• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vụ trường quốc tế ở Đà Nẵng bị phụ huynh tố “lạm thu”, kiện ra tòa: Tòa bác đơn khởi kiện, phụ huynh cho rằng “không thỏa mãn”

Thời sự 04/06/2020 15:38

(Tổ Quốc) - Liên quan đến việc "Phụ huynh tố tình trạng "lạm thu" tại trường Quốc tế Singapore Đà Nẵng", sau đó phụ huynh khởi kiện Chi nhánh Công ty Cổ phần KinderWorld Việt Nam – đơn vị quản lý, điều hành trường này (Báo điện tử Tổ Quốc đã có nhiều bài thông tin), trong hai ngày 3-4/6, TAND quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đã mở phiên tòa dân sự xét xử.

Theo nội dung đơn kiện của ông Nguyễn Văn Tuấn (trú quận Hải Châu, Đà Nẵng), con trai ông Tuấn là cháu B. đã theo học tại Trường quốc tế Singapore tại Đà Nẵng (chi nhánh công ty CP Kinderworld Việt Nam, sau đây gọi tắt là công ty) từ cấp mẫu giáo. Đến năm 2019, cháu B. bước vào cấp tiểu học là trường tiểu học và trung học cơ sở quốc tế Việt Nam Singapore tại Đà Nẵng. Hai ngôi trường này có sự liên kết với nhau về một số chương trình giáo dục. Với mong muốn cháu B. được học tập trong một môi trường giáo dục tốt nên ông Tuấn đã quyết định lựa chọn ngôi trường này để cháu theo học cho đến hết cấp 3 vì hiện tại hai anh chị của cháu cũng đang theo học tại đây.

Ngày 26/5/2019, ông Tuấn đã ký hai loại văn bản về cung cấp dịch giáo dục do công ty soạn sẵn để đăng ký nhập học cho cháu B. Trong đó, đối với văn bản của Trường quốc tế Singapore tại Đà Nẵng ban hành có nội dung đề cập đến các khoản phí bắt buộc, gồm các mục: Phí kiểm tra đầu vào, phí ghi danh, phí đặt cọc, học phí, phí giữ chỗ…; trong đó, phí đặt cọc là 8 triệu đồng, học phí là hơn 220 triệu đồng/năm…

Phí đặt cọc này chỉ được nhà trường thanh toán sau 90 ngày kể từ ngày thông báo thôi học, có nghĩa là ông Tuấn chỉ được nhận lại khoản phí đặt cọc này khi cháu B. chấm dứt việc học tập tại đây là lớp 12 theo như mong muốn của gia đình.

Nhận thấy khoản phí đặt cọc là khoản phí được thu không đúng quy định của pháp luật trong lĩnh vực giáo dục riêng và quy định trong bộ luật dân sự nói chung, nhưng do trước đó ngày 15/5/2019 ông Tuấn đã nộp đủ số tiền phí và học phí theo thông báo của công ty. Vì vậy, khi công ty này gửi thông báo đăng ký nhập học, ông Tuấn đã ghi ý kiến là không đồng ý với khoản phí đặt cọc đằng sau văn bản mà phía công ty ban hành.

Ngay sau đó, vào ngày 30/5/2019 ông Tuấn đã có đơn khiếu nại gửi tới UBND TP. Đà Nẵng, Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng, Thanh tra Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng để khiếu nại về khoản phí đặt cọc này.

Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng đã có văn bản trả lời đơn của ông Tuấn. Tại văn bản này Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng cho rằng đây là thỏa thuận dân sự giữa phụ huynh và công ty Công ty Cổ phần KinderWorld Việt Nam, đồng thời đề nghị công ty làm việc với phụ huynh để giải quyết dứt điểm vụ việc và báo cáo kết quả làm việc để Sở GD&ĐT biết vào trước ngày 31/7/2019.

Sau đó vào các ngày 28/6/2019 và ngày 4/7/2019 phía công ty đã có thư mời riêng cá nhân ông Tuấn đến để trao đổi. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, thời gian được mời đều rất gấp và ông này đã có thư là yêu cầu có một cuộc họp có đầy đủ các phụ huynh hoặc đại diện nhóm cha mẹ học sinh nhưng công ty đã cố tình không tổ chức.

Bất ngờ, ngày 24/7/2019 và ngày 29/7/2019 phía công ty đã ra thông báo cho rằng nếu ông Tuấn không chấp nhận khoản tiền đặt cọc này thì công ty không cung cấp dịch vụ giáo dục cho con ông Tuấn (có nghĩa là con ông Tuấn sẽ không được học tại ngôi trường này vào năm học 2019 - 2020) và sẽ hoàn lại toàn bộ số tiền học phí và các khoản phí khác đã đóng; đồng thời yêu cầu ông Tuấn phải làm đơn xin rút tiền và cung cấp số tài khoản để phía công ty chuyển trả; hành xử theo kiểu như hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.

Vụ trường quốc tế ở Đà Nẵng bị phụ huynh tố “lạm thu”, kiện ra tòa: Tòa bác đơn khởi kiện, phụ huynh cho rằng “không thỏa mãn”  - Ảnh 1.

Trường quốc tế Singapore tại Đà Nẵng.

Theo ông Tuấn, việc phía công ty đơn phương ra thông báo chấm dứt việc cung cấp dịch vụ giáo dục cho con ông này như vậy là rất thiếu thiện chí và mang tính áp đặt, trong khi đây là một thỏa thuận dân sự, ông Tuấn có quyền được yêu cầu công ty phải làm rõ, căn cứ vào đâu để công ty thu khoản phí này mà cho rằng đây là khoản phí bắt buộc. Bản thân ông Tuấn vẫn mong muốn cho con mình được tiếp tục học tại đây nên mới cần làm rõ khoản phí đặt cọc chứ không phải ông này đồng ý chấm dứt hợp đồng với phía công ty, chính vì vậy ông Tuấn đã không đồng ý ký vào đơn xin rút tiền mà phía công ty đưa ra.

Sau khi nhận được thông báo ngưng việc cung cấp dịch vụ giáo dục cho con ông Tuấn, thì ông này hoàn toàn bất ngờ về cách hành xử này và ngay lập tức phải xin cháu B. sang học một ngôi trường khác vì không thể chậm trễ hơn được nữa khi hạn tuyển sinh của các trường đã không còn.

Sau đó, phía công ty đã nhiều lần chuyển tiền lại cho ông Tuấn nhưng ông này không chấp nhận. Ông Tuấn đề nghị tòa xem xét buộc công ty tiếp tục thực hiện cung cấp dịch vụ giáo dục cho cháu B. trong năm học 2019 – 2020; hoàn trả tiền phí đặt cọc 8 triệu đồng; bồi thường thiệt hại số tiền 299 triệu đồng do hành vi ngưng cung cấp dịch vụ giáo dục khiến cháu B. phải học trường khác. Đồng thời yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần cho ông Tuấn và cháu B.; buộc công ty xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Về phía bị đơn, đại diện nhà trường cho rằng, khoản phí 8 triệu đồng bắt buộc là tiền để đảm bảo nghĩa vụ tài chính phát sinh, đề phòng trong quá trình học tập, học sinh làm hư hỏng trang thiết bị của nhà trường và số tiền này sẽ hoàn trả cho phụ huynh khi kết thúc hợp đồng.

Vụ trường quốc tế ở Đà Nẵng bị phụ huynh tố “lạm thu”, kiện ra tòa: Tòa bác đơn khởi kiện, phụ huynh cho rằng “không thỏa mãn”  - Ảnh 2.

Phiên tòa dân sự “Yêu cầu tiếp tục cung ứng dịch vụ; Đòi lại tiền cọc và yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Tuấn và bị đơn là Cty CP KinderWord Việt Nam.

Sau khi nghe các bên trình bày, qua xem xét toàn bộ tài liệu có tại hồ sơ, HĐXX thấy rằng việc ký văn bản về cung cấp dịch vụ giáo dục giữa ông Tuấn và công ty là thỏa thuận dân sự do ý chí tự nguyện giữa ông Tuấn với trường. Khi ký kết các điều khoản, điều này phù hợp với nội dung công văn ngày 17/7/2019, trước khi cháu B. nhập học, bà Phạm Anh Thư (mẹ cháu B.) đã ký cam kết chấp nhận các điều kiện nhập học và các khoản tiền mà phụ huynh phải chi trả cho việc học tập của con mình trong suốt quá trình học tập tại trường. Nhằm đảm bảo kịp thời chi trả các nghĩa vụ tài chính phát sinh trong quá trình học của học sinh. Số tiền đặt cọc này sẽ được hoàn trả lại cho phụ huynh, sau khi học sinh thôi học tại trường, sau thực hiện các nghĩa vụ tài chính.

Đối với yêu cầu của ông Tuấn buộc yêu cầu công ty tiếp tục cung cấp dịch vụ giáo dục. Tuy nhiên, theo các văn bản bà Thư ký với công ty thì công ty đã gửi thông báo nhập học, ông Tuấn đã ký đơn không đồng ý. Ông Tuấn gửi đơn tới các cơ quan chức năng thành phố để khiếu nại về số tiền đặt cọc nên việc ký kết các văn bản giữa gia đình ông Tuấn và công ty chưa được thực hiện nên yêu cầu của ông Tuấn buộc công ty tiếp tục cung cấp dịch vụ giáo dục là không có căn cứ để xét nhận.

Bên cạnh đó, sau khi chấm dứt việc học của cháu B., công ty đã nhiều lần chuyển lại số tiền ông Tuấn đã nộp cho nhà trường nhưng ông Tuấn không chấp nhận và chuyển trả lại nên việc ông Tuấn yêu cầu công ty đòi lại tiền đặt cọc, bồi thường tiền tổn thất và buộc công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng là không cơ sở để xác nhận.

Từ những nhận định trên, HĐXX tuyên bác đơn khởi kiện yêu cầu tiếp tục cung ứng dịch vụ, đòi lại tiền cọc và yêu cầu bồi thường tiền thiệt hại hợp đồng của ông Nguyễn Văn Tuấn với Công ty cổ phần KinderWorld Việt Nam.

Sau khi phiên tòa kết thúc, ông Tuấn cho biết sẽ làm đơn kháng cáo.

"Tôi nhận thấy việc Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận đơn khởi kiện của tôi là không thỏa mãn các căn cứ pháp lý theo quy định của pháp luật, chính điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi nói riêng và môi trường giáo dục nói chung", ông Tuấn chia sẻ sau phiên tòa.


Phúc An

NỔI BẬT TRANG CHỦ