• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Vén màn” 10 sự thật về nước Nga dưới thời Tổng thống Putin

Thế giới 13/03/2018 10:54

(Tổ Quốc) - Nước Nga dưới sự lãnh đạo của Putin đã giành được nhiều thắng lợi nhưng cái giá phải trả cũng không hề nhỏ.

Trong gần hai thập kỷ dẫn dắt nước Nga với vai trò của cả Tổng thống và Thủ tướng, ông Vladimir Putin đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo có quyền lực nhất của xứ sở Bạch Dương.

Nước Nga dưới thời Putin chứng kiến nền kinh tế bùng nổ, quân sự mở rộng và vị thế trên chính trường quốc tế ngày càng được khẳng định. Bên cạnh mức sống được cải thiện, niềm tin vào sự ổn định của đất nước cũng như lòng tự hào dân tộc đã trở lại trong mỗi người dân Nga. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cái giá phải trả cho những tích cực này cũng không hề nhỏ.

BBC đã điểm lại những thay đổi dễ thấy nhất của nước Nga dưới sự lãnh đạo của ông Putin, thông qua 10 bảng biểu sau đây.

1. Ít người nghèo hơn

Số lượng người nghèo thấp hơn đáng kể so với thời gian trước đây; mặc dù vậy, nếu so với nhiều nền kinh tế lớn khác trên thế giới, tỷ lệ người nghèo của Nga vẫn đang ở trên mức trung bình.

Phần trăm dân số Nga sống dưới mức nghèo từ năm 1992 - 2016

2. Tuy nhiên, mức tăng lương đang giảm

Trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ nhất của ông Putin, mức tăng lương luôn ổn định và duy trì ở mức 10%/năm. Kể từ khi ông trở lại vị trí này vào năm 2012 sau một nhiệm kỳ Thủ tướng, một loạt các cuộc khủng hoảng kinh tế và các lệnh trừng phạt từ phương Tây, đã khiến mức tăng lương bị ngưng trệ, thậm chí có dấu hiệu tuột dốc.

Mức thực lương trung bình hàng tháng của người dân Nga trong 3 nhiệm kỳ Tổng thống và Thủ tướng của ông Putin (màu xanh là mức tăng lương; màu đỏ là mức giảm lương)

Trong khoảng từ năm 2011 – 2014, thu nhập sau thuế của người dân Nga tăng 11% và kỷ nguyên Putin đã chứng kiến nền kinh tế tiêu dùng được mở rộng đáng kể.

3. Ngày càng có nhiều người mua được ô tô và lò vi sóng

Thương hiệu ô tô được người dân Nga ưa chuộng nhất chính là Lada, với 311.588 chiếc Lada trên tổng số 1.595.737 chiếc ô tô mới được tiêu thụ tại Nga trong năm 2017.

Theo thống kê của Hiệp hội ô tô châu Âu, tỷ lệ sở hữu ô tô/hộ gia đình của Nga tương đương với hai nước Đông Âu là Ba Lan và Hungary; nhưng kém hơn so với láng giềng Phần Lan. Tại Phần Lan, cứ 100 hộ gia đình thì có tới 76 chiếc xe ô tô.

Số ô tô và lò vi sóng/100 hộ gia đình tại Nga từ năm 2000 - 2016

4. Tình yêu to lớn của người Nga với Ikea

Cửa hàng IKEA (tập đoàn bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới đến, chuyên thiết kế và bán đồ nội thất lắp ráp, thiết bị và phụ kiện nhà) đầu tiên tại Nga được khai trương vào năm 2000 và nhanh chóng lọt vào top 10 chi nhánh IKEA có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu.

Các cửa hàng IKEA tại Nga không ngừng tăng trong những năm qua

Đến năm 2015, Nga trở thành thị trường phát triển nhanh thứ hai của IKEA trên thế giới. Hiện thương hiệu Thụy Điển đã mở tới 14 cửa hàng trên toàn nước Nga. Tuy nhiên, hành trình của IKEA tại đây cũng không phải toàn màu hồng. IKEA đã phải dừng hoạt động một tạp chí trực tuyến vì sợ vi phạm điều luật gây tranh cãi của ông Putin, là cấm quảng bá các giá trị đồng tính cho người vị thành niên. Hãng này cũng phải rất cố gắng để duy trì nguyên tắc không có tham nhũng khi vận hành tại Nga.

5. Mê champagne hơn vodka

Đã có nhiều tranh cãi xung quanh việc người Nga uống bao nhiêu rượu. Các thống kê chính thức cho rằng tỷ lệ tiêu thụ rượu của dân Nga có giảm, nhưng mức giảm 80% như Bộ trưởng Y tế Nga có vẻ như hơi quá lạc quan.

Theo BBC, một phần nguyên nhân dẫn đến việc tiêu thụ rượu vodka truyền thống bị giảm sút là do sự xuất hiện của nền văn hóa bia, rượu phương Tây.

Giá trị rượu vodka và Champagne được tiêu thụ tại Nga từ năm 2000 - 2015

6. Quyền lực Internet trỗi dậy

Vkontakte hiện là nền tảng mạng xã hội lớn nhất tại Nga với khoảng 90 triệu người sử dụng, so với 20 triệu người dùng Facebook. Trong khi đó, trang web tìm kiếm Yandex giữ vị trí thứ hai trong danh sách các trang web thông dụng nhất tại quốc gia này.

Tỷ lệ người dân sử dụng Internet tính theo phần trăm dân số tại Nga (màu xanh), Liên minh châu Âu (màu vàng) và Mỹ (màu đỏ)

7. Số rạp xiếc sụt giảm mạnh

Các đoàn xiếc từng một thời là một trong những biểu tượng văn hóa nổi tiếng nhất của nước Nga, với hơn 60 rạp xiếc trên toàn đất nước. Tuy nhiên, giờ đây, những đoàn xiếc này đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các đối thủ phương Tây, như công ty xiếc Canada Cirque du Soleil.

Kể từ năm 2010, số lượng khán giả xem xiếc đã giảm mạnh với tỷ lệ 60%, từ 11 triệu người vào năm 2010 xuống còn 4,2 triệu người vào năm 2015.

Số lượng khán giả xem xiếc tại Nga tính theo triệu người từ năm 2000 - 2015

8. Thư viện công cũng ngày một vắng bóng

Với sự bùng nổ của Internet, không ngạc nhiên khi tỷ lệ các thư viện công cộng còn hoạt động tại Nga, ngày càng bị thu hẹp.

Số lượng thư viện công cộng tại Nga (đơn vị: nghìn) từ năm 2000 - 2015

9. Dân số Nga lại tăng

Một trong những mục tiêu lớn của Tổng thống Putin là cải thiện tình trạng sụt giảm dân số bắt đầu diễn ra vào những năm 1990.

Trước khi tranh cử Tổng thống năm 2012, ông Putin đề xuất chi 53 tỷ USD cho việc tăng tỷ lệ sinh. Cũng trong năm này, lần đầu tiên trong vòng 21 năm, tỷ lệ sinh đã vượt tỷ lệ tử tại Nga.

 Tỷ lệ sinh (màu xanh), tử (màu đỏ) tại Nga/1000 người

Khi tỷ lệ sinh lại một lần nữa giảm vào năm 2017, các đối thủ của ông Putin coi đây là một cơ hội để chỉ trích đương kim Tổng thống và đặc biệt nhấn mạnh mức giảm đến 10,6% trong giai đoạn năm 2016 – 2017.

Theo BBC, những cái tên được đặt nhiều nhất cho các bé sơ sinh tại Moscow là Alexander và Sofia.

10. Chi tiêu quốc phòng của ông Putin đang lớn hơn bao giờ hết

Nền quân sự hùng mạnh luôn là một điểm mấu chốt trong chính sách đối nội và đối ngoại của Nga. Sự sụp đổ của Liên Xô đã đẩy các lực lượng vũ trang nước này vào trong tình trạng khó khăn do ngân sách bị cắt giảm, vũ khí và khí tài trở nên lỗi thời…

Ngay khi lên nắm quyền, ông Putin đã không giấu giếm ý định thay đổi điều trên và xây dựng Nga trở thành một thế lực quân sự hiện đại trên thế giới.

Ngân sách quốc phòng tính theo % GDP của Nga từ năm 1992 - 2016

Chính quyền Putin đã tiến hành một loạt các chương trình hiện đại hóa quân đội với nguồn ngân sách quốc phòng được tăng gần gấp đôi. Nga cũng tăng cường hiện diện quân sự ở nước ngoài, cụ thể là Chechnya, Georgia, đông Ukraine và gần đây nhất là Syria.

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ