• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tăng trưởng đáng kể các chỉ số về hoạt động thư viện sau 2 năm thực hiện Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

Văn hoá 16/12/2019 13:19

(Tổ Quốc) - Sáng 16/12, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 02 năm triển khai thực hiện Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" và trao Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ hai.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chủ trì Hội nghị.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; lãnh đạo một số Sở VHTTDL/VHTT, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh/thành; lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Thư viện Việt Nam; đại diện lãnh đạo Thư viện Quốc gia Việt Nam, các thư viện công cộng, thư viện chuyên ngành, thư viện đại học, thư viện trường phổ thông, các cơ sở đào tạo ngành thư viện - thông tin; một số nhà xuất bản, các tập thể, cá nhân đạt Giải thưởng phát triển văn hóa đọc và các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.

Tăng trưởng đáng kể các chỉ số về hoạt động thư viện sau 2 năm thực hiện Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết, Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2017 (sau đây gọi là Đề án) đã khẳng định vai trò và ý nghĩa của văn hóa đọc đối với đời sống xã hội và mỗi con người Việt Nam. Quá trình triển khai Đề án đã nhận được sự ủng hộ, vào cuộc chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, các ngành trong việc xây dựng kế hoạch và thực hiện triển khai, tạo nên diện mạo mới cho văn hóa đọc trong nước nhà trong việc phục vụ nhu cầu đọc của người sử dụng. Tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã nhận được sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn lực thông tin; kinh phí cho phát triển thư viện.

Đề án có sự phối hợp giữa nhiều bộ, ban, ngành, cơ quan hữu quan ở Trung ương và địa phương để triển khai với nhiều chương trình đa dạng, nhiều hình thức mới lạ, sáng tạo. Công tác thông tin, tuyên truyền được triển khai đồng bộ, tích cực trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền lồng ghép thông qua các hình thức khác đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội thấy được vai trò và tầm quan trọng của văn hóa đọc. Công tác xã hội hóa được chú trọng, đẩy mạnh, đã vận động tài trợ từ nhiều nguồn lực cùng tham gia, chung tay đóng góp cho việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Thông qua việc triển khai Đề án, chỉ số về hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc đã có sự tăng trưởng đáng kể so với giai đoạn trước.

"Mạng lưới thư viện cấp xã và cơ sở đã có bước phát triển vượt bậc sau nhiều năm có dấu hiệu tụt giảm. Năm 2019, có 24.080 thư viện công cộng (tăng 14%), trong đó, số thư viện cấp xã là 3.290 thư viện (tăng 11%), số phòng đọc sách, tủ sách cơ sở là 19.881 (tăng 11.4%) so với năm 2018. Năm 2019, có tổng số 44 triệu bản sách, tăng 3% so với năm 2018"- Bà Vũ Dương Thúy Ngà cho biết.

Cũng theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, nếu như trong năm 2017, chỉ có hơn 29 triệu lượt người sử dụng được thư viện công cộng phục vụ thì năm 2018, số người sử dụng là hơn 36 triệu lượt và đến năm 2019 là hơn 47 triệu lượt người.

Bên cạnh đó, Đề án còn đẩy mạnh việc hướng đến phục vụ các đối tượng người sử dụng đặc biệt như người khuyết tật, người khiếm thị, phạm nhân…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã báo cáo kết quả hơn hai năm triển khai Đề án tại cơ sở, địa phương. Những thành tựu cũng như những tồn tại, hạn chế; xác định phương hướng và các giải pháp cụ thể tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án trong thời gian tới.

Theo đó, Hội nghị đề ra định hướng thực hiện phát triển văn hóa đọc đến năm 2030 với các nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về tầm quan trọng của văn hóa đọc; Hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh xã hội hóa công tác thư viện; Đẩy mạnh xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình phối hợp công tác giữa Bộ VHTTDL với các Bộ ở Trung ương, giữa ngành văn hóa với các ngành ở địa phương nhằm tận dụng thế mạnh của các cấp, ngành trong phát triển văn hóa đọc; Tăng cường vai trò của công tác quản lý nhà nước trong việc phát triển văn hóa đọc của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh...

Tăng trưởng đáng kể các chỉ số về hoạt động thư viện sau 2 năm thực hiện Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng - Ảnh 2.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy trao Giải thưởng cho đại diện tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phát triển văn hóa đọc

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương, đơn vị trong việc phát triển hệ thống thư viện công cộng, phục vụ người sử dụng. Thứ trưởng khẳng định Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng được thực hiện đã góp phần nâng cao nhận thức về văn hóa đọc, khơi dậy lòng yêu đọc sách, hình thành thói quen và kỹ năng đọc của người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh, thiếu niên. Từ đó tôn vinh văn hóa đọc, tôn vinh tác giả, tác phẩm, góp phần xây dựng, hình thành thói quen đọc, tạo nền- tảng quan trọng cho việc học tập suốt đời của mọi người dân, hình thành xã hội học tập- một mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước ta trong phát triển đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thứ trưởng mong rằng, qua Hội nghị, các địa phương, cơ sở sẽ có cơ hội học tập mô hình thực hiện của nhau, qua đó rút kinh nghiệm và khắc phục khó khăn để thực hiện tốt hơn nữa công tác phục vụ nhu cầu đọc sách của độc giả, nhân dân.

Cũng tại Hội nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Giải thưởng nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực cho sự phát triển văn hóa đọc trong năm 2019. Theo đó, 17 tập thể, 7 cá nhân đã được Bộ trao Giải thưởng trong dịp này.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Ban Tổ chức đã tổ chức triển lãm, trưng bày một số sản phẩm và hình ảnh hoạt động khuyến đọc của các thư viện, các sáng kiến của cá nhân trong phát triển văn hóa đọc và sản phẩm của bạn đọc sáng tạo từ đọc, học tập qua sách báo./.

Tin, ảnh: Hà An

Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!

NỔI BẬT TRANG CHỦ