(Tổ Quốc) - 44 năm, kể từ khi ca khúc "Như có Bác trong ngày đại thắng" ra đời. Nhưng bài hát vẫn sống mãi cùng bao thế hệ người Việt. Cho đến hôm nay, mỗi khi dân tộc đạt được một thành tựu mới thì ca khúc "Như có Bác trong ngày đại thắng" lại ngân vang. "Như có Bác trong ngày đại thắng" của nhạc sĩ Phạm Tuyên mãi là tiếng reo vui của dân tộc.
Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng trăm ca khúc cách mạng đã ra đời. Có những bài hát được viết ra trong lúc phấn khởi, hào hứng, dạt dào xúc cảm; cũng có bài hát được viết ra như một sự động viên chính mình; nhưng lại có bài hát được viết ra như tiên liệu cho một chiến thắng chói lọi của dân tộc, như bài hát: "Như có Bác trong ngày đại thắng" của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Sức sống của bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng có được là do chính tình cảm của mình và tình cảm của mọi người. Mọi người dân trong nước có sự đồng cảm với nhau nên có một sự cộng hưởng
Có lẽ không người Việt Nam nào lại không từng hát và thuộc lòng ca khúc "Như có Bác trong ngày đại thắng". Nhưng ít ai biết, ca khúc lại được sáng tác trước khi chúng ta giành thắng lợi hoàn toàn của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Phải đến 11 giờ 30 phút, xe tăng của chúng ta húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, lá cờ sao vàng mới tung bay giữa Sài Gòn chính thức khẳng định, quân đội nhân dân Việt Nam đã tiếp quản Sài Gòn, thống nhất nước Việt Nam liền một dải. Nhưng ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng đã ra đời ngay đêm 28/4/1975.
Và hai ngày sau, ca khúc đã được Đài Tiếng nói Việt Nam phát cùng với tin giải phóng Sài Gòn chiều 30/4/1975.
Hiếm bài hát nào có sức sống mãnh liệt như bài "Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng".
Theo hồi ức của người nhạc sĩ gần 90 tuổi, khi đó, nhạc sĩ Phạm Tuyên đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Để chuẩn bị mừng ngày thống nhất, nhạc sĩ dự định làm một hợp xướng 4 chương gồm: Miền Bắc lũy thép, Miền Nam thành đồng, Tiến công và nổi dậy, Toàn thắng, nhưng cứ ngồi vào đàn lại không viết được. Đến tối 28/4, khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát tin một phi công Ngụy ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Ông biết chỉ còn vài hôm nữa là giải phóng Sài Gòn.
Ông nảy ra suy nghĩ, giải phóng, nhà nhà, người người sẽ đổ ra đường, mình phải góp tiếng reo vui. Ngay lúc đó, nhớ đến lời thơ của Bác Hồ "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào", ông cầm bút viết điệp khúc "Việt Nam - Hồ Chí Minh".
Nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ: "Trưa ngày 30/4, trên Đài gọi điện đến cho tôi: "Này biết tin chưa, 11h30 mình đã treo cờ trên dinh Độc Lập, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, lên ngay Quán Sứ để trao đổi xem sẽ phát thanh âm nhạc như thế nào. Tôi đi lên, Tổng biên tập đang đứng ở cầu thang hỏi: "Thế nào rồi, tôi nhắn từ nửa tháng nay xem các bạn có những tác phẩm nào không"?
"Báo cáo anh tôi chỉ có bài ngắn ngắn này thôi" và tôi đứng hát bài này trên cầu thang, vừa hát xong, Tổng biên tập vỗ tay rồi nói: "Thôi chỉ cần bài này thôi", rồi yêu cầu đoàn ca nhạc của Đài ngay buổi chiều hôm nay đến phòng thu để tập tành bài này. 5h chiều nay, Trung ương cho phép phát tin này ra toàn thế giới sẽ dùng bài này".
Bài hát được thu thanh ngay chiều 30/4/1975, sau khi Đài phát thanh tuyên bố thắng lợi với thế giới, giai điệu của ca khúc "Như có Bác trong ngày đại thắng" dõng dạc vang lên hùng tráng, tự hào. Bài hát được mọi tầng lớp nhân dân, già trẻ, gái trai yêu thích và thuộc lời ngay sau đó. Bạn bè quốc tế, những người không hề biết tiếng Việt cũng hòa nhịp cùng điệp khúc "Việt Nam Hồ Chí Minh". Sức sống của bài hát đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam để lan tỏa ở nhiều nước như: Nga, Đức, Cuba, Trung Quốc…
Với giai điệu giản dị, gần gũi, lời ca ngắn gọn, súc tích, cả nhan đề và lời chưa đến 60 từ, nhưng ca khúc lại vừa có tính khái quát vừa cụ thể. Khái quát là điệp khúc "Việt Nam Hồ Chí Minh", cụ thể: "Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non song, ba mươi năm dân chủ cộng hoà, kháng chiến đã thành công". Nói như nhạc sĩ Phạm Tuyên, bài hát như có sẵn rồi, nếu không phải ông thì sẽ là một nhạc sĩ khác của dân tộc viết ra:
"Nghe mà có cảm giác như bài hát đó là có rồi, mình không viết thì sẽ có người khác viết. Rất nhiều nhà báo hỏi tôi thì tôi cũng nói rằng đó là tình cảm của tôi. Tình cảm của tôi là tình cảm của người dân lúc ấy sau bao nhiêu năm chiến tranh mới có ngày ấy. Và khi ngày chiến thắng đến thì vỡ òa cảm xúc. Tôi nghĩ sức sống của bài hát có được là do chính tình cảm của mình và tình cảm của mọi người, mọi người dân trong nước có sự đồng cảm với nhau nên có một sự cộng hưởng", nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết.
NSND Chu Thúy Quỳnh, người đã đem tiếng hát, điệu múa phục vụ đoàn quân giải phóng suốt hành trình từ Bắc vào Nam thời kháng chiến chia sẻ, sau khi bài hát "Như có Bác trong ngày đại thắng" ra đời, không một chương trình biểu diễn của bà lại không cất cao lời hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng". Bà bảo, bài hát như tiếng lòng, là ước vọng bấy lâu của bà. "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng… Việt Nam Hồ Chí Minh! Việt Nam Hồ Chí Minh!". Bài hát ngắn gọn, âm nhạc rộn ràng, lời ca súc tích ghi dấu tên đất nước, tên Người mà không biết bao nhiêu lần đoàn nghệ sĩ của bà cùng nắm tay quân giải phóng vừa khóc vừa hát.
"Trong không khí "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" thì tất cả mọi người dân của chúng ta ai cũng hát, ai cũng vỗ tay và ai cũng có thể cầm tay nhau nhảy múa trước chiến thắng đó. Và không lúc nào chúng ta nghĩ rằng Bác Hồ của chúng ta đã đi xa, lúc nào hình tượng Bác Hồ cũng đứng bên cạnh chúng ta và trước chúng ta để cùng chúng ta mừng chiến thắng đã đánh và cố gắng tiến lên", NSND Chu Thúy Quỳnh chia sẻ.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhạc sĩ Phạm Tuyên có thêm biết báo sáng tác mới, nhưng ca khúc: "Như có Bác trong ngày đại thắng" của ông mãi là tiếng reo vui của dân tộc trong ngày đại thắng. Cha đẻ của ca khúc ấy giờ đã gần 90 tuổi, nhưng bài hát "Như có Bác trong ngày đại thắng" vẫn mãi tươi mới. Dẫu tác phẩm được sáng tác trong thời gian chưa đầy 2 giờ đồng hồ nhưng đó là 2 giờ cho cả cuộc đời. Và điệp khúc "Việt Nam - Hồ Chí Minh" đã trở thành bất hủ./.