• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thời điểm định mệnh của bán đảo Triều Tiên

Thế giới 26/04/2018 09:01

(Tổ Quốc) - Ngày 27/4, tại Bàn Môn Điếm sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba trong vòng 18 năm giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

 Giờ phút định mệnh của dân tộc Triều Tiên hai miền Nam-Bắc lại điểm. Liệu chủ trương “trước hết áp lực tối đa, sau là can dự” của Tổng thống Moon Jae-in có hiệu quả hay cuộc đặt cược của ông thất bại? Liệu chủ trương thực hiện “song hành” vừa phát triển vũ khí chiến lược, vừa phát triển kinh tế của nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể hiện thực hóa hay Triều Tiên tiếp tục bị bao vây cô lập và suy yếu? Với Washington, nghệ thuật gây khủng hoảng bằng Twitter của Tổng thống Donald Trump có thành đòn bẩy ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng? 

Nhiều khả năng, hai nhà lãnh đạo Bắc-Nam Triều Tiên sẽ thống nhất được một thỏa thuận khung cho việc cải thiện quan hệ hai miền. Ông Moon có thể tìm hiểu được tư duy của ông Kim về “phi hạt nhân hóa”. Việc thiết lập nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên không thể không có sự can dự của Mỹ và Trung Quốc.

Định nghĩa “phi hạt nhân hóa” của ba bên khác biệt nhau

Triều Tiên tuyên bố chấp nhận “phi hạt nhân hóa”, tuy nhiên cách hiểu của Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc lại khác biệt.

Mục tiêu bao trùm của Mỹ là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Chính quyền Trump cho thấy sẽ theo đuổi nội dung phổ quát được Liên hợp quốc đưa ra năm 2006: phi hạt nhân hóa toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược (CVID). Nhưng, tiềm lực hạt nhân của Triều tiên, sau  12 năm cách biệt, đã thay đổi với 5 vụ thử bom hạt nhân và hàng chục vụ thử tên lửa đạn đạo; Triều Tiên thực tế đã thành một quốc gia hạt nhân. Bình Nhưỡng sẽ đòi cái giá cao hơn trong thương lượng.

 Triều Tiên tuyên bố chấp nhận “phi hạt nhân hóa”, tuy nhiên cách hiểu của Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc lại khác biệt.

Sẽ thành thảm họa, theo Vipin Narang, một chuyên gia về chống phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), “nếu tại cuộc gặp này Tổng thống Trump giữ một niềm tin sai lầm rằng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có nghĩa Kim Jong-un sẽ đơn phương đầu hàng và giao nộp vũ khí hạt nhân”. 

Với Bình Nhưỡng, “phi hạt nhân hóa” phải bao gồm cả việc Mỹ không triển khai vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc. 

Trong chuyến thăm Bắc Kinh cuối tháng 3, Kim Jong-un nêu rõ: “Vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có thể được giải quyết, nếu Hàn Quốc và Mỹ phản ứng với những nỗ lực của chúng tôi một cách thiện chí, tạo bầu không khí hòa bình và ổn định, đồng thời tiến hành các giải pháp đồng bộ và tiến bộ nhằm đạt được hòa bình".

Theo chuyên gia Trung Quốc Lương Vân Tường, có sự khác biệt lớn giữa phi hạt nhân hóa và từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân: phi hạt nhân hóa chỉ là tạm hoãn phát triển vũ khí hạt nhân, còn từ bỏ chương trình đó là loại bỏ hoàn toàn kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân. Bất kể Triều Tiên lựa chọn kiểu gì đều cần nhìn vào điều kiện đàm phán.

Trong tuyên bố mới nhất, ông Kim Jong-un đã đề nghị Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhất trí với cách tiếp cận “theo từng giai đoạn” đối với việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên, dự kiến mất nhiều năm.

Song, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương Susan Thornton tuyên bố Washington sẽ tránh rơi vào các cuộc thương lượng kéo dài với Bình Nhưỡng. Còn Tổng thống Mỹ cảnh báo ông sẽ lập tức “rời khỏi bàn đàm phán” nếu như các cuộc hội đàm “không đạt kết quả”.

Chính quyền Moon Jae-in đưa ra lời lẽ uyển chuyển hơn, khi yêu cầu Triều Tiên tiến một bước tới phi hạt nhân hóa, bắt đầu bằng việc ngừng thử. Dường như phi hạt nhân hóa hoàn toàn là mục tiêu cuối cùng.

Tổng thống Moon Jae-in, theo một chiến lược thống nhất với Mỹ, đã ủng hộ cả những sự trừng phạt nghiêm khắc lẫn kêu gọi đối thoại: “trước tiên là áp lực tối đa, sau là can dự” theo chính sách Ánh dương, nhằm thúc đẩy Triều Tiên hướng tới thay đổi, với cách tiếp cận “các nhiệm vụ dễ trước, các nhiệm vụ khó sau”; “kinh tế trước, chính trị sau”; “các tổ chức quốc tế trước, chính phủ sau”; “cho trước, nhận sau”. Vì vậy, ngày 21/9/2017, Seoul đã cấp cho Bình Nhưỡng 800 triệu USD thông qua Chương trình Lương thực của Liên hợp quốc (UNICEF).

Chính quyền Moon tiếp thu bài học thất bại của chính sách Ánh Dương dưới  hai đời tổng thống Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun dựa trên những giả định mỏng manh và xử lý sai những viện trợ hào phóng lên tới 7 tỷ USD trong 8 năm (3 tỷ USD tiền mặt, 4 tỷ USD hàng hóa) mà không tạo ra những thay đổi có ý nghĩa trong cách tiếp cận của Triều Tiên. Ngày nay, 60% người Hàn Quốc kiên quyết phản đối việc nối lại viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên  mà không đạt được “phi hạt nhân hóa”.

Như ông Trump thừa nhận trong Twitter ngày 22/4, “Chúng ta  còn cả một chặng đường dài mới giải quyết được dứt điểm vấn đề Triều Tiên, có thể mọi việc  sẽ kết thúc, có thể không, chỉ có thời gian mới trả lời được”.

Nếu các cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Triều, Mỹ-Triều thất bại, cánh cửa ngoại giao sẽ đóng lại trong một thời gian không lượng định./.

Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ