(Tổ Quốc) - Chuyến thăm Pháp kéo dài 5 ngày của Phó Tổng thống Kamala Harris là cơ hội để Mỹ tìm đến đồng minh truyền thống lâu đời nhất nhằm xoa dịu căng thẳng sau nhiều tháng.
Truyền thông Pháp đưa tin, chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris là bằng chứng cho mong muốn của Mỹ tìm đến Pháp với cam kết Paris luôn là đồng minh thân thiết của Washington.
Theo trang Washington Examiner, chuyến thăm của bà Harris đánh dấu nỗ lực của Mỹ với đồng minh truyền thống để có thể cùng nhau giải quyết các thách thức trên toàn cầu. Thời điểm diễn ra chuyến thăm là sau một tuần Tổng thống Biden gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị thượng đỉnh đa phương ở Rome và Glasgow – đây cũng là tín hiệu ngoại giao quyền lực mềm mà "phó tướng" muốn thể hiện trong chuyên thăm lần này.
Sau cuộc gặp song phương với Tổng thống Macron, Nhà Trắng đã công bố thông tin về sáng kiến không gian mạng giữa Pháp và Mỹ. Tuy nhiên, không có tuyên bố của Điện Elysee về chuyến thăm. Điều đặc biệt, trong chuyến thăm, cả Pháp và Mỹ đều không nhắc đến hợp đồng quốc phòng trị giá hàng tỷ đô la giữa Pháp và Australia.
"Tôi cho rằng chuyến đi là một phần trong nỗ lực không ngừng nhằm xoa dịu các nghi ngờ của Pháp đối với thỏa thuận tàu ngầm AUKUS. Trong chuyến thăm, Phó Tổng thống Mỹ Harris và Tổng thống Pháp Macron đã nhắc đến vấn đề biến đổi khí hậu. Do đó, chương trình nghị sự trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Harris sẽ ít gặp phải các bất đồng", ông Justin Logan – một thành viên cấp cao tại Viện Cato kiêm chuyên gia chính sách đối ngoại và chiến lược lớn của Mỹ nhận định.
Một số ý kiến cho rằng, chuyến thăm của bà Harris ít đề cập đến các vấn đề gai góc và điều này được xem là cách để giảm bớt căng thẳng công khai giữa hai bên.
Theo ông Logan, Washington đã đúng trong động thái xoa dịu căng thẳng với Pháp bởi Paris đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực thiết lập hệ thống phòng thủ mạnh mẽ trong khu vực.
"Pháp vẫn luôn đóng vai trò quan trọng thúc đẩy hợp tác quốc phòng châu Âu, duy trì quan hệ bền chặt ngay cả sau chủ trương của Mỹ với AUKUS. Vì vậy, chính quyền Tổng thống Biden luôn đặt ưu tiên quan hệ với đồng minh truyền thống lâu đời", ông Logan nhấn mạnh.
Nhắc đến thỏa thuận AUKUS, bà Harris cho biết mục đích chuyến thăm Pháp không phải để thảo luận về vấn đề này.
"Tôi muốn nói rằng đây là chuyến đi cực kỳ hiệu quả và tốt đẹp. Chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm. Và như đã thảo luận rộng rãi trong vài ngày qua, chuyến đi này tất nhiên để làm rõ hơn mối quan hệ lâu đời cũng như là thời điểm phù hợp để Pháp và Mỹ bước vào kỷ nguyên mới của thế giới. Mối quan hệ của chúng tôi vẫn tiếp tục. Và chúng tôi làm điều đó với tinh thần lạc quan cũng như sự tin tưởng mạnh mẽ rằng, quan hệ đối tác giữa Mỹ và Pháp vẫn và sẽ tiếp tục là mối quan hệ rất bền chặt", Phó Tổng thống Kamala Harris khẳng định.
"Những gì chúng tôi thảo luận là các thách thức đang phải đối mặt. Đây là cơ sở để tiếp tục cho mối quan hệ hai nước cũng như duy trì sự bền lâu của mối quan hệ này", Phó Tổng thống Harris nói thêm.
Giải quyết thách thức trước mắt
Theo CNN, chuyến đi của bà Haris không chỉ tạo nên các thỏa thuận mới mà còn mở rộng hợp tác không gian giữa Mỹ và Pháp.
Trong khi đó, Tổng thống Macron dường như hài lòng bởi sự hiện diện của Phó Tổng thống Haris và xem đây là nền tảng cho hành trình quan hệ tiếp theo giữa Mỹ và Pháp.
"Tôi muốn cảm ơn sự hiện diện của Phó Tổng thống Harris. Tôi muốn nói rằng, người dân Pháp vô cùng tự hào với sự có mặt của Phó Tổng thống Mỹ ở đây vào ngày hôm nay", Tổng thống Macron nói trong cuộc gặp gỡ với Phó Tổng thống Harris tại Điện Elysee.
Giới chuyên gia cho rằng, chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris ở Elysee mang đến cơ hội cho cuộc gặp trực tiếp kéo dài với Tổng thống Macron và là thông điệp ngoại giao mạnh mẽ của Mỹ với Pháp.
Sự tham dự của bà Harris ở Diễn đàn hòa bình Paris đã giúp làm tăng thêm độ tin cậy cho sáng kiến của ông Macron. Chuyến thăm của bà đến Viện nghiên cứu y sinh của Pháp, hay Viện Pasteur cũng nhấn mạnh quá trình hợp tác lâu dài giữa Pháp và Mỹ trong nghiên cứu khoa học. Và chuyến thăm tới một số các địa điểm xảy ra tấn công khủng bố năm 2015 ở Paris đã thể hiện sự chia sẻ và cam kết chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Sau cùng, chuyến thăm của bà Harris đến Nghĩa trang Mỹ Suresnes – nơi những người Mỹ đã chiến đấu và hy sinh tại Pháp trong Thế chiến I có lẽ là sự nhắc nhở mạnh mẽ nhất về sự kiên cường chiến đấu và hi sinh giữa hai quốc gia trong quá khứ. Chính điều này đã gợi nhớ lại mối quan hệ gắn bó sâu sắc giữa hai quốc gia.
"Nếu có bất kỳ câu hỏi nào như tại sao và là gì thì mối quan hệ của chúng ta – Mỹ và Pháp, là một ví dụ trực quan và cụ thể nhất về sự bền bỉ, các cam kết chung và sụ phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nước", bà Harris nói trong chuyến thăm nghĩa trang Mỹ ở Suresnes, ngoại ô phía tây Paris./.