(Tổ Quốc) - Trang CNN đưa tin, quân đội Mỹ đã sử dụng một vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp phóng đi từ tàu ngầm mới. Đây được coi là một động thái quan trọng nhằm đối phó với những nguy cơ đến từ kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga.
"Hải quân Mỹ đã sử dụng đầu đạn tên lửa đạn đạo hiệu suất thấp phóng đi từ tàu ngầm là W76-2", Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách John Rood nói trong một thông cáo hôm thứ ba (4/2).
Vũ khí hạt nhân mới là sự cải biến của đầu đạn W-76 vốn được sử dụng để trang bị cho các tên lửa Trident II (D-5) phóng đi từ đầu đạn tàu ngầm. Vì vậy, loại vũ khí mới không được tính thêm vào tổng số vũ khí hạt nhân trong kho vũ khí của Mỹ.
Một quan chức Mỹ nói với trang CNN, các thủ tục phóng hạt nhân và lựa chọn hạt nhân dành cho các tổng thống Mỹ giờ đây đã được cập nhật với vũ khí mới.
Là loại vũ khí hạt nhân mới đầu tiên của Mỹ trong nhiều thập kỷ, W76-2 được sản xuất lần đầu vào tháng 2 năm ngoái.
Bản Báo cáo Tình hình Hạt nhân của chính quyền Tổng thống Donald Trump năm 2018 đã kêu gọi sản xuất những loại vũ khí hạt nhân có sức mạnh ít hơn. Những người soạn báo cáo cảnh báo, đối thủ của Mỹ có thể sử dụng một loại vũ khí hạt nhân có quy mô nhỏ hơn để chống lại Mỹ hoặc các đồng minh mà không sợ Mỹ thực hiện trả đũa bằng hạt nhân do các vũ khí của Mỹ được thiết kế để mang tính hủy diệt cao hơn.
"Mở rộng các lựa chọn hạt nhân linh hoạt của Mỹ, bao gồm các lựa chọn hiệu suất thấp, là điều quan trọng để duy trì khả năng đánh chặn đáng tin cậy chống lại sự hiếu chiến mang tính khu vực. Nó sẽ nâng cáo sức mạnh hạt nhân và giúp đảm bảo các đối thủ tiềm tàng không có được lợi thế trong leo thang hạt nhân giới hạn, khiến việc sử dụng hạt nhân trở nên kém chắc chắn hơn", bản báo cáo chỉ ra.
Kế hoạch kêu gọi cải tiến các đầu đạn hạt nhân trên các tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm của Mỹ, là một phần trong một chương trình kéo dài 5 năm có tổng ngân sách lên tới 50 triệu USD.
"Mỹ thường xuyên tư vấn với các đồng minh về hệ thống tên lửa hạt nhân của mình và đã thông báo các cập nhật về việc phát triển đầu đạn hiệu suất thấp kể từ Báo cáo Tình hình Hạt nhân 2018", một quan chức NATO cho hay.
Theo ông Rood, yêu cầu đặt ra về vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp trong bản báo cáo có mục đích "giải quyết nhận định, các đối thủ tiềm tàng giống như Nga nghĩ rằng, việc sử dụng vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp sẽ đem lại cho họ lợi thế so với nước Mỹ và các đối tác cùng đồng minh".
Ông bổ sung thêm, vũ khí hạt nhân mới "thể hiện với các đối thủ tiềm tàng, không có lợi thế trong việc sử dụng hạt nhân giới hạn bởi vì nước Mỹ có thể đưa ra các phản ứng mang tính quyết định và đáng tin cậy trước bất kỳ kịch bản đe dọa nào".
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Adam Smith gọi quyết định của Lầu Năm góc là "sai lầm và nguy hiểm".
"Việc triển khai đầu đạn này không làm gì khiến nước Mỹ an toàn hơn. Thay vào đó, nó chỉ làm gia tăng hơn nữa tiềm năng cho những tính toán sai lầm nếu xảy ra khủng hoảng", ông Smith cảnh báo.
Nga được cho là đang duy trì một số lượng lớn các vũ khí hạt nhân "chiến thuật". Chúng có sức mạnh ít hơn và không mang tính hủy diệt lớn bằng các vũ khí của Mỹ.
Trong khi đó, Mỹ cũng sở hữu một số bom hạt nhân chiến thuật cũ B61, nhưng những quả bom này bị đánh giá là không hiệu quả bằng một vũ khí phóng đi từ tàu ngầm.
Sự khác biệt thực sự là năng lực đe dọa "và tấn công mục tiêu sâu trong lãnh thổ của đối thủ hiện mà các vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp phóng từ máy bay hiện không với tới được", ông Vipin Narang, phó giáo sư khoa học chính trị tại Học viện Công nghệ Massachusetts đánh giá.
Còn Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quan Mỹ Tướng John Hyten nói với kênh CNN hôm 4/3, tàu ngầm có khả năng đáp trả nhanh hơn là phi cơ chiến đấu. "Bởi vì với một tàu ngầm, anh có thể phản ứng ngay lập tức, còn với một máy bay ném bom anh phải cho vũ khí lên và sau đó bay cả quãng đường tới nơi có mục tiêu", ông Hyten nhấn mạnh.
Mỹ cũng vấp phải một số chỉ trích vì đã theo đuổi vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp. Lý dó chính được đưa ra là nó sẽ khiến ngưỡng cửa sử dụng vũ khí hạt nhân bị thu hẹp; đồng thời các nhà lãnh đạo có thể cảm thấy ít e dè hơn khi sử dụng những vũ khí như vậy.
"Chúng tôi trân trọng đề nghị Quốc hội từ chối lời yêu cầu của chính quyền Trump về các đầu đạn hạt nhân dễ sử dụng và có 'hiệu suất thấp' cho tên lửa Trident. Hiện không có nhu cầu cho các vũ khí như vậy và việc chế tạo chúng sẽ khiến nước Mỹ trở nên kém an toàn hơn. Những vũ khí được gọi là 'hiệu suất thấp' là cánh cửa dẫn tới thảm họa hạt nhân và không nên được theo đuổi", một nhóm các cựu quan chức, bao gồm cả cựu Ngoại trưởng George Schultz và cựu Bộ trưởng Quốc phòng William Perry viết năm 2018.
Theo ông Narang, một vấn đề khác là khi kết hợp cả vũ khí hiệu suất thấp và hiệu suất cao, các đối thủ như Nga sẽ không thể biết được họ đang phải đối mặt với điều gì. "Họ phải tính đến trường hợp tồi tệ nhất, ngay cả khi nó 'chỉ là một hoặc hai tên lửa' bởi vì các tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm có thể mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân", ông nói, đồng thời chỉ ra, người Nga từng khẳng định họ sẽ đợi cho tới khi bị tên lửa tấn công mới tiến hành trả đũa.
"Vì vậy bạn có một hệ thống bạn có thể không bao giờ sử dụng bởi vì nó có khả năng đem tới một cuộc chiến tranh hạt nhân chiến lược. Và nếu bạn thực sự không bao giờ sử dụng nó, và người Nga biết được, nó sẽ không thể đánh chặn được những gì mà bạn muốn nó làm", ông Narang nói.
Tuy nhiên, Tướng Hyten phủ nhận các chỉ trích rằng vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp làm thu hẹp ngưỡng cửa sử dụng vũ khí hạt nhân. "Tổng giá trị hiệu suất của kho vũ khí hạt nhân mà chúng ta đang sở hữu ngày hôm nay, nhỏ hơn so với thời điểm trước khi triển khai vũ khí này", ông chỉ ra.