• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thế lực Nga không dừng lại ở Syria

Thế giới 13/11/2019 10:53

(Tổ Quốc) - Một bài bình luận trên tờ New York Times (NYT) đưa ra nhiều nhận định về ảnh hưởng của Nga đang mở rộng.

Đối với nhiều người ở phương Tây, việc Nga trở lại sân khấu thế giới trong vài năm qua là một điều bất ngờ, và không phải là một điều dễ chịu. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Nga không còn là một đất nước có sức mạnh đáng kể.

Kịp thời xoay chuyển chiến lược

Tuy nhiên, 5 năm sau, Nga vẫn kiên cường phát triển, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với các hành động của họ ở Ukraine. Moscow đã chiến thắng một cách hiệu quả, về mặt quân sự, ở Syria: Ngày nay, họ là một nhà trung gian quyền lực ở quốc gia đó; chiến thắng đã nâng cao uy tín của họ ở Trung Đông và cả sự hỗ trợ vật chất cho ý định trở lại vị trí cường quốc của Nga.

Những người khó chịu nên quen dần với điều này. Nga không phải là một siêu cường, nhưng họ trở lại như một thế lực độc lập quan trọng. Và họ sẽ thể hiện vai trò ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới trong những năm tới.

Thế lực Nga không dừng lại ở Syria - Ảnh 1.

Sức mạnh quân đội Nga cũng được gia tăng đáng kể. Ảnh: AFP/Getty.

Đối với người Nga, điều này là dễ hiểu. Vào những năm 1990, khi thế giới nhìn thấy cái lưng của Nga thì các nhà lãnh đạo của Nga không bao giờ coi đất nước của họ đã kết thúc. Thay vào đó, họ thấy sự suy sụp và rút lui khỏi thế giới sau khi Liên Xô sụp đổ chỉ là tạm thời - điều mà Nga đã trải qua trước đó và cuối cùng sẽ vượt qua. Câu hỏi duy nhất là hình thức trở lại sẽ như thế nào.

Vào những năm 2000, Moscow đã không thành công với mong muốn trở thành một phần của cộng đồng châu Âu – Đại Tây Dương đang mở rộng: Những lời đề nghị Mỹ hãy đối xử bình đẳng đã không gây ấn tượng với Washington, và những yêu cầu về lợi ích an ninh quốc gia của họ bị bỏ qua trong quá trình mở rộng NATO. Và vì vậy, từ đầu những năm 2010, Kremlin đã bắt đầu vạch ra một tiến trình trái ngược với các chính sách hội nhập phương Tây trước đây.

Sau khi Nga được cho là can thiệp Ukraine năm 2014, một bước đột phá từ sau Chiến tranh Lạnh, trật tự tác động đến phương Tây của họ đã được định hình. Việc sáp nhập Crimea và lập trường ủng hộ phe ly khai ở Donbass không phải là chính sách tái chiếm Đông Âu, như nhiều người ở phương Tây lo ngại, nhưng rõ ràng hành động đối với Ukraine và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ khác đã đặt ra hạn chế đối với bất kỳ sự mở rộng nào của NATO trong tương lai. Bộ đệm an ninh đã trở lại. Nếu việc sử dụng vũ lực ở Ukraine, từ quan điểm của Kremlin, về cơ bản là phòng thủ, thì sự can thiệp của Nga vào Syria năm 2015 là một sự mạo hiểm để quyết định kết quả địa chính trị ở Trung Đông - một khu vực khó lường nổi tiếng đối với những thế lực bên ngoài bị Liên Xô bỏ rơi vào thời điểm cuộc chiến vùng Vịnh Ba Tư năm 1991. Kể từ đó, kết quả của hoạt động quân sự và điều động ngoại giao không chỉ khiến các nhà phê bình sớm bối rối mà còn vượt xa cả những kỳ vọng của chính Tổng thống Vladimir Putin.

Nền móng từ Syria

Thành tích của Nga ở Trung Đông vượt xa thành công ở Syria. Moscow được hưởng lợi từ các liên minh bán linh hoạt với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, thỏa thuận giá dầu với Ả Rập Saudi và quan hệ quân sự mới được hồi sinh với Ai Cập. Họ cũng có tác động đến tình hình Libya và trở thành một sức mạnh mà nhiều người Lebanon mong muốn có được sự hỗ trợ và là một nhà trung gian an ninh giữa Iran và các quốc gia vùng Vịnh - tất cả điều này được xúc tiến trong khi vẫn duy trì mối quan hệ mật thiết với Israel.

Ngày nay, mức độ liên quan như vậy với Trung Đông là một sự nổi bật trong bối cảnh chính sách đối ngoại của Nga. Bên cạnh đó, Moscow, song song với Washington, đã theo đuổi việc giải quyết theo con đường chính trị ở xung đột Afghanistan -điều này đòi hỏi phải có liên hệ với Kabul và Taliban; Pakistan và Ấn Độ; và Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tháng trước, ông Putin đã đón 43 nhà lãnh đạo châu Phi ở Sochi - hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Nga với một lục địa nơi Moscow đang thể hiện mình là một đối tác an ninh.

Độ tin cậy của tuyên bố này không chỉ được hỗ trợ bởi kinh nghiệm của Syria mà còn bởi sự ủng hộ về chính trị và vật chất của Nga cho Tổng thống Nicholas Maduro ở Venezuela, bất chấp việc Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây phản đối sự lãnh đạo của ông ta. Cuba, một lần nữa chịu áp lực của chính quyền Trump, đang tăng cường mối quan hệ với Nga, thể hiện qua chuyến thăm luân phiên gần đây tới Havana của Thủ tướng Dmitri Medvedev và tới Nga của Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Carnel. Bên cạnh các chính quyền cánh tả ở Mỹ Latinh, Moscow cũng đang vươn tới Brazil (một thành viên BRICS), Argentina và Mexico.

Trong thế giới ngày càng bị chi phối bởi sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, các chủ thể độc lập lớn như Nga có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn một cuộc đối đầu lưỡng cực tốn kém.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ