(Tổ Quốc) - Nga công nhận sự tồn tại của hệ thống tên lửa hành trình - đã khiến Washington tuyên bố sẽ từ bỏ hiệp ước vũ khí INF năm 1987.
Tuy nhiên, Moscow bác bỏ rằng loại vũ khí này vi phạm hiệp ước trên, các quan chức Mỹ và các nhà ngoại giao NATO cho biết ngày 21/1.
Hai tuần trước khi Mỹ lên kế hoạch rút khỏi hiệp ước, đại sứ giải trừ vũ khí của Mỹ tại Geneva – đại diện cho cơ quan làm việc về việc bố trí các tên lửa Mỹ ở ngoài châu Âu cho biết, vẫn còn thời gian để Nga phá hủy hệ thống này.
Nhưng sau một phiên họp của Hội nghị về giải trừ quân bị do Liên Hợp Quốc bảo trợ, nhà ngoại giao Nga Alexander Deyneko nói với Reuters: "Chúng tôi sẽ không nhượng bộ bất kỳ tối hậu thư nào muốn giải quyết hay loại bỏ (một) tên lửa không nằm trong phạm vi cấm của hiệp ước."
Các tên lửa của Nga đang khiến NATO, Mỹ lo ngại. (Nguồn minh họa)
Nga đã phủ nhận việc phát triển loại vũ khí mà tình báo Hoa Kỳ gọi là hệ thống tên lửa hành trình SSC-8 / 9M729.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao NATO cho biết Moscow hiện đã công nhận sự tồn tại của loại vũ khí này, nhưng lập luận rằng tầm bắn của nó nằm trong giới hạn 500 km do hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung thiết lập.
Đại sứ Hoa Kỳ Robert Wood cho biết hệ thống này là một "mối đe dọa mạnh và trực tiếp tới châu Âu và châu Á" vì nó có tầm bắn xa từ 500 - 1.500 km (310-930 dặm), trái với một hiệp ước được vạch ra để ngăn chặn các cuộc tấn công trong thời gian ngắn.
"Nga phải phá hủy một cách có thể xác minh tất cả các tên lửa, bệ phóng và thiết bị đi kèm SSC-8 để quay trở lại tuân thủ Hiệp ước INF", theo Wood.
"Thật không may, Hoa Kỳ ngày càng thấy rằng Nga không còn có thể tin tưởng trong việc tuân thủ các nghĩa vụ kiểm soát vũ khí của mình và rằng các hành động cưỡng chế và gây hại của họ trên toàn cầu đã làm gia tăng căng thẳng."
Sau cuộc gặp với các quan chức Nga ở Geneva tuần trước, Hoa Kỳ nói rằng đề nghị của Moscow để cứu vãn hiệp ước này, được đàm phán bởi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, là không chính đáng vì không thể xác minh được.
Liên minh NATO do Hoa Kỳ lãnh đạo cho biết họ không từ bỏ việc đưa Nga trở lại tuân thủ hiệp ước này. 29 đại sứ của NATO sẽ tổ chức một cuộc họp Hội đồng NATO-Nga đặc biệt với sự tham gia của quyền phái viên Nga tại liên minh này, Yuri Gorlach, tại Brussels vào thứ Sáu.
Các nhà ngoại giao NATO nói với Reuters rằng các thành viên châu Âu của liên minh do Đức dẫn đầu hy vọng Washington sẽ thực hiện một nỗ lực cuối cùng để thuyết phục Kremlin, hoặc có thể đàm phán lại INF để đưa cả Trung Quốc vào.