• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tham nhũng, tư lợi… dường như bắt đầu từ rất sớm, khi trang phục của con người có… cái túi

Văn hoá 03/07/2017 09:36

(Tổ Quốc) -Tham nhũng là một vấn đề nhức nhối đã và đang xảy ra khiến nhiều người bàng hoàng, lo sợ, mất niềm tin. Có lẽ, chỉ khi nào công cuộc phòng chống tham nhũng hiệu quả, quyết liệt thì quần chúng mới tin tưởng đặt niềm tin.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Đống Đa (Hà Nội) ngày 23/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến công tác đấu tranh, phòng, chống  tham nhũng, tiêu cực: Chính là tham nhũng, lãng phí, hư hỏng làm mất niềm tin. Ngày xưa cán bộ sẵn sàng ra mặt trận, che đạn cho đồng chí mình thì người ta mới tin, phục, yêu. Còn giờ có gì anh chén trước, khó khăn anh đẩy cho người khác, lợi ích nhóm, thế thì ai chịu được. Tôi nghèo thế này, anh thế kia thì nảy sinh ra mất niềm tin. Đây là một trong những nguyên nhân phải đẩy mạnh xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, trong sạch và phải làm thường xuyên”.

Đặt lời nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bối cảnh hiện nay – khi mà nhiều quan chức đã và đang bị đưa vào “tầm ngắm” của quần chúng nhân dân và lãnh đạo Đảng, Nhà nước mới thấy thật thấm thía và đúng đắn. Lời của Tổng Bí thư giản dị, chân tình nhưng cũng đầy đau xót, trăn trở và day dứt khi so sánh cán bộ ngày xưa với cán bộ bây giờ khác xa nhau.

Ảnh minh họa. Nguồn congly.vn

 

Có ai đó cho rằng tham nhũng, tư lợi… dường như bắt đầu từ rất sớm, khi trang phục của con người có… cái túi. Cái túi để đựng, để cất giấu thứ mình thích, mình cần mà không ai nhìn thấy, hoặc có nhìn thấy cũng khẳng định chủ quyền thứ trong đó là của tôi.  Và theo thời gian, “cái túi cá nhân” ngày một nới rộng ra thần kỳ, không có đường biên giới hạn. Chiếc túi đó không chỉ đựng tiền bạc châu báu mà còn cả đất đai, biệt thự, chức quyền…

Không day dứt sao được khi thời gian gần đây, nhiều vụ đại án đã bị phanh phui với những con số thống kê mà chắc hẳn khi được nghe nhiều người rùng mình, thẫn thờ và lúng túng không biết quy ra thóc hay quy ra lương thì phải bao nhiêu năm nếu không nói cả đời người chân lấm tay bùn cũng không thể có được.

Người dân không còn xa lạ với từ “chạy” vào chỗ này, ghế kia thay vì năng lực, phẩm chất, trình độ…  Sức mạnh của đồng tiền bị tách riêng thành một thứ luật bất thành văn mà chỉ ai chấp nhận luật đó mới không bị đứng ngoài cuộc. Đồng tiền có thể đổi trắng thay đen. Rồi vì “chạy” phải mất nhiều tiền như thế nên khi chạy xong người ta lại phải bòn rút để “thu hồi vốn” đã bỏ ra. Cái vòng luẩn quẩn này vô hình chung đã khiến niềm tin của quần chúng bị lung lay, mất niềm tin.

Các học giả đã đúc kết: Mất tiền là mất ít, mất thời gian là mất nhiều, nhưng mất niềm tin là mất hết. Nếu như tham nhũng, lợi ích nhóm ở đội ngũ cán bộ lộng hành, lan rộng, và ngày càng tinh vi thì niềm tin của quần chúng nhân dân sẽ dễ dàng lung lay và biến mất. Và để lấy lại niềm tin của nhân dân, không cách gì hơn là phải kiên quyết đấu tranh chống những con sâu mọt đang ngày đêm âm thầm làm mục ruỗng bên trong.

Đánh giá về công tác chống tham nhũng trong thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng đã có bước tiến. Thực tế đến nay nhiều cán bộ đã bị xử lý, kỷ luật, trong đó có Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Đại biểu Quốc hội… và cả cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu. Lần đầu tiên một Ủy viên Bộ Chính trị bước đầu đã bị mức xử lý cảnh cáo, chuyển công tác. Việc kiên quyết xử lý những vụ việc tham nhũng kể trên đã phần nào cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật, sự kiên quyết xử lý những sai phạm gây ra, bất kể người đó là ai, chức vụ gì, còn đang công tác hay đã nghỉ hưu. Đây cũng là tiếng chuông cảnh báo cho những người đang nắm trong tay quyền hành, trọng trách quan trọng để họ hoàn thành một cách có trách nhiệm với nhân dân, đất nước nhiệm vụ đã được giao. Ngược lại, nếu gây ra sai phạm, để lại những hậu quả thì trước sau gì, dù khi họ đã nghỉ hưu thì cũng không có khái niệm “hạ cánh an toàn”.

Cùng với đó, những sai phạm của cán bộ vẫn sẽ tiếp tục được xem xét. Giữa tâm điểm nghi ngờ đang sôi sục của dư luận ở Yên Bái đã được Thanh tra Chính phủ vào cuộc.

Tại Hội nghị toàn quốc Học tập, quán triệt nghị quyết Hội nghị TW 5 khóa XII của Đảng diễn ra ngày 29/6 tại Hà Nội, Thủ tướng đã kiên quyết chỉ đạo xử lý các vi phạm, nhóm lợi ích, sân sau, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí. Cùng với đó, triển khai nghiêm kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về xử lý những dự án điểm liên quan đến tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Đây là những hành động thể hiện sự nhất quán, kiên quyết của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng. Sự quyết tâm này chính là sự mong chờ công lý, và tạo lập lòng tin cho nhân dân.

Vở kịch “Đêm trắng” nổi tiếng mấy chục năm trước từng làm nức lòng bao nhiêu khán giả khi chứng kiến cảnh Bác Hồ thức trắng cả đêm để cân nhắc và đưa ra quyết định cuối cùng về một cán bộ thoái hóa, biến chất mà chính tay Bác từng ký quyết định đề bạt. Cuối cùng, phải rất khó khăn gạt đi những riêng tư, đặt nhân dân lên hàng đầu, Bác đã ký quyết định tử hình đối với cán bộ này. Đây chỉ là một vở kịch và không ai trong chúng ta mong muốn điều đó trở thành sự thật. Nhưng nếu một ngày kia “sân khấu hóa cuộc đời” thì chúng ta cũng phải can đảm có những quyết định như “Đêm trắng”.

Để công cuộc phòng chống tham nhũng có hiệu quả, ngoài sự vào cuộc, quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thường xuyên, lâu dài thì mỗi cán bộ, Đảng viên, mỗi người dân cũng phải cùng chung tay vào cuộc đấu tranh vì mình, vì mọi người và vì đất nước này. 

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ