(Tổ Quốc) - Các đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm thứ Năm đã mâu thuẫn với nhau tại cuộc gặp đầu tiên của Hội đồng Bảo an kể từ khi Ankara tiến hành cuộc tấn công xuyên biên giới hồi đầu tháng này vào đông bắc Syria.
Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ Feridun Sinirlioglu gọi đây là một hoạt động chống khủng bố có giới hạn "để loại bỏ mối đe dọa khủng bố tồn tại lâu nay dọc biên giới của chúng tôi với Syria" và "để thực thi sự toàn vẹn và thống nhất lãnh thổ của Syria."
Đại sứ Syria Bashar Ja'afari nói với các thành viên hội đồng rằng chính phủ của ông "lên án theo cách mạnh mẽ nhất cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, và cực lực bác bỏ mọi nỗ lực của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ để biện minh cho hành động của họ dưới cái cớ tự vệ hoặc chống khủng bố".
Hội đồng đã họp về tình hình nhân đạo của Syria, nhưng mối quan tâm hàng đầu của các thành viên là tình trạng của thỏa thuận ngừng bắn và phân chia khu vực biên giới của Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như khả năng diễn ra cuộc họp đầu tiên vào tuần tới của một ủy ban dự kiến sẽ soạn thảo một Syria mới.
Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay cho rằng các chiến binh người Kurd ở đông bắc Syria - đã sát cánh cùng Mỹ chống lại IS - là những kẻ khủng bố. Ankara cho rằng việc gửi quân đội vào Syria là thực hiện quyền tự vệ theo Hiến chương LHQ.
"Do đó, tôi thẳng thắn bác bỏ và lên án mạnh mẽ mọi hành vi xuyên tạc về hoạt động chống khủng bố của chúng tôi là tấn công hoặc gây hấn", ông Sinirlioglu nói với hội đồng, nói rằng chiến dịch tấn công do Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát động vào ngày 9/10 đã bị giới hạn nghiêm trọng.
Còn ông Ja'afari cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ "vi phạm trắng trợn" luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ và các nghị quyết của LHQ.
"Cuộc tấn công đã kéo theo sự chiếm đóng Syria, gây ra cái chết và thương tổn của hàng trăm thường dân" và làn sóng di cư lớn, ông nói.
Ursula Mueller, quan chức nhân đạo của LHQ cho biết gần 180.000 người, bao gồm 80.000 trẻ em, đã rời bỏ nhà cửa ở phía đông bắc Syria vì vụ tấn công trên.
Michael Barkin, cố vấn đặc biệt tại phái bộ Mỹ ở Liên Hợp Quốc, nói với hội đồng rằng Hoa Kỳ hy vọng lệnh ngừng bắn lâu dài sẽ được thực thi và thường dân sẽ được bảo vệ. Ông cũng nói, nếu xác minh được các báo cáo về việc các lực lượng đối lập do Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ cố tình nhắm mục tiêu vào dân thường thì "những hành động này có thể cấu thành tội ác chiến tranh."
Đại sứ Nga Vassily Nebenzia gọi thỏa thuận ngừng bắn Nga-Thổ Nhĩ Kỳ là "có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định ở Syria." "Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Syria và người Kurd khi họ tìm cách xây dựng cuộc đối thoại toàn diện về các vấn đề cấp bách", ông nói.