(Tổ Quốc) - Triều Tiên đã thông báo kế hoạch tăng chi tiêu trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trong năm 2022.
Tăng chi tiêu phòng chống dịch bệnh
Tại kỳ họp thứ 6 Hội đồng Nhân dân Tối cao (Quốc hội Triều Tiên) khóa 14 vào ngày 6-7/2, Triều Tiên đã thông báo kế hoạch tăng chi tiêu để thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 vào năm 2022 nhằm góp phần vào công cuộc chống dịch bệnh tiên tiến hơn, hướng tới mục tiêu vì con người.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tin kế hoạch tăng chi tiêu phòng chống dịch bệnh diễn ra khi nước này vừa thông báo khởi động lại hệ thống giao thông vận tải đường sắt với Trung Quốc sau hai năm đóng cửa biên giới vì Covid-19.
Vào tháng 12 năm ngoái, nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng nhắc đến một số thay đổi ứng phó với dịch bệnh trong cuộc họp chính trị, trong đó ông kêu gọi phải thay đổi các biện pháp phòng chống dịch bệnh dựa trên "nền tảng khoa học".
Hãng thông tấn nhà nước KCNA trích dẫn lời Thủ tướng Triều Tiên Kim Tok Hun khẳng định nỗ lực ứng phó đại dịch luôn là ưu tiên hàng đầu trong các vấn đề của Triều Tiên, đồng thời khẳng định các biện pháp chống dịch mới đưa ra sẽ căn cứ vào cơ sở khoa học để đảm bảo an ninh cho đất nước.
Trong các bài phát biểu chính trị gần đây, ông Kim đã tuyên bố tiếp tục tăng cường hơn nữa vào kho vũ khí hạt nhân của nước này. Hãng KCNA cho biết Triều Tiên đã chi tiêu 15,9% trong tổng chi tiêu chính phủ vào năm ngoái để đầu tư vào chương trình vũ khí hạt nhân và trong năm 2022, mức chi tiêu tương tự sẽ tập trung vào mở rộng khả năng quân sự.
Ông Cheong Seong-Chang, nhà phân tích tại Viện Sejong của Hàn Quốc nhận định các mô tả ngân sách của Triều Tiên phản ánh kế hoạch từng bước mở rộng thương mại và trao đổi với Trung Quốc – đồng minh chủ chốt và là huyết mạch kinh tế của nước này. Mặt khác, Triều Tiên tiếp tục chủ trương thay đổi các biện pháp ứng phó với dịch bệnh trong năm 2022.
Theo ông Cheong Seong-Chang, Triều Tiên có thể áp dụng cách tiếp cận chống dịch giống với Trung Quốc, trong đó thực hiện phong tỏa theo khu vực lây nhiễm có tỷ lệ cao thay vì phong tỏa trên cả nước.
Nối lại giao thông vận tải đường sắt với Trung Quốc
Triều Tiên hiện vẫn thông báo đã đạt thành tích tốt trong việc ngăn chặn dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, việc đóng cửa biên giới đối với tất cả các hoạt động thương mại và du lịch trong hai năm qua đã thực sự tạo áp lực lớn, khiến kinh tế rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Trước đó, kinh tế Triều Tiên vốn dĩ đã bị ảnh hưởng nặng nề do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với chương trình tên lửa cũng như vũ khí hạt nhân của nước này.
Triều Tiên cũng nối lại giao thông vận tải đường sắt với Trung Quốc vào tháng trước – thời điểm Bình Nhưỡng liên tục thử tên lửa và gây sức ép lên chính quyền Tổng thống Biden với cáo buộc chính sách ngoại giao hạt nhân chậm trễ. Một số chuyên gia đã cho rằng các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng đang chỉ ra nhu cầu cấp bách từ nguồn viện trợ bên ngoài.
Giới quan sát cho rằng, việc mở cửa biên giới trở lại một lần nữa khẳng định Triều Tiên đang tìm cách chống dịch bền vững trong năm tới và gợi mở ra các kế hoạch trù bị liên quan đến vaccine phòng Covid-19 của nước này.
Đến hiện tại, Bình Nhưỡng vẫn từ chối tiếp nhận các loại vaccine phân phối từ chương trình COVAX của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng có thể vẫn tìm kiếm sự giúp đỡ của Trung Quốc và Nga để cung cấp dịch vụ xét nghiệm và tiêm chủng thường xuyên cho công nhân cũng như lực lượng quân đội ở các khu vực biên giới.
Việc Triều Tiên nối lại thương mại với Trung Quốc sẽ thúc đẩy hoạt động nhập khẩu bởi hầu hết các hoạt động xuất khẩu chính của nước này đã bị cấm theo lệnh trừng phạt quốc tế từ năm 2016. Bình Nhưỡng hiện đang cần phân bón để sản xuất lương thực và vật liệu xây dựng hỗ trợ các dự án phát triển đầy tham vọng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un hay hàng hóa nhà máy để tăng cường sản xuất công nghiệp sau hai năm đình trệ vì dịch bệnh.
Tuy nhiên, kim ngạch thương mại Triều Tiên với Trung Quốc vẫn giảm đáng kể so với mức trước đại dịch.
Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên có lẽ không có đủ dự trữ ngoại tệ để mua lượng hàng hóa khổng lồ cũng như gặp trở ngại vì các lệnh trừng phạt và đại dịch. Theo các chuyên gia, việc mở rộng nhập khẩu quá nhanh cũng dễ gây ra sai lầm chính sách bởi nhu cầu lớn sẽ mang đến bất ổn cho nền kinh tế vốn dĩ mong manh.
Ông Kim Byung-yeon – Giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul cho rằng khả năng Triều Tiên đang triển khai " một phép thử", nghĩa là sẽ mở cửa biên giới theo từng giai đoạn nếu tình hình Covid-19 đi vào ổn định. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng sẽ lại tiếp tục phong tỏa nếu diễn biến dịch bệnh xấu đi. "Khả năng Triều Tiên đang cố gắng thực thi hoạt động thương mại nhiều hơn so với trước đây và thúc đẩy kiểm soát mạnh tay hơn các hoạt động vi phạm như buôn lậu ", ông Kim Byung-yeon nhấn mạnh.