(Tổ Quốc) - Không chỉ nổi tiếng bởi sự giàu có xa hoa với những tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) còn thu hút du khách bởi những nét văn hóa truyền thống đặc sắc về giá trị di sản văn hóa phi vật thể của các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư.
Di sản là trọng tâm trong vai trò mới nhất của UAE tại UNESCO
Tại trụ sở chính của UNESCO ở Paris vào tháng 6/2024, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đã trở thành thành viên trong Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trong 4 năm tới.
Đây là lần thứ hai UAE đảm nhiệm vị trí này, cho thấy nỗ lực của các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư để đạt được Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003).
Từ năm 2019 đến năm 2023, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã là thành viên trong ban điều hành của UNESCO, giúp thúc đẩy các mục tiêu và sáng kiến về văn hóa, khoa học và giáo dục của tổ chức. UAE hiện cũng là thành viên trong Ủy ban liên chính phủ của UNESCO về Bảo vệ và thúc đẩy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa kể từ năm 2021.
Là thành viên có trách nhiệm, UAE đã thể hiện vai trò tốt trong quá trình bảo tồn các truyền thống văn hóa. UAE từ lâu đã nhận ra tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, đóng vai trò là kho lưu trữ kiến thức, giá trị và tập quán được truyền qua nhiều thế hệ.
Từ nghệ thuật nuôi chim ưng cổ xưa đến thư pháp Ả Rập, cho dù đó là tinh thần cộng đồng, sắc màu nghề thêu talli hay truyền thống ẩm thực lâu đời với món ăn truyền thống harees, tất cả đều tạo ra bản sắc riêng của Emirati, góp phần vào sự phong phú về văn hóa của quốc gia.
Từ năm 2011, UAE đã ghi danh 15 di sản vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO với mục đích đảm bảo tốt hơn và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản.
Điều này đã trở thành hiện thực nhờ những nỗ lực chung của Bộ Văn hóa UAE và ngành văn hóa Dubai. Những nỗ lực này đã đưa UAE trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực và là một trong 10 quốc gia hàng đầu thế giới về bảo tồn di sản văn hóa trong khuôn khổ của UNESCO.
Món ăn Harees - biểu tượng của di sản và văn hóa
Harees là một món ăn truyền thống phổ biến trong ẩm thực của các Tiểu vương quốc. Món ăn này dùng để chỉ một loại cháo được nấu từ lúa mì đã đánh tan kết hợp với thịt, thường là thịt gà hoặc thịt cừu.
Theo Sheikh Salem bin Khalid Al Qassimi, Bộ trưởng Bộ Văn hóa UAE, việc bổ sung Harees vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể là một phần trong những nỗ lực liên tục của UAE nhằm bảo tồn và phát huy các di sản lịch sử của đất nước.
"UAE cam kết bảo tồn di sản văn hóa dưới mọi hình thức và đã ủng hộ việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, vốn có sức mạnh độc đáo trong việc tái hiện các truyền thống độc đáo trong quá khứ của tổ tiên chúng ta", ông Sheikh Salem bin Khalid Al Qassimi cho biết.
Harees là một món ăn truyền thống được chế biến bằng cách ninh gạo lúa mì trong nước muối loãng trong vài giờ. Sau đó, thịt (thường là thịt cừu hoặc thịt gà) được thêm vào và nấu trong ít nhất 4 giờ nữa. Món ăn sẽ được ăn kèm với bơ ghee địa phương. Khi liệt kê Harees là di sản văn hóa phi vật thể, UNESCO đã lưu ý rằng món ăn này không chỉ là ẩm thực mà còn có nhiều ý nghĩa.
"Với món ăn này, kỹ năng và kiến thức liên quan thường được truyền từ mẹ sang con gái. Việc chế biến và phục vụ Harees thể hiện lòng hiếu khách và sự hào phóng. Món ăn thúc đẩy kết nối xã hội, củng cố mối quan hệ giữa mọi người và cộng đồng đồng thời tăng cường sự gắn kết văn hóa trong xã hội", ông Sheikh Salem bin Khalid Al Qassimi nói thêm.
Nghệ thuật thêu Talli - di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của UAE
Nghệ thuật thêu Talli ở UAE được truyền từ đời này qua đời khác. Không ai có thể chắc chắn rằng Talli xuất hiện từ thời điểm nào, chỉ biết rằng từ rất lâu, Talli đã là một nghề thủ công nổi tiếng gắn với nền văn hóa UAE.
Là một nghề thủ công tỉ mỉ, Talli thường được truyền lại từ mẹ sang con gái. Để bảo tồn nghề thủ công truyền thống này, nhiều năm qua, ngoài việc truyền dạy trong gia đình, chính quyền các địa phương UAE khuyến khích tổ chức các khóa đào tạo trong trường trung học, đại học và các trung tâm phát triển di sản.
Năm 2022, Talli đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
"Việc UNESCO công nhận Talli là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có ý nghĩa lớn, cho thấy nỗ lực của UAE trong việc quảng bá nét văn hóa đặc sắc của vùng lãnh thổ. UAE sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể dựa trên cách tiếp cận vững chắc để bảo vệ di sản văn hóa dưới mọi hình thức, vẽ nên một bức tranh toàn diện về bản sắc văn hóa độc đáo và phong phú của đất nước", bà Latifa bint Mohammed Al Maktoum, Chủ tịch Cơ quan Văn hóa và Nghệ thuật tại Dubai cho biết./.