• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thành công tên lửa xuyên lục địa, Triều Tiên có khiến Mỹ “lo sợ”?

Thế giới 04/07/2017 20:41

(Tổ Quốc) -Triều Tiên vào ngày 4/7 thông báo đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Theo các chuyên gia, vụ phóng tên lửa đạn đạo thành công của Triều Tiên có thể là tiền đề phát triển vũ khí hạt nhân tấn công vào lục địa Mỹ.

Nhập mô tả ảnh

Vụ phóng tên lửa diễn ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20. Theo kế hoạch, hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ tiến hành thảo luận về chủ đề hạt nhân Triều Tiên nhằm tìm kiếm nỗ lực kiềm chế các chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.

Theo các nhà quan sát, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên có tên là Hwasong-14 đã đạt độ cao 2802km, bay 933km và bắn trúng mục tiêu sau khi bay 39 phút.

“Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo không xác định vào vùng biển phía đông (Biển Nhật Bản) từ khu vực lân cận Banghyon, Bắc Pyongan, vào khoảng 9 giờ 40 phút", Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết.

“Vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên được xác định là thành công và không ảnh hưởng đến các nước lánh giềng”, truyền thông nhà nước Triều Tiên lên tiếng.

Triều Tiên cũng khẳng định, loại tên lửa này có thể phóng vào bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng, tên lửa Triều Tiên được cho là loại tên lửa tầm trung, tuy nhiên, đây có khả năng cũng được xem là loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Thị trường cổ phiếu giảm

Thị trường cổ phiếu của Hàn Quốc và Nhật Bản đều giảm xuống mức đáng kể sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Thủ tướng Nhật Bản Shinzon Abe đã phản ứng mạnh mẽ và kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin có hành động mạnh mẽ đối phó với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

“Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ cùng thảo luận về vấn đề Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh G20. Tôi kêu gọi liên kết mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế nhằm đối phó với vấn đề Triều Tiên”, ông Abe nói với các phóng viên.

Đại diện Nhật Bản cho biết ngày 3/7, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ tiến tới hội nghị thảo luận về vấn đề Triều Tiên tại Hội nghị G20. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ tham dự Hội nghị G20 tại Đức trong thời gian này.

Phản ứng trước điều này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên Twitter: “Triều Tiên liên tục phát động các cuộc phóng tên lửa. Điều này liệu có thể mang đến những điều tốt đẹp cho cuộc sống của ông ấy?”, ông Trump nhằm ám chỉ nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

“Rất khó để tin tưởng rằng, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ chịu đựng điều này thêm nữa. Trung Quốc có lẽ sẽ có động thái mạnh mẽ hơn nữa với Triều Tiên và sẽ kết thúc điều vô nghĩa này”, ông Trump viết trên Twitter.

Bộ ngoại giao Trung Quốc vào ngày 4/7 cũng kêu gọi các nước nên kiềm chế và bình tĩnh sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên Phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết, Nghị quyết Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã có quy định rõ ràng về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và Trung Quốc phản đối các hành động vi phạm của Bình Nhưỡng.

Triều Tiên đã liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa hạt nhân bất chấp sức ép quốc tế trước bối cảnh gia tăng các lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc, các nhà phân tích cho biết.

Tên lửa  quỹ đạo cao

Bình Nhưỡng liên tục phát triển các hoạt động liên quan đến tên lửa. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, sẽ cần phải nhiều năm nữa công nghệ tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân (ICBM) mới có thể hoàn thiện. Mục tiêu tên lửa tầm trung nhắm vào lục địa Mỹ của Triều Tiên là tham vọng chiến lược lâu dài của Bình Nhưỡng.

Ông David Wright, đồng giám đốc chương trình an ninh toàn cầu tại Hiệp hội các nhà khoa học cho biết, các đánh giá về thời gian bay và khoảng cách cho thấy tên lửa đã phóng ở quỹ đạo cao hơn 2800 km.

Tiêu chuẩn quỹ đạo tối đa của một tên lửa tầm trung là ở khoảng 6700km. Theo nguyên tắc phát triển vũ khí tầm xa của Mỹ, bất cứ tên lửa đạn đạo nào có tầm bắn vượt ngưỡng 5.500km đều được gọi là tên lửa đạn đạo liên lục địa. Triều Tiên từ trước đến nay chỉ thử nghiệm tên lửa tầm trung, có khả năng đánh trúng mục tiêu từ 3.000-5.500km.

“Độ phóng của tên lửa không đủ để nhắm tới 48 bang hay các đảo lớn của Hawaii nhưng nó có thể tiến tới tiểu bang Alaska”, ông David Wright cho biết trong quan sát vệ tinh.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói ngày 3/7 trong cuộc gặp với cựu Tổng thống Obama rằng, Bình Nhưỡng hiện đang đối mặt với cơ hội cuối cùng với các nước khác xung quanh vấn đề này. Triều Tiên đã tiến tới ít nhất 4 vụ phóng tên lửa kể từ khi ông Moon trở thành Tổng thống Hàn Quốc.

Cuộc điện đàm đầu tuần ngày 3/7 của Tổng thống  Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Abe cũng đưa ra các thảo luận về Triều Tiên. Sau vụ thử ngày 3/7, Triều Tiên sẽ vẫn là đề tài nóng không thể thiếu trong thảo luận của các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh G20.

(theo reuters)

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ