• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thị trường Đông Nam Á chuẩn bị cho bước ngoặt mới vào năm 2023

Thế giới 13/12/2022 14:15

(Tổ Quốc) - Trang CNBC dẫn tin, thị trường chứng khoán Đông Nam Á sẽ chuyển động theo cách tương tự như "cú nhảy bungee" vào năm 2023 trước khi hồi phục mạnh trở lại vào nửa cuối năm sau.

Theo các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Mỹ JPMorgan, thị trường chứng khoán Đông Nam Á sẽ chuyển động theo cách tương tự như "cú nhảy bungee" trước khi hồi phục mạnh trở lại vào nửa cuối năm sau.

Thị trường Đông Nam Á chuẩn bị cho bước ngoặt mới vào năm 2023 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AFP

Nhóm phân tích do Rajiv Batra đứng đầu cho biết hàng loạt tín hiệu như sụt giảm mạnh, sau đó là gia tăng nhanh chóng hoàn toàn có thể xảy ra vào thời gian tới. Nguyên nhân của những vấn đề này là bởi sức mua yếu đi do thắt chặt chính sách tiền tệ, tiền tiết kiệm thấp và chi phí đi vay cao hơn.

Các nhà phân tích của JPMorgan kỳ vọng chỉ số MSCI ASEAN sẽ kiểm tra lại mức đáy của năm nay và khả năng còn xuống thấp hơn nữa vào nửa đầu năm 2023 do nhu cầu bên ngoài yếu hơn, điều kiện tài chính thắt chặt và thúc đẩy mở cửa trở lại trong bối cảnh không chắc chắn.

Chỉ số MSCI ASEAN bao gồm 170 cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa tại các thị trường ASEAN, bao gồm Singapore, Indonesia, Malaysia, Phiippines, Thái Lan và Việt Nam.

Kể từ mức đỉnh gần nhất vào tháng 2/2022 tới nay, chỉ số MSCI ASEAN đã giảm 22% nhưng kỳ vọng từ sự phục hồi trở lại của kinh tế Trung Quốc và sự xoay trục của FED đã giúp MSCI ASEAN tăng trở lại 10% trong thời gian qua.

"Lãi suất của FED dự kiến sẽ đạt 5% vào tháng 5/2023 và suy thoái của Mỹ dự kiến sẽ rơi vào cuối năm nay. Đáng chú ý, diễn biến này chưa được các thị trường chứng khoán phản ánh hết vào giá cho tới khi suy thoái thực sự diễn ra", báo cáo cho biết.

Các nền kinh tế có hoạt động ngoại thương mạnh trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt bởi tăng trưởng toàn cầu chậm hơn trong thời gian tới và nhu cầu đối với hàng tiêu dùng yếu đi.

Trên hết, việc nới lỏng các hạn chế do đại dịch Covid-19 của Trung Quốc cũng còn khó đoán định. Chẳng hạn, nền kinh tế Thái Lan dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đáng kể trong xuất khẩu, đầu tư tư nhân và sản xuất. Các nhà phân tích của JPMorgan đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Thái Lan trong năm 2023 sẽ xuống 2,7% so với 3,3% trước đó. Singapore dự kiến cũng sẽ phải đối mặt với các điều kiện kinh tế vĩ mô khó khăn hơn.

"Chúng tôi cho rằng sự suy yếu của nhu cầu bên ngoài sẽ làm chậm lại hoạt động sản xuất hàng hóa của Singapore ngay cả khi ngành du lịch có thể bù đắp lại phần nào. Bên cạnh đó, việc tăng thuế dịch vụ và hàng hóa sắp tới của Singapore từ 7% lên 8% có thể cũng sẽ làm giảm nhu cầu và triển vọng của ngành tiêu dùng", báo cáo của JPMorgan cho biết.

Kỳ vọng từ việc mở cửa của Trung Quốc

Hiện tại Trung Quốc đã nới lỏng nhiều biện pháp kiểm soát với Covid-19. Việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát Covid-19 trong tuần qua cùng với việc chính phủ công bố những thay đổi sâu rộng tạo điều kiện cho đi lại trong nước cũng như duy trì hoạt động kinh doanh sẽ mang lại cơ hội cho thị trường Đông Nam Á.

"Những lợi ích từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ có tác động nhưng có thể chưa đủ để bù đắp được tình trạng suy thoái ở các thị trường phát triển trong bối cảnh thị trường Đông Nam Á có mức tiếp xúc cao với xuất khẩu và nhu cầu từ các nền kinh tế phát triển", các nhà phân tích của JPMorgan nhận định trên CNBC.

Đối với Singapore, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cho du lịch quốc tế sẽ được xem là "chất xúc tác tích cực" cho nền kinh tế nước này.

Khách du lịch Trung Quốc chiếm khoảng 20% lượng khách du lịch đến Singapore vào năm 2019. Vì vậy, sự trở lại của du khách Trung Quốc có thể tạo ra tác động dây chuyền đối với tiêu dùng của Singapore và lĩnh vực dịch vụ liên quan đến du lịch. Tuy nhiên, các nhà phân tích của JPMorgan ước tính đà tăng này vẫn có thể bị hạn chế bởi các điều kiện suy thoái toàn cầu nói trên và những thách thức về nhu cầu bên ngoài mà nước này phải đối mặt.

Cũng theo báo cáo này, việc mở cửa lại biên giới từ Trung Quốc cũng sẽ tạo ra "tiềm năng tăng trưởng" cho sự phục hồi du lịch của Thái Lan nhưng cũng có thể có tác động tới lạm phát.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích của JPMorgan, cho dù du lịch có thể kích thích tăng tiêu dùng nhưng nó không có mối tương quan chặt chẽ với lạm phát ở các quốc gia như Thái Lan, nơi bản chất của lạm phát chủ yếu là do nguồn cung. JPMorgan dự báo mức độ hồi phục sẽ còn tồn tại các hạn chế bởi điều kiện kinh tế hạn hẹp hơn trong bối cảnh suy thoái toàn cầu và mức độ mở cửa của Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ