(Tổ Quốc) - Mỹ và các đồng minh sẽ quay trở lại Vienna vào ngày 29/11 nhằm tái khởi động các đàm phán hạt nhân với Iran trong bối cảnh chưa hề chắc chắn về ý định của Tehran.
Các bên tham gia Kế hoạch hành động Toàn diện chung (JCPOA) ngày 29/11 cũng sẽ đến Vienna sau gần 6 tháng thảo luận về việc cả Mỹ và Iran cùng quay trở lại thỏa thuận.
Cuối tuần trước, Iran đã thông báo đạt được nhiều tiến bộ trong việc làm giàu uranium – động thái giúp Tehran giảm thời gian phát triển vũ khí hạt nhân. Các thành viên khác trong thỏa thuận, bao gồm Đức, Vương quốc Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga đang kêu gọi Iran tiếp tục tham gia đàm phán. Theo hãng CNN, họ mong muốn Iran sẽ xem đây như là vòng 1 của đàm phán. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ bày tỏ quan ngại về ý định của Iran.
Chính phủ mới của Iran sẽ cử một phái đoàn đàm phán mới đến Vienna và vẫn thể hiện thiện chí nếu phía Washington ra tín hiệu nới lỏng trừng phạt. Trong khi đó, Mỹ vẫn chưa có kế hoạch đưa ra biện pháp khuyến khích nào đối với Iran.
"Thời gian lựa chọn rất ngắn ngủi"
Theo CNN, một số quan chức cấp cao của Mỹ đã nhiều lần cảnh báo rằng nếu các tiến bộ trong chương trình hạt nhân và khả năng làm giàu uranium của Iran tiếp tục không suy giảm thì Washington sẽ cân nhắc đến lựa chọn khác.
"Chúng tôi hy vọng ngoại giao có thể tìm ra cách", ông Brett McGurk – Điều phối viên của Hội đồng An ninh quốc gia tại Trung Đông và Bắc Phi nói tại Đối thoại Manama do Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế tổ chức. "Tuy nhiên, nếu không được, chúng tôi sẵn sàng sử dụng phương án khác".
"Không có gì phải bàn cãi, chúng tôi sẽ không cho phép Iran có được vũ khí hạt nhân. Việc sử dụng quân sự để thay đổi hành vi được xem là khó thành. Tuy nhiên, sử dụng quân sự để ngăn một quốc gia có được vũ khí hạt nhân thì mục tiêu này có thể đạt được", ông McGurk nhấn mạnh.
Đặc phái viên Mỹ về Iran Rob Malley lưu ý đến 2 phương án với Tehran: hoặc là leo thang hạt nhân tiếp tục và khủng hoảng, hoặc là cùng trở lại JCPOA để tạo cơ hội cho các mối quan hệ kinh tế và ngoại giao trong khu vực".
"Thời gian để lựa chọn rất ngắn", ông Malley viết trên Twitter.
Các nguồn tin quen thuộc cho biết các bên đang theo dõi chặt chẽ chuyến thăm của Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi đến Tehran vào tuần trước, xem đây là tín hiệu tiếp cận của Iran với các cuộc đàm phán ở Vienna. Một trong những vấn đề quan trọng là Iran đang từ chối cho nhóm thanh tra từ IAEA tiếp cận cơ sở sản xuất máy ly tâm Karaj.
Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (ACA) cũng lưu ý việc Iran từ chối cho phép IAEA lắp đặt camera mới và xác nhận hoạt động sản xuất chưa khởi động lại có thể làm suy yếu nỗ lực hồi sinh JCPOA cũng như không thể hoàn thành đầy đủ hồ sơ về chương trình hạt nhân của Iran.
ACA cũng cho rằng việc Tehran từ chối cấp quyền tiếp cận Karaj cũng làm dấy lên nhiều đồn đoán và gây ra lo ngại về những gì Iran đang làm.
Kế hoạch B
Vào ngày 25/11, phái đoàn Mỹ tại các tổ chức quốc tế ở Vienna đã nói tại cuộc họp IAEA rằng nếu Iran không hợp tác ngay bây giờ thì Hội đồng thanh tra sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc triệu tập hội nghị vào cuối năm nay để giải quyết khủng hoảng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã phản ánh các vấn đề không rõ ràng xung quanh cuộc đàm phán vào ngày 22/11, cho rằng việc hai bên quay lại tuân thủ JCPOA là "một đề xuất không chắc chắn." Ông Price đã nói với phóng viên ở Washington rằng chúng tôi hy vọng chính phủ mới ở Iran sẽ xuất hiện ở Vienna và sẵn sàng đàm phán có thiện chí dựa trên các tiến bộ đạt được trong 6 vòng đàm phán trước.
Các chuyên gia tham gia đàm phán đều đang chuẩn bị. Theo hãng CNN, thời gian để đạt được thỏa thuận vẫn còn nhưng có thể sẽ hết hạn vào cuối năm sau. Hiện tại, chưa có "kế hoạch B" nào được thông qua.
Thủ tướng Israel Naftali Bennett cũng đã lên tiếng nước này sẵn sàng hành động nếu cần thiết. Về phía Washington, ông Price nhấn mạnh, Mỹ và Israel sẽ cùng chia sẻ mục tiêu chung và tiếp tục nỗ lực ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân, đồng thời, ngoại giao cùng với đối tác và đồng minh sẽ là cách tốt nhất để đạt được mục tiêu trên.
Trong các tuần gần đây, các quan chức Mỹ đã tiến hành hàng loạt các hoạt động ngoại giao với các cường quốc trong khu vực và các bên khác trong thỏa thuận nhằm xây dựng một mặt trận thống nhất. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp với các đối tác châu Âu để thảo luận về Iran trong cuộc họp G7 vào tháng 6 ở Anh. Gần đây, Ngoại trưởng Antony Blinken đã trao đổi với các đồng minh châu Âu cũng như Trung Quốc và Nga về Iran. Trong khi đó, ông Malley đã thăm các quốc gia vùng Vịnh, gặp các quan chức Israel và đối tác châu Âu trong JCPOA.
Ông McGurk nói: "Người Iran tin tưởng sẽ có một số lựa chọn khác để có thể tránh các áp lực trừng phạt. Và điều đó thật sai lầm"./.