• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thế trận toàn cầu Mỹ vô tình giúp Iran – Nga đột phá

Thế giới 15/10/2018 21:39

(Tổ Quốc)- Các chiến lược trừng phạt của Mỹ đang nới rộng sự khu vực hóa trên toàn cầu và thúc đẩy quan hệ Iran-Nga.

Theo một bài viết của nhà phân tích chính trị Israel Dana Weiss, Bộ Ngoại giao Israel có một tài liệu bí mật mô tả kế hoạch của Nga hỗ trợ Iran trong việc ngăn chặn các lệnh trừng phạt của Mỹ, đặc biệt là về xuất khẩu dầu.

Nga – Iran – Thổ mở cơ hội

Iran sẽ chuyển dầu thô sang các nhà máy lọc dầu của Nga trên Biển Caspian. Sau đó Nga sẽ giới thiệu và bán dầu như là của Nga và hoàn trả cho Iran doanh thu.

Theo Weiss, Iran sẽ chuyển dầu thô sang các nhà máy lọc dầu của Nga trên Biển Caspian. Sau đó Nga sẽ giới thiệu và bán dầu như là của Nga và hoàn trả cho Iran doanh thu. Theo tài liệu bí mật này, kế hoạch đã được các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh của họ vào ngày 7/9. Trước đó, thượng đỉnh này cũng đã dành được nhiều sự chú ý nhưng chủ yếu là về việc các nhà lãnh đạo của ba nước nói về thỏa thuận tránh leo thang xung đột tại Idlib.

Thế trận toàn cầu Mỹ vô tình giúp Iran – Nga đột phá - Ảnh 2.

Ba nhà lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ muốn hỗ trợ Tehran không bị thiệt hại nặng nề từ trừng phạt của Mỹ. (Nguồn: Southfront/AFP)

Tài liệu mật trên cũng cho biết châu Âu có thể đã đồng ý trong việc cho phép Iran phá vỡ các biện pháp trừng phạt của Mỹ để buôn bán dầu với châu Á. Điều này là hợp lí vì các nước lớn châu Âu, cũng là thành viên kí kết thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 JCPOA, quan tâm đến việc Tehran sẽ tiếp tục tuân thủ văn bản này. Chính bản thân EU cũng đã thực hiện các bước đi hướng tới việc hỗ trợ Iran đối phó với các biện pháp trừng phạt từ Mỹ.

Theo chuyên gia Weiss, đây là điều đáng lo ngại cho Israel vì Iran sẽ tránh được sự sụp đổ kinh tế khi được hỗ trợ vượt qua các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Bên cạnh đó, trang tin  Hadashot cũng đã đăng tải về tài liệu mật trên và nói rằng cơ chế này nhấn mạnh sự liên minh giữa Moscow và Tehran, và do đó cũng có liên quan đến việc Israel tìm cách ngăn chặn Iran mở rộng sự hiện diện quân sự ở Syria.

Ngày 14/10, Tổng thống Iran Hassan Rouhani lên tiếng giảm mức độ ảnh hưởng lệnh trừng phạt của Mỹ và nói rằng sau khi nó đi vào có hiệu lực ngày 4/11, chúng sẽ không có hiệu quả. Lý do đằng sau tuyên bố của ông là "Mỹ đã làm những gì họ muốn làm".

Ông Rouhani nói chính quyền Mỹ hiện nay là đội ngũ có quan điểm "thù địch nhất" đối với Iran, nhưng quốc gia của ông sẽ vượt qua các biện pháp trừng phạt với "sự đoàn kết và toàn vẹn." Ông nói rằng chính quyền của ông đã phân bổ khoảng 15 tỷ USD để mua hàng hóa cơ bản trong năm tài chính hiện tại của Iran, kết thúc vào tháng 3 tới.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng trong tháng 8 cho biết, họ sẽ tiếp tục mua khí tự nhiên từ Iran bất chấp sự đe dọa trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, nhà máy lọc dầu của Thổ Nhĩ Kỳ, Tupras, đã bắt đầu giảm lượng dầu thô mua từ Iran khi đang tính toán về các biện pháp của Mỹ có hiệu lực vào tháng 11. Ngân hàng Ziraat của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã sắp xếp cho một cuộc trao đổi tiền tệ với Ngân hàng Iran Melli, từ đó cho phép diễn ra hoạt động thương mại trị giá 1,4 tỷ đô la giữa hai nước. Ngay cả trước khi Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran được kí kết, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hỗ trợ Iran trong việc giải quyết các biện pháp trừng phạt, theo trang South Front.

EU vươn tay hỗ trợ

EU cũng đã khởi xướng cơ chế hạn chế ảnh hưởng từ trừng phạt Mỹ đối với Iran, ngăn các nước thành viên đi theo đòn trừng phạt của Hoa Kỳ. Mặc dù vậy, nhiều công ty châu Âu đã rút hoạt động khỏi Iran, cụ thể là Total – trước đó đã tham gia một dự án dầu trị giá 4,8 tỷ USD tại nước này. Tổng số cổ phần này sau đó đã được một công ty dầu mỏ quốc doanh Trung Quốc mua lại.

Vào ngày 25/9, Giám đốc Chính sách đối ngoại của EU, Federica Mogherini, tuyên bố rằng Pháp, Anh, Đức, Nga và Trung Quốc đã tạo ra một cơ chế mới để cho phép các nước giao dịch với Iran và tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ. Được gọi là "phương tiện chuyên dụng" (SPV), cơ chế này nhằm mục đích "hỗ trợ và trấn an các nhà khai thác kinh tế để họ tiếp tục theo đuổi hoạt động kinh doanh hợp pháp với Iran", theo tuyên bố chung của các nước tham gia.

"Điều này có nghĩa là các nước thành viên EU sẽ thành lập một cơ chế pháp nhân để tạo thuận lợi cho các giao dịch tài chính hợp pháp với Iran và điều này sẽ cho phép các công ty châu Âu tiếp tục giao dịch với Iran theo luật của Liên minh châu Âu và có thể mở cho các đối tác khác trên thế giới", bà Mogherini nói.

Theo South Front, đây là một bước đi trong điều Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas kêu gọi vào tháng 8 năm 2018. Ông đã kêu gọi thành lập một hệ thống tách biệt với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT "có ảnh hưởng" của Mỹ.

SPV là một cách để tránh dùng hệ thống SWIFT, thay vì chuyển khoản bằng USD sẽ chuyển sang giao dịch bằng đồng tiền quốc gia. Điều này đã được nhìn thấy ở các giao dịch giữa Trung Quốc - Thổ Nhĩ Kỳ, Nga -Thổ Nhĩ Kỳ và Nga - Ấn Độ cũng như quan hệ Trung Quốc - Iran. Đây là một bước đi chậm rãi, nhưng chắc chắn để thiết lập các cụm kinh tế khu vực không chấp nhận áp lực trừng phạt của Mỹ.

Kết quả từ các lệnh trừng phạt của Mỹ là việc khu vực hóa toàn cầu sẽ tiếp tục. Với tiến trình này, Mỹ đang bị đẩy ra khỏi nhiều tiến trình mà Washington cho rằng nằm trong lợi ích của chính họ.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ