(Tổ Quốc) - Trung-Mỹ thực hiện một số cử chỉ xây dựng lòng tin và giảm căng thẳng sau phán quyết 12/7.
Tuần trước, Hải quân Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận “đối kháng trên biển” tại Biển Nhật Bản, với sự tham gia của hai đội tàu đặc nhiệm, cùng một số tàu khu trục, tàu hộ tống trang bị tên lửa, tàu vận tải... Một số tàu mới nhất của Hải quân Trung Quốc xuất hiện trong cuộc tập trận quy mô này.
Cuộc tập trận nhằm nâng cao năng lực chiến đấu của hải quân biển xanh của Trung Quốc tác chiến trong các vùng biển xa Trung Quốc. Tuy nhiên, cùng với sự xuất hiện của nhiều tàu chiến và hơn 200 tàu cá Trung Quốc tại biển Hoa Đông xung quanh Điếu Ngư/Senkaku từ đầu tháng 8, người ta nhận thấy Trung Quốc một lần nữa lại muốn hướng sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế từ điểm nóng xung đột trên biển phía nam (Biển Đông) lên biển phía đông của Trung Quốc (biển Hoa Đông).
Trung Quốc dẫn dắt cuộc chơi trên 2 vùng biển
Từ tháng 9/2012, việc Chính phủ Nhật Bản mua lại 3 đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã châm ngòi cho cuộc xung đột gay gắt trên biển Hoa Đông. Đến tháng 4/2014, khi Tổng thống Mỹ Obama thăm Nhật Bản, chính thức tuyên bố quần đảo Senkaku nằm trong khuôn khổ quản lý của Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ, cuộc xung đột tạm lắng xuống. Trung Quốc đã hướng sự chú ý của dư luận xuống Biển Đông: Mở đầu bằng việc đưa giàn khoan HD-981 vào hoạt động tại vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; đồng thời khẩn trương bồi đắp các đảo nhân tạo tại Trường Sa.
Đô đốc Mỹ cảnh báo Trung Quốc "xây dựng Trường Thành trên Biển Đông" |
Trung Quốc ráo riết hoàn thành việc bồi đắp 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa vào thời điểm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) xem xét vụ khiếu kiện của Philippines, mà Trung Quốc là bên bị đơn. Đến tháng 1/2016, Trung Quốc đưa máy bay dân sự đáp xuống sân bay trên đá Chữ Thập, đánh đi tín hiệu họ hoàn thành các công trình ở Trường Sa. Tháng 7 vừa rồi, các ảnh chụp sân bay này cho thấy Trung Quốc đã xây dựng các nhà chứa máy bay cho hàng trăm máy bay chiến đấu.
Bằng hàng loạt hành vi mang tính thách thức, lúc giương Nam lúc kích Bắc, Trung Quốc dẫn dắt cuộc chơi trên các vùng biển phía đông và phía nam của nước này. Nó bộc lộ bản chất của việc Trung Quốc nỗ lực trở thành “cường quốc biển” theo cách thức nào. Nước Mỹ nhận thức được sự thách thức của Trung Quốc đối với quyền chủ đạo của Mỹ trên biển.
Trung-Mỹ tỏ “thiện chí” trong vấn đề Biển Đông
Không có nội dung nào trong hai năm qua lại chi phối chương trình nghị sự của quan hệ song phương Mỹ-Trung như vấn đề Biển Đông. Đối với Mỹ, việc hình thành các cơ sở quân dân sự tại Hoàng Sa và Trường Sa đã thách thức thông thương trên các con đường biển quốc tế, nơi hàng năm khối lượng thương mại và năng lượng trị giá 5.000 tỷ USD qua lại Biển Đông.
Với lập trường không can dự vào các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông, Mỹ chưa từng chính thức bác bỏ yêu sách cuả Trung Quốc tại vùng biển này. Nhưng đường 9 đoạn mà Trung Quốc chính thức đưa vào hồ sơ gửi Liên hợp quốc năm 2009 đã thách thức các hoạt động của tàu chiến và máy bay Mỹ; đồng thời, nếu không bị bác bỏ, 86% Biển Đông trong đường 9 đoạn sẽ được xem là biển của Trung Quốc và bất cứ lúc nào, Trung Quốc cũng có thể áp đặt sự kiểm soát đối với các con đường biển, mặc dù Trung Quốc luôn tuyên bố rằng “không hề có vấn đề gì đối với tự do hàng hải” ở Biển Đông.
Vào thời điểm PCA công bố các phán quyết, Mỹ và Trung Quốc đã thực hiện một số hành vi “thiện chí” nhằm xây dựng lòng tin và giảm căng thẳng ở Biển Đông. Đơn cử hai sự việc.
Đầu tháng 7, Trung Quốc đột nhiên rút các tên lửa đất đối không hồi tháng 2 họ đưa ra đảo Phú Lâm (Hoàng Sa). Theo nguồn tin của một chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh, việc rút tên lửa này là để đáp lại việc Mỹ rút tàu khu trục USS John Stennis khỏi Biển Đông, đưa về căn cứ tại Hawaii.
Sách Trắng do Chính phủ Trung Quốc công bố ngày 12/7 để biện hộ cho chính sách Biển Đông của Bắc Kinh đã không nhắc tới đường 9 đoạn.
Việc Bắc Kinh lặng lẽ bỏ đường 9 đoạn là để giảm sức ép và phê phán quốc tế đối với một trong những yêu sách mơ hồ và phi lý nhất mà một quốc gia có trách nhiệm có thể đưa ra. Trung Quốc đã tự tháo bỏ “cái cùm địa chính trị” đối với họ. Mặt khác, điều này có thể dỡ bỏ một trong những nghi vấn và quan ngại hàng đầu của Mỹ trong vấn đề Biển Đông.
Vào dịp tiếp Susan Rice, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ, ngày 25/7, Chủ tịch Tập Cận Bình đã không quên nhắc lại lập trường quen thuộc, rằng nước này không có ý định thách thức các luật lệ và trật tự quốc tế hiện hành, và sẽ không bao giờ tìm kiếm bá quyền.
Tổng thống Obama chỉ còn tại vị 6 tháng. Trung Quốc đang thực hiện một số cử chỉ để chính quyền mới ở Mỹ “hạ cánh mềm” trong chính sách xoay trục và tái cân bằng sang châu Á. Chính sách ấy gây nhiều quan ngại và phiền toái cho Trung Quốc./.
Nguyễn Ngọc Trường