(Tổ Quốc) - Theo hãng AP, tín hiệu lạm phát của Mỹ vẫn ở mức cao trong tháng 4 và có thể đang bước vào giai đoạn mới khó khăn hơn.
Sau tín hiệu giảm đều đặn trong khoảng một năm qua, dữ liệu giá tiêu dùng của Mỹ được công bố vào ngày 9/5 cho biết lạm phát ở Mỹ vẫn ở mức cao trong tháng 4 và có thể đang bước vào giai đoạn mới khó khăn hơn.
Theo một khảo sát từ các nhà kinh tế của hãng cung cấp dữ liệu FactSet, giá tiêu dùng ở Mỹ được dự báo tăng 0,4% từ tháng 3 đến tháng 4, nhanh hơn nhiều so với mức tăng 0,1% trong tháng trước. So sánh với năm ngoái, giá tiêu dùng đã tăng 5% trong tháng 4, tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu thống kê chính xác, đây sẽ là lần đầu tiên lạm phát hàng năm không giảm sau 9 tháng giảm liên tiếp. Nhiều khả năng giá xăng dầu, tiền thuê căn hộ và cả ô tô đã qua sử dụng tăng đã đẩy lạm phát tăng mạnh vào tháng trước. Ngược lại, chi phí vé máy bay và phòng khách sạn dự kiến sẽ giảm sau nhiều tháng tăng.
Trong hơn 2 năm qua, lạm phát cao đã trở thành gánh nặng đáng kể đối với người tiêu dùng Mỹ, là mối đe dọa liên tục đối với nền kinh tế và là thách thức "khó chịu" đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Tuy nhiên, bây giờ, những vấn đề mới lại tiếp tục xuất hiện. Trong thời gian dài, FED đã tăng lãi suất cơ bản lên đáng kể 5 điểm phần trăm kể từ tháng 3/2022 nhằm cố gắng đẩy lạm phát trở lại mục tiêu 2%. Động thái này đã khiến cho diễn biến vay mượn trở nên đắt đỏ hơn nhiều đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp. Mức lãi suất cao hơn cũng gây ra sự sụp đổ của 3 ngân hàng lớn trong hai tháng qua và có khả năng làm giảm hoạt động cho vay của ngân hàng. Hệ lụy tiếp tục có thể là sự suy yếu hơn nữa của nền kinh tế.
Đáng lo ngại hơn, trần nợ công có thể bị ảnh hưởng vào đầu tháng 6 và phe Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đang từ chối nâng mức trần trừ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đảng viên Đảng Dân chủ trong Quốc hội đồng ý cắt giảm mạnh chi tiêu. Nếu trần nợ công không được nâng lên kịp thời, Mỹ sẽ vỡ nợ - một kịch bản có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Diễn biến mới
Lạm phát đã chậm lại đáng kể kể từ khi đạt đỉnh ở mức 9,1% hàng năm vào tháng 6 năm ngoái. Các nhà kinh tế cho rằng những khó khăn của chuỗi cung ứng trước đây từng khiến nhiều kệ hàng tạp hóa trống trơn, gây ra trì hoãn việc giao đồ nội thất, ô tô và đồ điện tử thì nay đã được giải quyết. Giá khí đốt cũng giảm đều đặn sau khi tăng đột biến vì căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine, mặc dù giá đã tăng trở lại vào tháng 4 sau khi OPEC đồng ý giảm sản lượng dầu. Ngoài chi phí năng lượng và thực phẩm biến động, lạm phát cơ bản cũng dự báo sẽ ở mức cao.
FED và nhiều nhà kinh tế đã theo dõi chặt chẽ giá cơ bản - được coi là thước đo tốt hơn cho xu hướng lạm phát dài hạn. Động lực chính của lạm phát cơ bản – giá căn hộ và các chi phí nhà ở khác – đã tăng 8,2% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết các nhà kinh tế dự kiến giá thuê căn hộ sẽ tăng chậm hơn trong những tháng tới, giúp làm chậm lạm phát do có thêm nhiều tòa nhà chung cư mới được hoàn thành. Chủ tịch Jerome Powell và các quan chức của FED khác cũng đang đặc biệt chú ý đến chi phí dịch vụ nhưng không bao gồm năng lượng và nhà ở. FED xem việc tăng giá dịch vụ là đặc biệt khó khăn vì ảnh hưởng đến quá trình tăng lương. Giá các bữa ăn tại nhà hàng, vé máy bay và phòng khách sạn đã tăng đều đặn do các công ty phải tăng lương để tìm và giữ chân công nhân. Giá ăn uống tại nhà hàng đã tăng 8,8% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong cuộc họp tuần trước, các nhà hoạch định chính sách của FED đã đồng ý tăng lãi suất cơ bản thêm 1/4 điểm, mức tăng thứ 10 liên tiếp, dự báo lên khoảng 5,1% - mức cao nhất trong 16 năm. Các đợt tăng lãi suất của FED nhằm mục đích hạ nhiệt chi tiêu, tăng trưởng và lạm phát, đã dẫn đến chi phí cao hơn đối với các khoản vay thế chấp, vay mua ô tô, thẻ tín dụng và vay vốn kinh doanh.
Hầu hết các nhà kinh tế nghĩ rằng theo thời gian, việc tăng lãi suất sẽ có tác dụng như mong đợi. Tuy nhiên, hầu hết cũng lo ngại việc tăng lãi suất sẽ làm suy yếu nền kinh tế, có thể khiến kinh tế tiếp tục rơi vào suy thoái trong năm nay. Tại cuộc họp tuần trước, FED đã dự báo có thể tạm dừng tăng lãi suất và dành thời gian để theo dõi tác động của chính sách đối với nền kinh tế nhưng tín hiệu này có thể phải mất nhiều tháng nữa mới có thể rõ ràng hơn./.