• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tòa án Hà Nội xin tăng biên chế Thẩm phán do xét xử nhiều vụ án phức tạp, nhạy cảm

Thời sự 27/06/2018 08:17

(Tổ Quốc) -Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6, HĐND TP Hà Nội khóa XV chuẩn bị diễn ra vào đầu tháng 7, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã có báo cáo về nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm.

Dồn sức cho các vụ án nghiêm trọng, phức tạp

Theo đó, số lượng các loại vụ việc Tòa án Nhân dân cấp TP Hà Nội thụ lý, giải quyết tăng qua các năm nhưng số lượng biên chế không được tăng, đặc biệt là Thẩm phán. Biên chế được Tòa án Nhân dân Tối cao phân bổ chưa xem xét đến tính đặc thù là cơ quan xét xử trên địa bàn Thủ đô, có nhiều vụ án phức tạp, nhạy cảm được dư luận trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm.

Tòa án Nhân dân TP Hà Nội nêu ví dụ, khi giải quyết các vụ án nghiêm trọng, phức tạp như vụ Hà Văn Thắm và đồng phạm hay vụ Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, đây là những vụ án có quy mô lớn, số người tham gia tố tụng lớn, hồ sơ lên tới hàng trăm nghìn bút lục, đòi hỏi phải có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo cả về cơ sở vật chất và cán bộ nghiên cứu, giải quyết để đẩy nhanh tiến độ giải quyết những vụ án này.

 Vụ án Trịnh Xuân Thanh đang do Tòa án Nhân dân TP Hà Nội xét xử. Ảnh minh họa: Nam Nguyễn

“Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã phải thành lập các tổ công tác bao gồm nhiều thẩm phán, cán bộ có kinh nghiệm để tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án cũng như thực hiện các công tác khác có liên quan”- báo cáo do Chánh án Nguyễn Hữu Chính ký cho hay.

Đối với án hành chính, báo cáo cho hay, lượng án hành chính tòa án cấp tỉnh phải giải quyết tăng đột biến, chỉ trong 6 tháng đầu năm, đã thụ lý hơn 800 vụ án hành chính sơ thẩm tăng 149% so với cùng kỳ năm 2017, gây quá tải cho tòa án cấp tỉnh. Nguyên nhân một số quy định chưa phù hợp với thực tế như việc thay đổi thẩm quyền xét xử đối với án hành chính, trước đây thuộc thẩm quyền UBND cấp huyện.

6 tháng đầu năm nay, Tòa án Nhân dân hai cấp TP Hà Nội đã giải quyết trên 12.700 vụ, tăng 782 vụ so với cùng kỳ. Nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm. Tỷ lệ trả hồ sơ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng giảm so với cùng kỳ năm 2017, việc trả hồ sơ đảm bảo đúng quy định, được chấp nhận với tỷ lệ 80%.

Ngoài ra, theo Điều 60 Luật tố tụng hành chính năm 2015, khi tham gia tố tụng thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Tuy nhiên, số lượng các vụ án hành chính rất lớn, các Phó Chủ tịch UBND không thể bố trí thời gian tham gia  được tất cả các phiên tòa, dẫn tới ảnh hưởng đến kết quả thực hiện đối thoại trong giải quyết án hành chính.

Bị cáo chưa từng khám, điều trị tại bệnh viện tâm thần nhưng vẫn có giấy chứng nhận tâm thần

Báo cáo cũng cho hay, trong quá trình giải quyết một số vụ án hình sự, bị can, bị cáo xuất trình hồ sơ bệnh án điều trị bệnh tâm thần. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần và tiến hành thủ tục bắt buộc chữa bệnh, dẫn đến vụ án phải tạm đình chỉ.

Tuy nhiên, việc giám định tâm thần đối với các bị cán, bị cáo hiện vẫn chưa có cơ chế kiểm soát nên vẫn còn một số trường hợp vi phạm trong hoạt động giám định, một số kết quả giám định pháp y tầm thần chưa chính xác, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Điển hình là vụ án Lò Văn Dân phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Báo cáo cho hay, thực tế bị cáo Lò Văn Dân chưa từng tới khám và điều trị tại Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 nhưng ông Nguyễn Xuân Lợi, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện này đã cấp giấy chứng nhận cho Lò Văn Dân có 2 đợt điều trị ngoại trú tại bệnh viện.

Các cơ quan tiến hành tố tụng TP đã ban hành kiến nghị yêu cầu Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 xử lý đối với cán bộ trên.

Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đề nghị HĐND TP có ý kiến đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Tòa án Nhân dân Tối cao tăng biên chế đặc biệt là số lượng thẩm phán; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kịp thời cung cấp tài liệu, chứng cứ cho tòa án khi có yêu cầu. UBND TP chỉ đạo chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho tòa án trong việc xét xử lưu động…

Tòa án TP cũng kiến nghị các cơ sở chữa bệnh tăng cường quản lý đối với người bệnh đang đi chữa bệnh bắt buộc  theo quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, tránh trường hợp người bệnh bỏ trốn, tiếp tục phạm tội…

Theo kế hoạch, từ nay tới cuối năm, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp trên địa bàn và các tỉnh khác thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo./.

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ