(Tổ Quốc) - Giữa bối cảnh chống dịch nghiêm ngặt, Trung Quốc phát động chiến dịch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng.
Theo trang CNBC, đây là cách tiếp cận tương tự mà chính phủ Trung Quốc từng áp dụng trước đây. Một số nhà phân tích cho rằng cách tiếp cận này có thể tác động đến tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 26/4 đã kêu gọi "dốc toàn lực" tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng. Các dự án đề xuất sẽ bao gồm đường thủy, đường sắt đến các cơ sở điện toán đám mây. Trong cuộc họp về các vấn đề tài chính và kinh tế, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh đến một số lưu ý thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
"Cuộc họp gợi ý các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc tiếp tục định hướng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước, vượt qua các hạn chế của Covid-19 và suy thoái kinh tế. Điều đó cũng đồng nghĩa với nỗ lực nới lỏng các biện pháp hạn chế", ông Lisheng Wang và nhóm nghiên cứu ở ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs lưu ý.
"Chúng tôi tin tưởng đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ là chính sách quan trọng để ổn định tăng trưởng kinh tế", các nhà phân tích của Goldman Sachs nói đồng thời nhận định các rủi ro từ xuất khẩu tăng trưởng chậm, đầu tư tư nhân yếu và chính sách 0-Covid có thể tác động đến hoạt động tiêu dùng và dịch vụ.
Trong tháng Ba, Trung Quốc đại lục đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất kể từ cú sốc đầu tiên của đại dịch vào đầu năm 2020.
Mặc dù tăng trưởng GDP quý đầu tiên của năm nay đã tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng một số ngân hàng đầu tư ở Trung Quốc dự báo mức tăng trưởng trong quý tiếp theo có thể giảm do hạn chế đi lại và các quy định chống dịch nghiêm ngặt, đặc biệt là lệnh phong tỏa áp dụng đối với Thượng Hải.
Các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra tác động của chiến lược 0-Covid đã ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng nhiều hơn khả năng năng sản xuất từ các nhà máy. Doanh số bán lẻ đã giảm mạnh trong tháng trong tháng Ba.
Trung Quốc có thể đáp ứng mục tiêu tăng trưởng 5,5%?
Theo ông Louis Kuijs, chuyên gia kinh tế của tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P Global Ratings, nỗ lực thúc đẩy cơ sở hạ tầng mạnh mẽ hơn sẽ giúp giảm đi một số áp lực đối với mục tiêu tăng trưởng, trước mắt là thách thức với mục tiêu tăng trưởng 5,5%.
"Tuy nhiên, hiện chính sách Covid của Trung Quốc là "điểm nghẽn" quan trọng đối với mục tiêu tăng trưởng. Sẽ rất khó để đạt được mức tăng trưởng 5,5% trong năm nay nếu không nới lỏng biện pháp chống dịch Covid-19", ông Kuijs nói.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng kêu gọi đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng trong bối cảnh chứng khoán sụt giảm do lo ngại tăng trưởng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
"Mức độ trì trệ do lệnh phong tỏa và các vấn đề tồn tại trong lĩnh vực bất động sản đang khiến Trung Quốc ngày càng khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay. Tuy nhiên, những nỗ lực lớn trong quý 2 và quý 3 vẫn có thể giúp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trở lại", ông Michael Pettis, Giáo sư tài chính Đại học Bắc Kinh cho biết.
Ông Pettis cũng lưu ý việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ tác động vào chu kỳ tăng trưởng bởi kỳ vọng cao hơn, do đó đòi hỏi đầu tư nhiều hơn.
Bất động sản, năng lực sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong những thập kỷ qua. Trung Quốc đã xây dựng mạng lưới tàu cao tốc và sân bay lớn.
Bên cạnh đó, trong vài năm qua, chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy hoạt động tiêu dùng và xem đây là động lực lớn để tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn định hướng trước một số biện pháp thúc đẩy kinh tế trước khi lựa chọn tăng cường chi tiêu. Thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc khoảng 35.128 NDT (khoảng 5488 USD) vào năm 2021.
Trong cuộc họp ngày 26/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc cũng tiếp tục kêu gọi hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ở khu vực nông thôn và ngành nông nghiệp đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ cơ sở hạ tầng an ninh quốc gia cũng như nâng cao khả năng của đất nước đối phó với các "tình huống khắc nghiệt".
Trong ngắn hạn, kế hoạch tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể giúp cải thiện kinh tế. Chứng khoán của Trung Quốc đại lục cũng tăng cao hơn vào ngày 27/4 trong nỗ lực ổn định sau khi giảm mạnh đầu tuần.
Các nhà phân tích của công ty dịch vụ đầu tư tài chính Citi cho rằng Trung Quốc đang bắt đầu đưa ra các điều chỉnh chính sách và sẽ là nền tảng để kích thích kích thích kinh tế tăng trở lại trong quý 2./.