• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vụ tài xế Mercedes đâm chết 2 người ở hầm Kim Liên: Nồng độ cồn cao vượt ngưỡng xử phạt cao nhất

Tin tổng hợp 01/05/2019 18:44

(Tổ Quốc) - Luật sư cho rằng cần phải xử lý những người dùng chất kích thích mà vẫn tham gia giao thông gây tai nạn ở tội "cố ý gây thương tích" hoặc gây ra chết người thì xử theo tội danh "giết người".

Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đang tạm giữ Lê Trung Hiếu (SN 1980, trú tại phố Văn Cao, quận Ba Đình) lái xe Mercedes GLA 250 gây tai nạn ở hầm Kim Liên đêm 30/4 khiến 2 phụ nữ tử vong.

Tại cơ quan công an, Hiếu khai nhận tối đó, anh ta đi dự họp lớp ở một quán bia trên phố Thợ Nhuộm và có uống 6 chai bia, một ít rượu. Sau tiệc, Hiếu vẫn lái xe đưa một số người bạn về nhà bình thường rồi đến khi đi tới hầm Kim Liên thì gây tai nạn.

Vụ tài xế Mercedes đâm chết 2 người ở hầm Kim Liên: Nồng độ cồn cao vượt ngưỡng xử phạt - Ảnh 1.

Lái xe Lê Trung Hiếu (Ảnh: Người lao động)

Anh ta cũng cho biết đã lái xe ô tô từ năm 2006 đến nay là 13 năm.

Sáng 1/5, Ban ATGT Hà Nội có báo cáo nhanh về kết quả kiểm tra nồng độ cồn của tài xế là là 0,751 mg/l khí thở, tức là vượt cả mức phạt cao nhất với lái xe có vi phạm nồng độ cồn trong hơi thở.

Cụ thể, theo luật thì mức xử phạt dành cho tài xế có nồng độ cồn, mức cao nhất là phạt tiền từ 16 đến 18 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 4-6 tháng đối với người điều khiển xe mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 mg/l khí thở.

Thời gian gần đây, tình trạng các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra mà nguyên nhân do tài xế sử dụng chất kích thích như rượu bia, ma tuý tăng cao đã gây sợ hãi cho rất nhiều người tham gia giao thông.

Chia sẻ về vụ tai nạn ở hầm Kim Liên nói riêng và thực trạng các vấn đề về TNGT nói chung trên trang Pháp luật plus, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng VPLS Nguyễn Anh, đoàn Luật sư TP Hà Nội chia sẻ quan điểm cần điều chỉnh luật.

Vụ tài xế Mercedes đâm chết 2 người ở hầm Kim Liên: Nồng độ cồn cao vượt ngưỡng xử phạt - Ảnh 2.

Chiếc xe gây tai nạn đêm 30/4 (Ảnh: Facebook)

Cụ thể, theo LS Thơm cần sửa đổi Luật hình sự, trong đó xếp nhóm hành vi sử dụng rượu bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ thuộc nhóm hành vi lỗi cố ý gián tiếp theo Khoản 2 Điều 10 Bộ luật Hình sự năm 2015 "Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra".

Điều này buộc những người tham gia giao thông nhận thức được mức độ nghiêm trọng có thể xảy ra nếu sử dụng các chất kích thích như rượu bia, ma tuý dẫn tới mất kiểm soát khả năng nhận thức.

Khi đó, người điều khiển hành vi mà gây ra hậu quả nghiêm trọng thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với lỗi cố ý.

Hậu quả gây thương tích từ 11% trở lên thì xem xét ở tội danh "cố ý gây thương tích" hoặc gây ra chết người thì xử theo tội danh "giết người".

Bên cạnh đó, luật sư Thơm cũng cho rằng mức xử phạt tối đa trong giao thông đường bộ đối với cá nhân là 40 triệu đồng, tước bằng lái 22-24 tháng là chưa đủ sức răn đe, cần tăng nặng.

"Ngoài ra, cần sửa đổi bổ sung Luật xử phạt vi phạm hành chính quy định trường hợp tước bằng lái xe vĩnh viễn hoặc buộc học lại luật giao thông, kể cả buộc phải thi cấp bằng lái xe mới khi tham gia giao thông sử dụng rượu bia, chất kích thích. Nếu tái phạm nhiều lần mà không có khả năng giáo dục, nhận thức chấp hành luật giao thông thì tước bằng lái xe vĩnh viễn" - LS Thơm chia sẻ.

(Tổng hợp)


Minh Huyền

NỔI BẬT TRANG CHỦ