(Tổ Quốc) - Sáng 25/7, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (25/7/1948 - 25/7/2023).
- 07.07.2023 Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật
- 23.06.2023 Xây dựng Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Tôn vinh các nghệ sĩ thực sự có tài năng, có nhiều cống hiến cho nền văn học, nghệ thuật
- 23.06.2023 Hoàn thiện Nghị định quy định xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHTN: Góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn học nghệ thuật
- 12.06.2023 NGUỒN NHÂN LỰC- BƯỚC ĐỘT PHÁ CHO CÔNG CUỘC CHẤN HƯNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA DÂN TỘC (Bài 1): Đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ làm công tác văn hoá, văn học, nghệ thuật
- 18.05.2023 Giải thưởng Hồ Chí Minh: Ghi nhận đóng góp của tác giả đối với văn học nghệ thuật
Cùng dự buổi lễ có các Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Chánh văn phòng Trung ương Lê Minh Hưng; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Dự buổi lễ còn có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông và đông đảo các văn nghệ sĩ.
75 năm trước, tại chiến khu Việt Bắc, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta trải qua những thời khắc khó khăn, gian khổ nhất, Trung ương Đảng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã cho phép đội ngũ văn nghệ sĩ lần đầu tiên tổ chức Đại hội Văn nghệ vào tháng 7.1948.
Đây là sự kiện vừa mang ý nghĩa chính trị vừa mang ý nghĩa văn hóa. Đảng luôn coi văn hóa, văn học nghệ thuật là một sức mạnh chính trị có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước.
Suốt chặng đường 75 năm (1948 - 2023) xây dựng và phát triển, lịch sử Hội Văn nghệ Việt Nam (nay là Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam) chính là chặng đường phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam từ khi bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng ra đời cho đến nay.
Đội ngũ văn nghệ cách mạng luôn đồng hành cùng dân tộc, tạo dựng nên một diện mạo văn học nghệ thuật Việt Nam mới. Nền văn nghệ ấy một mặt phát huy các giá trị văn hoá, văn nghệ truyền thống của dân tộc đó là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn sâu sắc, giàu bản sắc dân tộc; mặt khác, đó là tấm gương chân thực nhất, phản ánh hiện thực sống động, hào hùng, tràn đầy những chiến công hiển hách của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho các giá trị của nền văn nghệ cách mạng, tiếp nối vào dòng chảy văn hóa của dân tộc, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý nhất.
Kỷ niệm 75 ngày thành lập (1948 – 2023) Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam là dịp để giới văn nghệ sĩ cả nước ôn lại truyền thống trong đấu tranh cách mạng và trong sự nghiệp xây dựng, đổi mới đất nước. Từ đó, phát huy những thành quả văn học, nghệ thuật 75 năm qua để tiếp tục đoàn kết một lòng vượt qua những thách thức mới của đời sống, có thêm nhiều tác phẩm mới xứng đáng với con người và Tổ quốc Việt Nam, đáp ứng với lòng mong đợi của nhân dân.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương và cảm ơn những đóng góp to lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà, của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trong 75 năm qua.
Nhấn mạnh vị trí của văn học nghệ thuật, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nêu rõ quan điểm, Đảng ta luôn luôn khẳng định: "Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam" trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, vị trí quan trọng của văn hoá, văn học nghệ thuật trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; luôn luôn cổ vũ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động văn hoá, văn học nghệ thuật thông qua các cơ chế, chính sách, như: Hỗ trợ tài chính, mở trại sáng tác, đi thực tế, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng các tài năng văn nghệ; huy động mọi nguồn lực, cả về vật chất và tinh thần, để văn hoá, văn học nghệ thuật phát triển mạnh mẽ và cống hiến nhiều hơn nữa trong những năm tới.
Tổng Bí thư mong đợi và tin tưởng rằng, nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam cùng với đội ngũ văn nghệ sĩ đã từng được rèn luyện, thử thách trong đấu tranh cách mạng trước đây và trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước ngày nay; với truyền thống vẻ vang của Dân tộc, tiếp tục phát huy những thành quả của văn học, nghệ thuật 75 năm qua, nhất định vượt qua mọi khó khăn, thách thức để có thêm nhiều tác phẩm xứng đáng với con người và Tổ quốc Việt Nam muôn vàn yêu quý, đáp ứng được lòng mong đợi của nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, các trí thức văn học nghệ thuật Việt Nam với những kinh nghiệm đúc rút được trong 75 năm qua, tiếp tục tham mưu cho Đảng và Nhà nước; Phối hợp với cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam.
Tiếp tục tham mưu, tư vấn, phản biện trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật với các tiêu chí cụ thể để phát hiện, thu hút, trọng dụng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức - văn nghệ sĩ tài năng, nhằm xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ lớn mạnh, bảo đảm số lượng và chất lượng, có cơ cấu phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới; có kế hoạch bố trí, sử dụng đội ngũ trí thức một cách hợp lý; có chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ; quan tâm đến công tác khuyến khích, tôn vinh các văn nghệ sĩ có thành tích xuất sắc trong hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật.
Đặc biệt, làm tốt công tác chính trị tư tưởng đối với các văn nghệ sĩ để anh chị em nhận thức sâu sắc hơn nữa trách nhiệm vẻ vang của mình đối với Tổ quốc, với nhân dân, với dân tộc; đoàn kết phấn đấu, lao động sáng tạo, hoàn thành thật tốt trọng trách của mình; tăng cường công tác bồi dưỡng chính trị, cũng như đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ văn nghệ sĩ; động viên nghệ sĩ có nhiều đóng góp tài năng, trí tuệ vào sự phát triển nền văn hoá, văn học nghệ thuật cao quý của nước nhà.
Nhân dịp này, thay mặt Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, PGS.TS - Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân trân trọng trao Kỉ niệm chương vì Sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng/.