(Tổ Quốc) - Khủng hoảng liên quan tới cái chết của nhà báo Khashoggi có thể đem lại cho Ankara nhiều lợi thế ngoài mong đợi.
Tờ Financial Times nhận định, cái chết của nhà báo Arab Saudi Jamal Khashoggi đã đem lại một cơ hội cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, để có được lợi thế ngoài mong đợi trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng trong khu vực.
Một bên là ông Erdogan và Qatar – quốc gia bé nhỏ chia sẻ lập trường với Ankara về việc ủng hộ một số nhân tố Hồi giáo nhất định trong khu vực. Một bên là Arab Saudi, UAE và Ai Cập – những quốc gia phản đối các nhóm chính trị Hồi giáo như Huynh đệ Hồi giáo, và coi đó là mối đe dọa cho sự ổn định.
Cái chết của Jamal Khashoggi đang trở thành tâm điểm của cộng đồng quốc tế
Ankara nhắm tới liên minh ba bên Saudi, UAE và Ai Cập?
"Tổng thống Erdogan đã nắm lấy cơ hội đối phó với liên minh ba bên trên", Soner Cagaptay, Giám đốc chương trình Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Washington nói. "Và giờ đây ông ấy đang nhằm vào liên kết yếu nhất của nó".
Vị trí dễ bị tổn thương nhất được cho là Thái tử Mohammed bin Salman. Là người đứng sau một số chính sách ngoại giao quyết đoán nhất của Saudi, giờ đây Thái tử Mohammed đang đứng trước cáo buộc đã ra lệnh sát hại cây bút bình luận của tờ The Washington Post.
Ankara không giấu giếm thực tế, ông Erdogan coi nhà lãnh đạo và người thừa kế ngai vàng Saudi, là một đối thủ tiềm tàng. Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, việc Thái tử Mohammed bị hạ bệ sẽ "có ảnh hưởng lớn" tới đường lối của Arab Saudi. Tuy nhiên, hiện tại, đây là điều gần như không thể xảy ra.
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sẽ đem tất cả sự thực liên quan tới vụ việc Khashoggi ra ánh sáng; nhưng nhiều chuyên gia phân tích và nhà ngoại giao nghi ngờ rằng, Ankara sẽ lợi dụng lợi thế hiện tại để thúc đẩy một thỏa thuận nào đó với Riyadh và Washington – đồng minh quan trọng nhất của Saudi. Đổi lại, những chứng cứ có sức mạnh nhất chống lại Vương quốc sẽ không bao giờ được xuất hiện.
Hôm Thứ Tư (24/10), Tổng thống Erdogan và Thái tử Mohammed đã có cuộc điện đàm sau nhiều tuần căng thẳng. Ngay sau đó, Thái tử Arab đã lần đầu tiên xuất hiện công khai kể từ sau cái chết của ông Khashoggi. Lời cảnh báo sẽ không để cho những kẻ muốn chia rẽ quan hệ Arab Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ được thành công, cùng giọng điệu ôn hòa của Thái tử Mohammed khi nhắc tới Qatar –làm dấy lên những đồn đoán rằng, Ankara và Riyadh đã đạt được một thỏa thuận kín nào đó.
Thái tử Mohammed đang đứng trước "đầu sóng ngọn gió"
Quan hệ "nóng, lạnh" giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Arab Saudi
Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Arab Saudi đã dần ấm lên kể từ sau khi Đảng Công lý và Phát triển (AKP) với nguồn gốc Hồi giáo lên nắm quyền lực vào năm 2002. Năm 2006, người trị vì trước đó của Saudi, Vua Abdullah, là nhà lãnh đạo đầu tiên của Vương quốc Vùng Vịnh tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 40 năm. Tuy nhiên, căng thẳng tái xuất hiện sau một loạt các cuộc nổi dậy khiến thế giới Arab chao đảo vào năm 2011, và đưa nhóm Huynh đệ Hồi giáo – phong trào Hồi giáo có ảnh hưởng nhất trong khu vực, lên nắm quyền tại Ai Cập.
Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ cho Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi, một nhà lãnh đạo của Huynh đệ Hồi giáo. Nhưng Arab Saudi và đồng minh UAE lại tìm cách hạ bệ ông Morsi trong một cuộc đảo chính năm 2013.
Không thể nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Arab Saudi có một mối quan hệ lý tưởng. Nhưng chúng tôi vẫn có một mối quan hệ.
Yasin Aktay
Sau khi các cuộc nổi dậy Arab hạ nhiệt, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành điểm đến cho các nhân vật đối lập từ Syria, Ai Cập và Yemen. "Thổ Nhĩ Kỳ hiện giống như thủ đô của lực lượng đối lập Arab", Ayman Nour, một cựu ứng cử viên Tổng thống người Ai Cập chuyển tới sống ở Istanbul từ năm 2015, cho biết. Không chỉ hỗ trợ cho những người đã bị trục xuất khỏi Arab Saudi, Ankara còn phụ thuộc đáng kể vào Iran – đối thủ truyền thống của Riyadh trong khu vực – trong nguồn cung cấp năng lượng.
Tháng 6/2017, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Arab Saudi lại tiếp tục xấu đi khi Riyadh và các đồng minh bất ngờ áp đặt cấm vận lên Qatar. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số ít các nước trong khu vực ngay lập tức ra mặt ủng hộ Doha.
Yasin Aktay, một cố vấn của đảng cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ nhận định, bất chấp những căng thẳng, Ankara vẫn tìm kiếm cơ hội đối thoại với Riyadh. "Không thể nói rằng chúng tôi có một mối quan hệ lý tưởng," ông Aktay chỉ ra. "Nhưng chúng tôi vẫn có một mối quan hệ".
Tuy nhiên, vụ việc Khashoggi có một tầm ảnh hưởng lớn. "Không ai có thể kỳ vọng chúng tôi bỏ qua những gì đã xảy ra. Đó là sự vi phạm chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ", người cố vấn khẳng định.
Theo một quan chức Arab, Tổng thống Erdogan coi cái chết của nhà báo Khashoggi (người từng có quan hệ cá nhân với ông) là "một cú đánh trực diện vào giữa mặt".
Ông Erdogan mới đây đã yêu cầu Arab Saudi tiết lộ ai là người ra lệnh sát hại Khashoggi
Ông Erdogan sẽ đạt được lợi ích gì?
Một số người thân cận với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ, trong ba tuần kể từ khi Khashoggi có chuyến đi định mệnh tới lãnh sự quán Saudi tại Istanbul, ông Erdogan đã tìm cách tạo ra "một sự phân cách rõ ràng" giữa Arab Saudi trong tư cách một quốc gia, với Thái tử Mohammed. Trong bài phát biểu được chờ đợi hồi đầu tuần, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện sự tôn trọng với Vua Salman, nhưng cố tính tránh đề cập tới Thái tử Mohammed.
"Có thể hiểu được, Tổng thống Erdogan đang kêu gọi nhà vua quay lưng với con trai của mình", Soli Ozel, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Kadir Has, Istanbul giải thích.
Theo các nhà phân tích, kết quả cuối cùng phụ thuộc phần lớn vào Tổng thống Donald Trump, người vẫn coi Riyadh là một trong những đồng minh chủ chốt của Mỹ.
Ahmet Kasim Han, giáo sư quan hệ quốc tế của Đại học Altinbas tại Istanbul nhận định, ngay cả khi Thái tử Mohammed giữ nguyên quyền lực, Ankara vẫn có thể giành được nhiều thứ sau vụ khủng hoảng Khashoggi. Trong số các lợi ích nhiều khả năng bao gồm cả hỗ trợ tài chính từ nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, được Washington miễn trừ trong các lệnh trừng phạt mới với Iran hoặc bình thường hóa quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Ai Cập và các đồng minh khác của Saudi.