bên lề các phiên họp của LHQ ở Geneva và thay vào đó, chuyển sự chú ý sang Astana", ông nói.

Thổ Nhĩ Kỳ - ủng hộ các lực lượng nổi dậy cùng với Nga và Iran –đồng minh của chính phủ Syria, đã bảo trợ cho các cuộc hội đàm đầu tiên ở Astana hồi cuối tháng 1 nhằm củng cố lệnh ngừng bắn – trước đó đã bị vi phạm nhiều lần.

Thượng đỉnh Astana gần đây đã trở lại và với đỉnh điểm trong tháng này là việc thiết lập các khu vực an toàn.

"Tiến trình Astana không hoàn toàn đi chung đường (với hòa đàm Geneva) và được vận hành nhiều hơn theo các điều khoản của Nga, điều đó có nghĩa là nó phù hợp hơn với các diễn biến thực tế trên chiến trường", Lund nói.

Tổng thống Syria Assad từng chỉ trích các cuộc đàm phán Geneva sắp tới "chỉ đơn thuần là một cuộc họp cho giới truyền thông"."Không có gì đáng kể trong tất cả các cuộc họp ở Geneva", ông Assad đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn gần đây với kênh ONT của Belarus.

"Và đối với Astana, tình hình là khác biệt ... Tiến trình này đã bắt đầu gặt hái được nhiều kết quả thông qua nỗ lực thực thi lệnh ngừng bắn, trong đó gần đây nhất là triển khai các khu vực giảm leo thang," ông Assad nói.

Trong khi đó, các nỗ lực hòa bình về Syria cũng xuất hiện sự khác biệt trong những tháng gần đây về sự xa rời tiến trình đàm phán Geneva của Washington dưới thời Tổng thống Donald Trump. Chính quyền Hoa Kỳ trước đây, đặc biệt là Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, đã tham gia sâu vào tiến trình Geneva, nhưng từ khi ông Trump nhậm chức, Washington chỉ còn đóng một vai trò rất nhỏ.

Kể từ khi nổ ra vào tháng 3/2011, cuộc xung đột Syria, đã giết chết hơn 320.000 người, khiến hàng triệu người phải đi tị nạn trong khi phá hủy nặng nề nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của đất nước này, đang hi vọng vào một hồi kết nhanh chóng.

(Theo AFP)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ