(Tổ Quốc) - Tổng thống Donald Trump có thể sửa đổi học thuyết hạt nhân của Mỹ, nhà phân tích quân sự Nga Alexander Perendzhiev nói với RIA Novosti.
Học thuyết hạt nhân của chính quyền Trump có khả năng sẽ bổ sung các quy định mới về việc hiện đại hóa kho vũ khí nguyên tử của Mỹ và vấn đề đàm phán Mỹ-Trung về cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược, nhà phân tích chính trị và quân sự của Nga Alexander Perendzhiev, giáo sư tại Khoa Khoa học Chính trị và Xã hội học tại Đại học Kinh tế Plekhanov, Nga nói với RIA Novosti.
Tuy nhiên, theo ông Perendzhiev, mọi thay đổi đi quá xa với chiến lược của người tiền nhiệm Barack Obama là khó xảy ra.
Sự khác biệt về hạt nhân qua mỗi đời Tổng thống
Vào ngày 27/1, ông Trump đã ký một bản ghi nhớ với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về việc tiến hành thực hiện báo cáo Đánh giá vị thế hạt nhân (NPR).
Chính quyền Trump báo hiệu sự thay đổi riêng biệt trong học thuyết hạt nhân Mỹ. (Nguồn: AFP) |
"Bộ trưởng sẽ bắt đầu thực hiện bản báo cáo Đánh giá vị thế hạt nhân mới để đảm bảo rằng sức mạnh phòng thủ hạt nhân Hoa Kỳ là hiện đại, mạnh mẽ, linh hoạt, dễ thích nghi, sẵn sàng và phù hợp để ngăn chặn các mối đe dọa trong thế kỷ 21 và trấn an các đồng minh của chúng tôi," bản ghi nhớ viết.
Nhận định về vấn đề này, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, tướng David Goldfein nói với các nhà báo ngày 7/2 rằng Mỹ có thể sẽ phải xem xét lại học thuyết hạt nhân của mình.
Mỗi chính quyền mới cần đưa ra tầm nhìn về chiến lược hạt nhân quốc gia lên Quốc hội Mỹ.
Vào tháng 4/2010, cựu Tổng thống Mỹ Obama đã công bố một phần (được phép công khai) tầm nhìn chiến lược về hạt nhân của mình. Ông Obama sửa đổi học thuyết hạt nhân của chính quyền Bush bằng cách thu hẹp các điều kiện Mỹ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.
"Bản NPR năm 2010 vạch ra cách tiếp cận của chính quyền trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự của Tổng thống trong việc giảm các mối đe dọa về hạt nhân và theo đuổi mục tiêu về một thế giới không có vũ khí hạt nhân, đồng thời thúc đẩy lợi ích an ninh rộng lớn hơn của Mỹ", tài liệu trên cho biết.
Ngược lại, chiến lược cựu tổng thống George W. Bush được tiết lộ năm 2002 đã nhận định rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân" là để ngăn chặn một loạt các mối đe dọa." Danh sách các mối đe dọa bao gồm và các cuộc tấn công hóa học, sinh học hay các cuộc tấn công thông thường trên quy mô lớn.
Học thuyết hạt nhân mới của Trump
"Tôi tin rằng chiến lược của Obama phần lớn sẽ được giữ nguyên dưới thời ông Trump," Perendzhiev nói với RIA Novosti và cho biết thêm rằng chính quyền mới cũng sẽ tập trung vào việc ngăn chặn việc sử dụng trái phép các loại vũ khí hạt nhân và khủng bố hạt nhân."
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng, ông Trump có thể sẽ bổ sung vào học thuyết các quy định mới về hiện đại hóa hạt nhân và các cuộc đàm phán với Bắc Kinh về cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược.
"Chúng tôi đang nói về việc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, điều ông Trump đã nêu trong chiến dịch tranh cử của mình. Đồng thời [các quy định mới] có thể bao gồm sự tham gia của Trung Quốc trong quá trình đàm phán về cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược", nhà phân tích quân sự Nga nhấn mạnh.
Ông Trump đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.
"Mỹ phải tăng cường rất nhiều và mở rộng khả năng hạt nhân cho đến khi thế giới trở lại lối suy nghĩ một cách hợp lý liên quan đến vũ khí hạt nhân", ông Trump đã tweet vào ngày 22/12/2016.
Các chuyên gia cũng kêu gọi sự chú ý đến một thực tế rằng Tổng thống mới của Mỹ đang xác định việc tiến tới "chiến dịch lớn trong việc tái xây dựng lại lực lượng vũ trang."
"Tôi báo hiệu một hành động tổng quát trong việc bắt đầu tái xây dựng lại lực lượng vũ trang của nước Mỹ," Tổng thống Trump cho biết trong chuyến thăm đầu tiên tới Lầu Năm Góc sau lễ nhậm chức của ông.
Phát biểu với Sputnik vào cuối tháng 1, chuyên gia quân sự Nga Konstantin Sivkov cho rằng ông Trump không có niềm tin vào sức mạnh của NATO trong việc bảo đảm an ninh của Mỹ.
"(Thực hiện) các biện pháp đối với việc tăng cường sức mạnh lực lượng vũ trang Hoa Kỳ chỉ có một lời giải thích: ông Trump không tin tưởng NATO và coi đây là một tổ chức lỗi thời. Do đó, ông ấy nên giải quyết các vấn đề an ninh quốc gia Mỹ, sử dụng ngân sách của Mỹ bằng việc gia tăng sức mạnh và kích thước quân đội riêng của mình, và đó là những gì ông ấy đang làm", chuyên gia trên nói với Sputnik.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang có một sự tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường năng lực hạt nhân của mình rên thực tế, theo chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin.
Kashin đã trích dẫn vụ thử tên lửa gần đây của Bắc Kinh, hành động triển khai hệ thống cảnh báo tên lửa đạn đạo sớm (BMEWS) và hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược (MD) tại Trung Quốc.
"Dường như đang có nhiều lí do để thấy rằng Trung Quốc sẽ có một bước đột phá ngoạn mục trong những năm tới khi tiến sát tới Mỹ và Nga về năng lực hạt nhân chiến lược. Điều này sẽ thúc đẩy sự thay đổi căn bản về luật chơi (hạt nhân) tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương", ông Kashin nói Sputnik.
(Theo Sputnik)