(Tổ Quốc) - Mặc dù không trực tiếp có mặt tại Singapore, nhưng Bắc Kinh vẫn có được thắng lợi lớn từ thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Theo các nhà phân tích, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc hội nghị thượng đỉnh lịch sử tại Singapore bằng việc cùng ký kết một hiệp định chung, vai trò của Bắc Kinh – đồng minh lớn nhất và thân cận nhất của Bình Nhưỡng – lại một lần nữa được khẳng định.
Phát biểu trước báo giới sau hội nghị, ông Trump cho biết sẽ điện thoại cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận thêm. “Trung Quốc là một quốc gia lớn, và nhà lãnh đạo ở đó là một người bạn của tôi. Tôi tin rằng, ông ấy sẽ hài lòng với những tiến triển mà chúng tôi đã đạt được… Tôi sẽ nhanh chóng gọi cho ông ấy”, Tổng thống Mỹ nói.
Mặc dù Bắc Kinh không trực tiếp tham gia vào sự kiện ngày 12/6, nhưng ảnh hưởng của Trung Quốc tới Triều Tiên là không thể bàn cãi. Và với tính chất được đánh giá là “mang tính biểu tượng nhiều hơn là thực chất”, hiệp định Mỹ - Triều càng làm rõ hơn vai trò mà Bắc Kinh đảm nhiệm trong suốt quá trình dẫn tới thượng đỉnh Singapore.
“Nó cho thấy những xung đột giữa Washington và Bình Nhưỡng vẫn tồn tại và không thể được giải quyết chỉ trong một hội nghị,” ông Cheng Xiaohe, một chuyên gia tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói. “Không có sự hỗ trợ từ Trung Quốc, Washington và Bình Nhưỡng rất khó để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa và hòa bình”. Theo ông Cheng, “Trung Quốc và các nước khác trong khu vực bao gồm Nhật Bản và Nga, đều có thể tham gia vào những nỗ lực tiếp theo”.
Các nhà phân tích nhận định, diễn biến thương lượng trên bán đảo Triều Tiên phù hợp với những gì mà Bắc Kinh đã mong đợi, khi các bên đều cam kết với một giải pháp hòa bình để kết thúc bảy năm xung đột và những căng thẳng hạt nhân leo thang.
“Trung Quốc không có bất kỳ thất bại nào ở đây”, Deng Yuwen, một nhà phân tích chính trị tại Bắc Kinh đánh giá. “Trung Quốc cũng tìm kiếm phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên; và do không có một thời gian nhất định hoặc các biện pháp cụ thể để giải giáp vũ khí hạt nhân tại Triều Tiên, Washington sẽ cần tới Bắc Kinh nếu họ muốn gia tăng sức ép lên Bình Nhưỡng”.
Chính Tổng thống Trump cũng từng bày tỏ hy vọng cả Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ đóng vai trò chính trong phát triển kinh tế Triều Tiên – đúng với mong muốn của nhà lãnh đạo Kim.
Hiệp định được ký kết giữa Mỹ và Triều Tiên hôm 12/6 được đánh giá là "mang tính biểu tượng nhiều hơn là thực chất" |
Trong mắt của một số chuyên gia, thượng đỉnh Singapre là một chiến thắng lớn cho Trung Quốc, bởi vì Bắc Kinh đã theo đuổi chính sách “đóng băng đổi lấy đóng băng”. Theo đó, Mỹ và Hàn Quốc sẽ dừng các tập trận quân sự để đổi lấy Triều Tiên từ bỏ các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân.
Bất chấp một năm căng thẳng giữa hai nước, liên quan tới việc triển khai lá chắn phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc, năm ngoái, Trung Quốc và Hàn Quốc lại đứng cùng “chiến tuyến” sau khi ông Trump đe dọa đối phó với Triều Tiên bằng “hỏa lực và giận dữ”.
Giới học giả gọi tuyên bố dừng tập trận chung với Hàn Quốc là một nhượng bộ lớn đối với Triều Tiên, đặc biệt là khi ông Kim không đưa ra được một cam kết cụ thể nào về tiến trình giải giáp hạt nhân, mà chỉ đơn giản là tái khẳng định lời hứa ông từng nói trước đó tại Thượng đỉnh liên Triều hồi tháng Tư.
“Tôi luôn phản đối ‘đóng băng đổi lại đóng băng’ bởi vì nó đặt các cuộc tập trận vì an ninh và hợp pháp của Mỹ - Hàn ngang hàng với các cuộc thử nghiệm gây bất ổn và không hợp pháp của Triều Tiên”, Abraham M. Denmark, Giám đốc Chương trình châu Á tại Trung tâm Woodrow Wilson viết trên Twitter.
Cùng lúc, Seoul cũng nhận thấy một vị thế đang gia tăng của Bắc Kinh trong quá trình đàm phán.
Trên một tờ báo Trung Quốc, ông Chung In-moon, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về đối ngoại và an ninh quốc gia cho biết, vai trò của Bắc Kinh trong tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, “sẽ lớn hơn trong tương lai”.
Trước đó, một số nhà quan sát lo ngại rằng, Bắc Kinh có thể bị “gạt ra ngoài lề” sau khi Seoul đề xuất Tổng thống Moon tham dự thượng đỉnh Singapore, và tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên mà không có Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Chung lại chỉ ra điều ngược lại: “Đề xuất về tuyên bố kết thúc chiến tranh chỉ là một nỗ lực để đẩy nhanh quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên”.
“Cho tới nay, các vấn đề của bán đảo Triều Tiên đang phát triển hầu như theo hướng mà Trung Quốc mong muốn – và sau thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore, vai trò của Trung Quốc sẽ chắc chắn gia tăng”, ông Chung khẳng định.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước, đặc biệt là khi hai phía không thể đạt được một thỏa thuận cụ thể về giải giáp vũ khí hạt nhân Triều Tiên – một mối đe dọa ngay trước “thềm nhà” Trung Quốc.
“Đây là một cơ hội để tạo ra đột phá, và nếu chúng ta đã bỏ qua nó, làm sao có thể chắc chắn rằng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ không quay trở lại”, Zhu Feng, một học giả về quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh, e ngại.