• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thỏa thuận hòa bình Israel và Bahrain định hình lại chiến lược Trung Đông

Thế giới 17/09/2020 20:19

(Tổ Quốc) - Thỏa thuận do Mỹ làm trung gian giữa Israel và hai quốc gia vùng Vịnh là dấu mốc quan trọng trong hành trình ngoại giao lâu dài hướng tới một nền hòa bình cho Ả rập và Israel.

Theo National Interest, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả rập – một đồng minh lâu năm của Mỹ tiến tới nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Israel.

Thỏa thuận hòa bình Israel và Bahrain định hình lại chiến lược Trung Đông - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chủ trì lễ ký kết tại Nhà Trắng vào hôm thứ Ba (ngày 15/9) với sự tham gia của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Ngoại giao Bahrain Abdullatif al-Zayani và Bộ trưởng Ngoại giao UAE - Abdullah bin Zayed Al Nahyan.

Các quan chức ba nước đã ký kết hai văn kiện riêng biệt, bao gồm thỏa thuận hòa bình giữa Israel và UAE; tuyên bố ý định thực hiện hòa bình giữa Israel và Bahrain. Hiện chưa có đủ thời gian để tiến tới đàm phán một thỏa thuận cuối cùng về hiệp định thứ hai kể từ khi thông báo đột phá ngoại giao vào ngày 11/9.

Thỏa thuận giữa Israel và hai quốc gia vùng Vịnh là dấu mốc quan trọng trong quan hệ ngoại giao lâu dài về hòa bình giữa Ả rập và Israel. Các quan chức Mỹ đã đánh giá cao Hiệp định Abraham giữa Israel và UAE cũng như xem đây là một sự kiện bản lề lịch sử quan trọng.

Hai hiệp định hòa bình là thành tựu nổi bật của chính quyền Tổng thống Trump trong chiến lược đàm phán "từ ngoài vào trong" và cũng là chiến lược lâu đời của Thủ tướng Israel Netanyahu. Israel từ lâu đã hi vọng hợp tác với các quốc gia Ả rập nhằm chia sẻ một số lợi ích và mối quan tâm với nước này.

Đột phá ngoại giao thúc đẩy bởi các kẻ thù chung

Israel, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Bahrain đều đang phải đối mặt với mối đe dọa từ người Shiite Iran cũng như từ các nhóm cực đoan Hồi giáo dòng Sunni. Cả ba nước đều lo ngại về vai trò ngày càng gia tăng của Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề hỗ trợ các nhóm lực lượng trong xung đột ở Syria, Gaza và Libya.

Hai thỏa thuận mở đường cho Israel, Bahrain và UAE tăng cường thương mại, đầu tư, hợp tác công nghệ, du lịch và quan trọng nhất là hợp tác chiến lược đối phó với Iran trong bối cảnh ba nước và Mỹ xem Tehran là mối đe dọa chính gây bất ổn khu vực. Sợi dây liên quan đến thách thức Iran đã khiến cho Israel, Bahrain và UAE đến gần nhau hơn và Tehran có thể là bên chịu thua nhiều nhất trong mối quan hệ giữa Ả rập và Israel.

Hiệp định hòa bình UAE chỉ ra rằng Israel và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất sẽ cùng với Mỹ khởi động chương trình nghị sự chiến lược cho Trung Đông nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ ngoại giao, thương mại và an ninh cũng như các cam kết hòa bình và không can thiệp. Chính quyền Tổng thống Trump trong thời gian dài đã thúc đẩy chiến lược về liên minh Trung Đông mà các nhà phân tích thuộc tổ chức Heritage Foundation đã từng nhắc đến trong một báo cáo hồi tháng Tư.

Hiệp định hòa bình không chỉ phải đề phòng mối quan hệ hợp tác quân sự và tình báo chặt chẽ giữa Israel và hai vương quốc Ả rập mà còn mở đường cho Mỹ xuất khẩu vũ khí tinh vi đến hai nước, bao gồm máy bay tàng hình F-35, máy bay phản lực và máy bay không người lái có vũ trang.

Thông qua nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho các đàm phán giữa Israel và các quốc gia Ả rập, chính quyền Tổng thống Trump đã tìm cách khởi động tiến trình hòa bình khu vực Trung Đông.

Ông Jared Kushner – người đóng vai trò hàng đầu trong các đột phá ngoại giao khẳng định các thỏa thuận đang chứng minh rất nhiều các nhà lãnh đạo khu vực đã quá mệt mỏi với việc chờ đợi người Palestine đi đến cam kết với Israel, vì vậy, thỏa thuận đồng nghĩa với việc các quốc gia này đặt lợi ích quốc gia của họ lên trên hết.

Các nhà lãnh đạo ở Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đều đặt lợi ích của người dân họ trước khi người dân Palestine có động thái. Nhiều người Ả rập ở vùng Vịnh cũng chỉ trích Hamas và các phần tử Hồi giáo cực đoan Palestine khác vì động thái hợp tác chặt chẽ với Iran.

Các nhà lãnh đạo trẻ và năng động của Bahrain cũng như UAE cũng từng bày tỏ các chỉ trích với sự thờ ơ của Palestine sau thời gian chờ đợi động thái của nước này.

Việc thiếu kiên nhẫn trong sự chèo kéo ngoại giao của các nhà lãnh đạo Palestine cùng với các yêu cầu phi thực tế của nước này khiến Bahrain và UAE thúc đẩy đến tiến trình hòa bình. Theo National Interest, cả hai đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thúc đẩy ngoại giao của Mỹ về hòa bình Ả rập – Israel. Bahrain đã tổ chức hội thảo vào tháng 9/2019 nhằm thúc đẩy các lợi ích kinh tế đối với người Palestine trong sáng kiến Hòa bình đến thịnh vượng của chính quyền Tổng thống Trump.

Cả hai nước cũng ngầm ủng hộ Saudi cho nỗ lực hòa bình. Mặc dù Saudi thể hiện sự thận trọng trước việc công khai tham gia đàm phán hòa bình nhưng nước này cũng thể hiện sự ủng hộ bằng cách mở cửa không phận cho phép các chuyến bay thương mại giữa Israel và UAE diễn ra.

Morocco, Oman, và Sudan cũng có khả năng tham gia đàm phán hòa bình với Israel trong tương lai gần. Nếu động lực này có khả năng diễn ra thì thỏa thuận giữa UAE và Bahrain có thể thổi luồng sinh khí mới cho sáng kiến hòa bình của chính quyền Tổng thống Trump.

Cuối cùng, các hiệp ước ngoại giao giữa Bahrain và UAE có thể khiến người Palestine phải đến gần thực tế hơn với Israel và tham gia cùng các quốc gia Ả rập khác trên chuyến tàu hòa bình. Cho dù người Palestine có phản ứng như thế nào thì hai thỏa thuận hòa bình đều được đánh giá là thành tựu ngoại giao bốn bên, mở đường cho hợp tác chiến lược chặt chẽ hơn của Trung Đông đối phó với Iran.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ