• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tấn công tên lửa Syria: Mỹ thị uy với Nga, Trung Quốc và Triều Tiên

Thế giới 08/04/2017 15:09

(Tổ Quốc)-Quan hệ Mỹ-Nga rơi vào vòng xoáy bất ổn.

Sáng ngày 7/4, các tàu khu trục Mỹ từ địa Trung Hải đã bắn 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào một sân bay của Syria và các mục tiêu gồm máy bay và các hệ thống phòng không, coi đây là đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí vũ khí hóa học nhằm vào dân thường ở Syria hôm 4/4.

Thực hư vũ khí hóa học?

Bào chữa cho hành động quân sự này, Tổng thống Trump tuyên bố: “Đây là lợi ích an ninh quốc gia quan trọng của Mỹ, để phòng ngừa và răn đe việc sử dụng các loại vũ khí hóa học nghiêm trọng. Không còn nghi ngờ gì nữa, Syria đã sử dụng vũ khí hóa học bị cấm, vi phạm các cam kết theo Công ước Vũ khí Hóa học, và phớt lờ lời kêu gọi của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.

Các nguồn tin của phương Tây khẳng định, nhìn vào hiện trường và cách các nạn nhân bị ảnh hưởng, cho rằng phía Syria đã thực hiện một vụ tấn công sử dụng khí độc sarin.

Khu vực được nói đến hiện đang chịu sự công kích mạnh của các lực lượng quân sự đối lập.

Tổng thống Putin cho rằng cuộc tấn công vào Syria là “xâm lược một quốc gia có chủ quyền và vi phạm luật pháp quốc tế”; lý do Mỹ đưa ra để tấn công là bịa đặt. Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết quân đội Syria “không có vũ khí hóa học”; việc Syria tiêu hủy hết vũ khí hóa học đã được Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) xác nhận.

Cuộc gặp mang tính hình thức và Trung Quốc không đạt được kết quả mong muốn

Lực lượng chống Nga mạnh lên

Gần đây, chính quyền Trump đã tăng cường hành động quân sự tại Iraq-Syria, đưa thêm 2.500 quân, cùng với khoảng 6.000 quân hiện tại đang hoạt động tại hai nước này, cho thấy Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công cuối cùng chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). 8.500 quân đã tương đương với lực lượng tiến hành một cuộc chiến tranh đặc biệt.

Đáng chú ý, các tướng lĩnh Mỹ trên chiến trường thừa nhận rằng binh lính Mỹ sẽ ở lại Syria lâu dài để ổn định khu vực cho “đồng minh của mình” sau khi IS bị đánh bại. Trong khi Mỹ không tham gia vào một giải pháp chính trị do Liên hợp quốc thúc đẩy, đẩy mạnh hoạt động trên chiến trường là nhằm tạo cơ sở cho các lực lượng đối lập do Mỹ và Liên quân hỗ trợ có thực lực để đàm phán một giải pháp chính trị “hậu IS”.

Vụ tấn công ngày 7/4 sẽ đẩy lùi quan hệ Mỹ-Nga, phù hợp với quan điểm cứng rắn của các thế lực ở Washington chống lại việc bình thường hóa quan hệ mà cánh thân Nga trong chính quyền Trump muốn sớm tiến hành. Sự ra đi của Michael Flynn, cựu Cố vấn An ninh quốc gia, và Steve Bannon, Cố vấn trưởng về chính sách của Donald Trump – hai nhân vật thân Nga và chống Trung Quốc – phản ánh chiều hướng chính sách đối ngoại của chính quyền Trump không có lợi cho quan hệ Mỹ-Nga.

Hơn thế nữa, việc Mỹ tấn công Syria, sẽ khiến bối cảnh khu vực càng trở nên phức tạp hơn và quan hệ Mỹ-Nga vốn đang le lói những tia hy vọng, rơi vào vòng xoáy bất ổn. 

Thông điệp nhắn gửi Trung Quốc và Triều Tiên

Cuối cuộc chiêu đãi Chủ tịch Trung Quốc tại lâu đài Mar-a-Lago ở Florida, ngày 6/4, Tổng thống Trump thông báo cho vị khách Trung Quốc về cuộc tấn công tên lửa của Mỹ, diễn ra 4 giờ trước đó. Ông Tập chắc cũng đã biết được nguồn tin này qua kênh riêng của đoàn Trung Quốc, cho rằng hành động của Mỹ là có thể hiểu được.

Tuy nhiên, trong thâm tâm, người Trung Quốc hiểu rằng vụ tấn công diễn ra vào dịp diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Donal Trump và Tập Cận Bình không phải là điều ngẫu nhiên. Mỹ muốn nói với Trung Quốc rằng chính quyền Trump sẽ “chơi rắn”, rằng nếu Trung Quốc không hợp tác để kiềm chế Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, Mỹ có thể thực hiện hành động quân sự đơn phương đánh vào các cơ sở hạt nhân Triều Tiên.

Theo một số nhà quan sát, việc Mỹ đột nhiên ra lệnh tấn công Syria trong thời gian diễn ra cuộc gặp mặt với Tập Cận Bình cũng khiến cho sự chú ý của chính phủ Mỹ bị chuyển dịch đi ít nhiều. Đối với Trung Quốc mà nói thì đây có thể coi là lúc “thở phào nhẹ nhõm” khi sự chú ý của Mỹ đã bị phân tán. Trung Quốc vốn dĩ định bàn với Mỹ về nguyên tắc “một nước Trung Quốc” và vấn đề bán vũ khí cho Đài Loan. Tuy nhiên, cuộc gặp mặt lại không diễn ra đúng như những gì Trung Quốc dự đoán.

Với Bình Nhưỡng, Mỹ muốn nói rằng chính quyền Trump không thể áp dụng thái độ “kiên nhẫn” như dưới thời Obama. Nếu cần, Mỹ sẽ đơn phương hành động.

Tình hình xung quanh chủ trương đối ngoại của chính quyền Trump đang diễn biến phức tạp. Dưới sức ép của các thế lực theo đường lối cứng rắn ở Mỹ, Donald Trump đang tự điều chỉnh chính sách phù hợp với quỹ đạo truyền thống của lợi ích nước Mỹ và ít nhiều mang tính thực dụng “con buôn” của những người chèo lái chính sách./.

Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ