(Tổ Quốc) - Giới chức và các chuyên gia Nga có những nhận định khác nhau về khả năng đối phó của Nga với giá dầu liên tục giảm.
Tờ Financial Times đăng tải, Nga khẳng định có thể chịu được giá dầu thấp kéo dài trong vòng… một thập kỷ. Đây có thể coi là lời tuyên chiến với hành động bất ngờ hạ giá dầu của Arab Saudi, đồng thời báo hiệu cuộc chiến giá cả giữa hai nước có thể kéo dài hơn so với dự đoán.
Hôm thứ hai (9/3), Bộ Tài chính Nga cho hay, họ sẽ sử dụng 150 tỷ USD từ quỹ đầu tư quốc gia nhằm thúc đẩy chi tiêu ngân sách trong bối cảnh giá dầu ở mức từ 25-30 USD/thùng. Cơ quan này đảm bảo có thể duy trì hỗ trợ ngân sách và bù đắp cho phần doanh thu bị mất đi trong khoảng từ 6-10 năm.
Giá dầu đột ngột sụp đổ - với mức giảm sâu tương đương 30% hôm chủ nhật (8/3) sau khi Riyadh trả đũa quyết định của Nga không bắt tay cắt giảm sản lượng cùng OPEC, đã khiến tỷ giá giữa đồng rúp Nga với đồng USD rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2016. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Nga thể hiện niềm tin rằng, họ có khả năng tồn tại tốt hơn Saudi trước những ảnh hưởng của việc giảm giá dầu đem lại.
"Giờ đây họ đang coi tình hình hiện tại là một kịch bản tạm thời. Tuy nhiên, khi tuyên bố như vậy, có nghĩa là họ đã sẵn sàng cho mọi thứ", bà Sofya Donets, nhà kinh tế trưởng người Nga tại ngân hàng đầu tư Renaissance Capital nhận định.
Tại một buổi họp khẩn cấp với giới chức kinh tế hàng đầu nước Nga hôm thứ hai (9/3), Bộ trưởng Tài chính Nga Alexander Novak nói, ngành dầu khí đất nước có nguồn lực và dự trữ kinh tế "để duy trì cạnh tranh ở bất kỳ mức giá có thể dự đoán nào và giữ vững thị phần của mình". Ông nhấn mạnh, Moscow sẽ "đặc biệt chú ý tới việc cung cấp cho thị trường nội địa nguồn cung các sản phẩm dầu mỏ ổn định, cũng như bảo hộ cho tiềm năng đầu tư trong lĩnh vực".
Theo một số người thạo tin, trong một cuộc gặp gỡ với quan chức kinh tế và các lãnh đạo công ty dầu mỏ trước khi tham dự cuộc họp với OPEC vào tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin đã bị thuyết phục để phá bỏ thỏa thuận thu hẹp sản lượng dầu được ký kết lần đầu vào năm 2016.
Cũng trong ngày 8/3, đại diện của Rosneft – tập đoàn dầu khí quốc gia cho hay, thỏa thuận quy định các thành viên OPEC (do Arab Saudi dẫn đầu) và Nga cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu thô, đã trở trở nên "vô nghĩa" đối với Moscow, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng từ các nhà sản xuất dầu mỏ Mỹ.
Bộ trưởng Novak tiết lộ, Nga đã đề xuất gia hạn thỏa thuận với OPEC thêm "ít nhất" một quý nữa nhưng các thành viên khối thay vào đó "lại quyết định gia tăng sản xuất và tranh giành thị phần".
Việc giá dầu bị hạ thấp đã khiến các công ty Nga bị thiệt hại hàng tỷ USD theo giá trị thị trường. Giá cổ phiếu của Rosneft giảm 22% tại London ngày 9/3 và giá cổ phiếu nhà sản xuất khí đốt Gazprom tuột dốc 18%.
Nhà phân tích dầu mỏ Dmitry Marinchenko tại công ty xếp hạng tín dụng Fitch Ratings đánh giá, các nhà sản xuất dầu mỏ Nga có thể đền bù cho giá thấp bằng cách gia tăng sản lượng nhưng năng lực thúc đẩy sản xuất của họ lại bị giới hạn.
"Quyết định chấm dứt OPEC+ trong lúc này là khá nguy hiểm và không rõ ràng về mặt logic", ông Marinchenko chỉ ra. "Nga có thể gia tăng sản lượng lên 250.000-300.000 thùng trong những tháng tới – tương đương 3%, nhưng nó dường không thể so sánh về mặt vật chất với những tổn thất mà giá dầu thấp mang lại".
Canh bạc của ông Putin dựa vào tính toán rằng, nền kinh tế Nga đang có vị thế mạnh hơn so với năm 2014 khi mà đồng rúp giảm giá đã khiến ngân hàng trung ương Nga phải giải cứu cho các con nợ quốc gia lớn.
"Giờ đây chúng ta có cơ hội không chỉ sản xuất và bán bao nhiều tùy thích, mà còn đốn ngã các nhà sản xuất Mỹ", nhà báo kiêm giám đốc kênh tin tức quốc tế của nhà nước Rossiya Segodny, ông Dmitry Kiselev viết trên mạng xã hội. "Ngân sách của chúng ta ổn định hơn rất nhiều so với Arab Saudi và đã sẵn sàng cho giá dầu thấp, không giống như vương quốc kia".
Nga hiện có 570 tỷ USD dự trữ ngoại tệ so với Arab Saudi là 502 tỷ USD, và họ có thể cân bằng ngân sách ở mức giá dầu là 42 USD/thùng – một nửa so với giá được cho là hòa vốn của Saudi.
Trong nguồn dự trữ trên bao gồm cả 150 tỷ USD quỹ đầu tư quốc gia lấy từ thặng dư doanh thu dầu mỏ và khí đốt kể từ năm 2017. Nguồn tiền này có thể cho phép Bộ Tài chính Nga bỏ ra tới 1,7 tỷ USD/tháng trong một thập kỷ tới để hỗ trợ cho nguồn thu của chính phủ nếu giá dầu vẫn giữ ở mức hiện tại.
Tuy nhiên, sau khi chấp nhận để lãi suất rơi xuống mức thấp kỷ lục vào năm ngoái giữa những phản đối liên quan tới mức sống người dân bị giảm sút, hồi tháng 1, Tổng thống Putin đã yêu cầu các quan chức sử dụng quỹ đầu tư quốc gia để tài trợ cho một gói các chương trình xã hội. Theo ông Chris Weafer, một đối tác tại công ty tư vấn Macro Advisory, những lời hứa này đồng nghĩa với việc Nga sẽ phải chịu áp lực phải quay lại bàn đàm phán chừng nào giá dầu tiếp tục bị hạ thấp.
"Tổng thống Putin không muốn bắt đầu thắt chặt chi tiêu ngân sách", ông Weafer dự đoán. "Nếu giá dầu tiếp tục ở mức, ví dụ như từ 20-30 USD/thùng vào mùa hè, điều này có thể thay đổi. Ông Putin sẽ rất miễn cưỡng phải chấp nhận thâm hụt ngân sách lớn hoặc phải giảm dữ trữ tài chính tới mức thấp. Điều đó sẽ khiến đất nước trở nên dễ bị tổn thương hơn trước những lệnh trừng phạt trong tương lai".