(Tổ Quốc) - Sáng 29.8, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008, của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới.
- 12.05.2023 Văn học nghệ thuật Hà Nội: Đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2023 – 2028
- 25.05.2018 Văn học, nghệ thuật Hà Nội: Chờ một cuộc bứt phá - Bài cuối
- 24.05.2018 Văn học, nghệ thuật Hà Nội: Những “khoảng trống” cần lấp đầy- Bài 2
- 21.04.2018 NSND Quốc Chiêm làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội
Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản.
Theo đánh giá của Thành ủy Hà Nội, sau 15 năm, nền văn học nghệ thuật Thủ đô đã có những bước chuyển mình quan trọng. Theo đó, các hoạt động văn học nghệ thuật có sự đổi mới trong tổ chức và dàn dựng, chất lượng nghệ thuật được nâng lên đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của người dân Thủ đô. Các phong trào nghệ thuật quần chúng có bước phát triển sâu rộng, toàn Thành phố hiện có 4.277 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng của thôn, tổ dân phố, đạt tỷ lệ 79,3%. Thông qua các hoạt động văn học, nghệ thuật, các nghệ sĩ đã thể hiện được tài năng và nâng cao nhận thức chính trị, năng lực sáng tạo, trách nhiệm công dân của họ đối với những vấn đề của đời sống xã hội.
Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn học nghệ thuật được quan tâm đầu tư. Hà Nội là Thành phố đầu tiên trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Tính từ tháng 12/2014 đến 12/2015, Thành phố tiến hành kiểm kê đối với 584 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã với 1.793 di sản được kiểm kê và đưa vào danh mục…
Quy hoạch không gian văn hóa nghệ thuật sáng tạo, khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa từ Thành phố tới cơ sở được triển khai tích cực, từng bước hoàn thiện phù hợp với tổng thể quy hoạch đô thị Hà Nội. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật được đẩy mạnh. Chất lượng đào tạo đội ngũ làm công tác văn hóa văn nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa nghệ thuật được nâng lên.
Hà Nội cũng chú trọng công tác triển khai tuyên truyền theo hướng "phủ xanh thông tin tích cực cũng như đấu tranh chống quan điểm sai trái trên lĩnh vực văn học nghệ thuật trong tình hình hiện nay, nhất là trên không gian mạng. Việc tuyên truyền được gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống", trong đó lấy "xây" làm cơ bản. Hoạt động giao lưu hợp tác về văn hóa nghệ thuật giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế có nhiều khởi sắc tạo dấu ấn quan trọng…
Báo cáo cũng khẳng định, công tác nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phố biến Nghị quyết số 23-NQ/TW đóng vai trò tích cực, có nhiều đổi mới, sáng tạo. Đặc biệt, năng lực của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển văn học, nghệ thuật trên địa bàn thành phố có bước chuyển mạnh lên một tầm cao mới với sự đổi mới cả về tư duy, nhận thức và hành động theo hướng tích cực, thiết thực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hiến Thăng Long - Hà Nội. Hướng tới các giá trị nhân văn cao cả, đích thực trong sáng tạo, xây dựng Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, hữu nghị và sáng tạo phát triển toàn diện, nhanh và bền vững.
Đặc biệt, từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện với diễn biến phức tạp, thay vì các nghệ sĩ biểu diễn ở nhà hát theo cách truyền thống thì biểu diễn trực tuyến trên nền tảng kỹ thuật số với "Nhà hát online", "Phòng trưng bày online", các vở diễn, chương trình có thể đến được với khán giả trong và ngoài nước. Bất chấp dịch bệnh bằng hình thức ghi hình trực tuyến phát sóng trên truyền hình cũng thu hút một lượng khán giả hưởng ứng…
Tại Hội nghị, các đơn vị đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về: Giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn học nghệ thuật của Thủ đô Hà Nội; phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; bảo tồn tranh dân gian Hàng Trống: Sợi dây kết nối nghệ thuật truyền thống và đương đại; kinh nghiệm phát triển các câu lạc bộ văn học nghệ thuật quần chúng…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong ghi nhận nỗ lực, kết quả, thành tích của toàn Thành phố trong phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật Thủ đô; biểu dương những tập thể, cá nhân đã đóng góp tích cực trong thành tích chung của Thành phố. Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, thành công lớn nhất, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị là sự chuyển biến nhận thức đối với lĩnh vực văn hóa, phát triển con người, trong đó có văn học, nghệ thuật. Các cấp, ngành, địa phương ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò của văn hóa trong việc phát triển bền vững, hội nhập và phát triển, nhận thức sâu sắc hơn phát triển văn hóa đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW, xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô nói riêng và văn hóa Thủ đô nói chung trở thành trung tâm, đầu tàu của khu vực đồng bằng sông Hồng, cả nước và hội nhập quốc tế, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị cần tập trung vào một số vấn đề cụ thể như: Củng cố sâu sắc hơn nữa nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vấn đề phát triển văn học, nghệ thuật nói riêng và văn hóa nói chung để phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, phù hợp với quan điểm của Nghị quyết XIII của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như các Nghị quyết, Chuyên đề của Thành ủy Hà Nội.
Phó Bí thư Thành ủy đề nghị các cấp, ngành, địa phương, hội nghề nghiệp và văn nghệ sĩ Thủ đô nêu cao trách nhiệm, lòng tự hào và khát vọng xây dựng Thủ đô, sáng tạo và phát triển tác phẩm văn học, nghệ thuật làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Đồng thời, góp phần xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm giao lưu, hội nhập quốc tế về văn hóa.
Cùng với đó, các cấp, ngành, cơ quan văn hóa tham mưu cơ chế, chính sách nguồn lực, đầu tư tài chính, để hỗ trợ phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật Hà Nội, trong đó có lĩnh vực mới nữa là công nghiệp văn hóa, như: thành lập quỹ hỗ trợ từ nguồn ngân sách hoặc xã hội hóa để tạo điều kiện, đầu tư cho văn nghệ sĩ, nghệ nhân sáng tạo, công bố tác phẩm. Thu hút nguồn lực để thực hiện chương trình, sự kiện văn hóa, văn học, nghệ thuật thường niên mang tính chất quốc gia, tiến tới khu vực và quốc tế tại Hà Nội. Tăng cường công tác giám sát, đánh giá, thi đua, khen thưởng thiết thực đối với việc thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển văn học, nghệ thuật trong thời gian tới…
Nhân dịp này, Thành ủy Hà Nội đã trao khen thưởng cho 10 tập thể và 10 cá nhân có thành tích trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) trên địa bàn Thành phố; 26 tập thể và 21 cá nhân nhận cũng vinh dự nhận Bằng khen của UBND Thành phố./.