• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc đã kịp “bẻ móng” ông Trump chỉ sau 100 ngày cầm quyền?

Thế giới 30/04/2017 15:58

(Tổ Quốc) - Ba tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ, các quốc gia vẫn chưa xác định được đường đi nước bước của Tổng thống Trump.   

Theo tờ Washington Post, sau 100 ngày cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, phần còn lại của thế giới vẫn còn đang rất mơ hồ về những gì mà ông chủ thứ 48 của Nhà Trắng sẽ đem lại. Người Trung Quốc dường như đạt được kỳ vọng ngoài mong đợi; châu Âu tỏ ra bi quan; Mexico vẫn đầy “cảnh giác”… “Chúng ta không thể tự cho rằng, một trật tự nào đó đã được hình thành”- Sergio Aguayo – nhà phân tích chính trị người Mexico nhận định và “chắc chắn sẽ có thêm hỗn loạn xuất hiện trong những ngày tới.”

Hơn ba tháng sau khi ông Trump chính thức nhậm chức vào ngày 20/1, các quốc gia vẫn tiếp tục “tìm kiếm” chính xác vị trí của mình trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ, cũng như làm thế nào để xây dựng mối quan hệ phù hợp với vị Tổng thống được đánh giá là vô cùng khó dự đoán này.

Syria: Trump thề đứng ngoài rồi bất ngờ… “dội bom”

Một cuộc tấn công quân sự vào Syria là khả năng ít được tính đến nhất trong 100 ngày làm việc đầu tiên của Tổng thống Mỹ. Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump “ca ngợi” Tổng thống Syria Bashar al-Assad “đã tiêu diệt ISIS”, tuy nhiên, cũng thề sẽ để nước Mỹ tránh xa khỏi cuộc chiến Syria.

Vì vậy, vụ tấn công tên lửa của Mỹ vào một căn cứ không quân Syria vào ngày 7/4 vừa qua, thực sự đã khiến thế giới hoàn toàn kinh ngạc.

Mặc dù có bề ngoài là một hành động đơn lẻ - nhằm đáp trả lại việc Syria được cho là đã sử dụng vũ khí hoá học tấn công dân thường vài ngày trước đó – quyết định tấn công tên lửa cũng đã cho thấy thái độ khó dự đoán của ông chủ Nhà Trắng, trước tình hình tại Trung Đông; đồng thời tiếp tục để lại câu hỏi chưa có lời đáp về chính sách của Mỹ đối với khu vực bất ổn này.

Tổng thống Trump và các thành viên nội các thảo luận về tình hình Syria. (Ảnh: Whitehouse)

Ayham Kamel, Giám đốc bộ phận Trung Đông và Bắc Phi của Eurasia Group đánh giá, những diễn biến hỗn loạn sẽ thách thức quy trình đưa ra quyết định của chính quyền Trump. Các chính phủ Trung Đông “muốn hiểu được” lý do tại sao Trump lại nhanh chóng thay đổi thái độ về Syria như vậy. Thậm chí ngay cả những người từng ủng hộ một chính sách cứng rắn, cũng đang “lo lắng trước những đòi hỏi mà Mỹ có thể đưa ra trong tương lai,” Kamel nói.

Ví dụ như tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan không ít lần bày tỏ niềm tin về một viễn cảnh tốt đẹp hơn, cho mối quan hệ Mỹ - Thổ vốn đã trở nên căng thẳng dưới thời Tổng thống Obama. Tuy nhiên, ông Trump dường như có ý định chấm dứt sự hợp tác với lực lượng quân đội người Kurds tại Syria. Chính sách này đã “chọc giận” Thổ Nhĩ Kỳ – vốn coi các lực lượng trên là một mối đe doạ. Mâu thuẫn lại một lần nữa “sục sôi” giữa Ankara và Washington.

“Có ý kiến cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh quan trọng [Mỹ] cần phải đầu tư quan hệ...Tuy nhiên, tôi không cho rằng chính quyền hiện tại của nước Mỹ sẵn sàng, hoặc sẽ sẵn sàng thay đổi lập trường đối với các lực lượng người Kurds.”- Kamel nhận định. 

Mexico: thả lỏng sau khi căng như dây đàn

Chiến thắng của ông Trump đẩy Mexico vào tình trạng lo lắng. Giá trị của đồng peso sụt giảm; các nhà phân tích đưa ra cảnh báo về một cuộc khủng hoảng, bất ổn xã hội; làn sóng bài Mỹ lan rộng. Trong những tuần đầu tiên, nỗi lo sợ về khả năng nước Mỹ trục xuất hàng triệu người Mexico, xây dựng bức tường biên giới… - theo đúng những gì đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử Tổng thống - đã đặt các nhà lãnh đạo Mexico vào trạng thái phòng bị căng cứng nhất.

Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) luôn là vấn đề chủ chốt cho Mexico. Nước Mỹ là bạn hàng lớn của Mexico và chính quyền của Tổng thống Peña Nieto luôn ủng hộ mạnh mẽ cho thương mại tự do. Hồi tháng Ba, một bản sửa đổi dự thảo do Chính phủ Trump đưa ra, khiến Mexico cảm thấy sự thay đổi có thể không nghiêm trọng như tưởng tượng ban đầu. Tuy nhiên, tuần trước, Trump bất ngờ đe doạ sẽ rút khỏi hiệp định. Gần như ngay sau đó, Tổng thống Mỹ lại thay đổi thái độ sau khi nói chuyện với ông Peña Nieto và Thủ tướng Canada Justin Trudeau, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục đẩy mạnh quá trình thương lượng thoả thuận này.

Con sông ngăn cách hai quốc gia Mỹ và Mexico. (Ảnh: WP)

Ông Trump cũng không còn “tấn công” Mexico trên trang Twitter của mình. Trong khi tăng cường gặp gỡ với những đồng nhiệm phía Mỹ, Mexico cũng tìm đến những đối tác mới như Argentina, Brazil… nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ.

“Chính phủ Mexico đã thích ứng được với cơn bão mang tên Trump"- Giáo sư Raul Benitez Manaut tại Đại học Quốc gia Mexico phân tích.

Một chính quyền Trump tỏ ra rất “hung hãn” với Mexico vài tháng trước, giờ đây đã tỏ ra mềm mỏng và trong tầm kiểm soát hơn. Những dự trù kinh phí liên quan đến bức tường biên giới khiến nó còn lâu mới có thể trở thành hiện thực. Mở rộng trục xuất người nhập cư trái phép cũng gặp những khó khăn trong hệ thống toà án nhập cư và nguồn nhân lực hải quan của nước Mỹ…

“Tình hình Mexico ngay lúc này đây đã tĩnh lặng hơn”- Sergio Aguayo, nhà phân tích chính trị và giáo sư tại Đại học Mexico nhận định và nêu quan điểm: “… người thay đổi trong thực tế, chính là Tổng thống Trump.”

Trung Quốc: đã bắt thóp được ông Trump?

Theo Shen Dingli – chuyên gia chính sách đối ngoại hàng đầu Trung Quốc, đối với các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, Donald Trump là Tổng thống Mỹ tuyệt vời nhất kể từ thời Richard Nixon.

Cây bút Simon Denyer của Washington Post nhận định, 100 ngày đầu tiên dưới thời Trump là một phép thử thành công cho Trung Quốc. Những đe doạ áp thuế thương mại và tuyên bố Trung Quốc thao túng đồng nội tệ không trở thành hiện thực; thái độ “lung lay” với Đài Loan đã biến mất…; giờ đây, Nhà Trắng dường như đang “vun đắp” cho mối quan hệ thân tình mới giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nhà Trắng mong muốn một mối quan hệ Trung - Mỹ thân thiết? (Ảnh: SCMP)

Trong chiến dịch tranh cử, Trump coi Trung Quốc là một mối đe doạ. Khi trở thành Tổng thống, ông đưa ra một cách tiếp cận không khác với người tiền nhiệm - ủng hộ cho Nhật Bản và Hàn Quốc và ràng buộc với Trung Quốc – mặc dù, với một thay đổi cơ bản.

Các chuyên gia cho rằng, không còn những cuộc nói chuyện về ý thức hệ, các giá trị truyền thống trong quan hệ quốc tế… - những thứ thường làm mếch lòng Trung Quốc; thay vào đó, chủ nghĩa thực dụng “lên ngôi”. Điều này thể hiện rõ hơn ở thái độ của nước Mỹ trong vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, cũng như tranh chấp biển Đông.

“Có một sự tự tin không hề nhẹ giữa những người Trung Quốc rằng, họ đã ‘bẻ móng’ được ông Trump,” Yanmei Xie – một nhà phân tích chính sách Trung Quốc tại Gavekal Dragonoimcs nhận xét. “Họ cảm thấy mình đã tìm được công thức chiến thắng…, biết cách thoả mãn lòng tự tin của ông ấy, làm hài lòng các thành viên trong gia đình Trump; và để các chuyên gia chính sách đối ngoại Mỹ, các trường kinh doanh hàng đầu rao giảng cho ông về tầm quan trọng của mối quan hệ Trung – Mỹ ổn định.”

Châu Âu: Trump vẫn là một “ẩn số”

Sau 100 ngày đầu tiên của chính quyền Trump, các nhà lãnh đạo EU tại Brussels dường như vẫn chưa thể “giải mã” được vị Tổng thống vốn thiếu sự “vồn vã” và thân thiện với châu Âu như những người tiền nhiệm của mình. Trong bối cảnh Brexit đang dần được hiện thực hoá (điều này được ông Trump ủng hộ) và chủ nghĩa dân tuý đang ngày càng lan rộng, những động thái của Washington dường như càng trở nên khó nắm bắt.

 Tổng thống Trump vẫn còn là một "ẩn số" đối với Liên minh châu Âu. (Ảnh: WP)

Sau khi Trump chính thức nhậm chức, các quan chức hàng đầu của nước Mỹ, từ Phó Tổng thống Pence, Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Jim Mattis… đều đã lần lượt công du châu Âu. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đang nỗ lực để gắn kết những thông điệp đến từ những chuyến thăm này – thường khá nhẹ nhàng – với những gì ông Trump tuyên bố, thậm chí viết trên Twitter của mình. Cả Pence và Mattis đều có những tuyên bố “trấn an” tại Hội nghị an ninh Munich hồi tháng Hai, khi ông Trump gọi truyền thông là “kẻ thù của người dân” – một nhận định khiến các nhà lãnh đạo châu Âu phải “cau mày”. Việc ông Trump gần đây đã gọi điện chúc mừng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ giành thắng lợi trong cuộc trưng cầu dân ý, cũng gây nhiều lo lắng, đặc biệt sau khi phía châu Âu cho rằng, ông Erdogan đã đàn áp những người chống đối mình trước khi bỏ phiếu diễn ra.

(Theo Washington Post)

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ