• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xu hướng ứng phó dịch bệnh của Mỹ và châu Âu sau khi Washington mở cửa biên giới

Thế giới 11/11/2021 13:20

(Tổ Quốc) - Mỹ và châu Âu đang định hướng các quy định khác biệt trong nỗ lực ứng phó dịch bệnh vào thời gian tới.

Theo hãng CNN, hồi tháng Chín, khi Nhà Trắng đang chuẩn bị kế hoạch chuẩn bị đón khách du lịch châu Âu đến Mỹ, Washington đã chứng kiến số ca mắc tăng rất cao, hơn cả châu Âu.

Xu hướng ứng phó dịch bệnh của Mỹ và châu Âu sau khi Washington mở cửa biên giới - Ảnh 1.

Người dân Đức chờ tiêm vaccine trong bối cảnh số ca mắc tăng mạnh. Ảnh: CNN

Ở thời điểm đó, chính phủ các nước châu Âu đang vạch ra lộ trình thiết lập cuộc sống bình thường mới trong khi Mỹ xuất hiện rất nhiều ca mắc mới và cảnh báo về áp lực gia tăng đối với các bệnh viện.

Cho đến ngày 8/11, Mỹ bắt đầu mở cửa trở lại biên giới trên bộ và hàng không đối với hành khách nước ngoài đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19. Các quy tắc mới có hiệu lực và hàng nghìn khách du lịch châu Âu đã vượt Đại Tây Dương đến các thành phố của Mỹ, đánh dấu mốc thay đổi đáng kể vào thời điểm này.

Gần đây, châu Âu một lần nữa lại là tâm chấn của đại dịch Covid-19, vượt qua số ca mắc Covid-19 của Mỹ vào cuối tháng 10 và dường như đang phải chuẩn bị cho một mùa Đông khó khăn hơn. Các ca mắc tiếp tục tăng lên ở hầu hết các quốc gia châu Âu thuộc khu vực Schengen – khối 26 quốc gia này đã được Mỹ nới lỏng quy định đi lại. Du khách đến từ Anh và Ireland cũng nằm trong chính sách thay đổi của Mỹ.

Tuần trước, Giám đốc khu vực của Tổ chức Y tế thế giới – ông Hans Kluge cho biết tốc độ lây nhiễm khắp khu vực "rất đáng lo ngại".

"Theo một dự báo đáng tin cậy, nếu chúng ta tiếp tục đi theo quỹ đạo này thì có thể sẽ phải chứng kiến thêm khoảng 500 ca tử vong vì Covid-19 ở châu Âu và Trung Á tính đến đầu tháng 2 năm sau", ông Kluge nhận định.

Theo các chuyên gia, làn sóng dịch bệnh hiện tại ở châu Âu không gây ra tỷ lệ tử vong cao giống với thời điểm đỉnh dịch của Mỹ vào mùa hè vừa qua. Tuy nhiên, đây được xem là cảnh báo về tính chu kỳ của đại dịch.

Một số lưu ý khác là thành công tương đối của các quốc gia đã áp dụng tiêm chủng tỷ lệ cao như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha – nơi các ca bệnh vẫn ở mức độ có thể kiểm soát bất chấp xu hướng lây nhiễm tăng trên toàn châu lục.

"Tình trạng này xảy ra ở nhiều quốc gia là điều không tránh khỏi. Chúng ta cần theo dõi những gì đang xảy ra và các chính sách ứng phó với dịch bệnh có ảnh hưởng ra sao", ông Martin McKee – Giáo sư y tế công cộng châu Âu tại Trường Vệ sinh Dịch tễ và Y học nhiệt đới London nói.

Rào cản tiêm chủng

Chương trình triển khai vaccine ở Mỹ đã vượt qua châu Âu từ những tháng đầu tiên, tuy nhiên, đến mùa hè vừa qua cả hai khu vực đều đã khá ổn định khi tỷ lệ tiêm vaccine của EU được đẩy mạnh. Hiện tại cả Mỹ và EU đều đang tập trung thực hiện các biện pháp khuyến khích người dân chưa tiêm chủng tham gia tiêm phòng đầy đủ.

Trong họp báo Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh việc chưa tiêm phòng có thể gây ra "rất nhiều thiệt hại".

"Chính những người không tiêm chủng đang khiến cho bệnh viện quá tải, áp lực cao đối với phòng cấp cứu và khu vực chăm sóc đặc biệt. Những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, hay ung thư đang thiếu phòng điều trị cũng vì điều này", Tổng thống nhấn mạnh hồi tháng Chín.

Mặt khác, một số chính phủ của các nước châu Âu cũng bắt đầu thể hiện lập trường cứng rắn hơn với người chưa tiêm chủng. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nhấn mạnh, Đức tháng này đang trải qua "một đại dịch khủng khiếp cho những người chưa tiêm chủng".

"Các phòng chăm sóc đặc biệt sẽ giảm tải hơn nếu tất cả người dân cùng tiêm phòng đầy đủ. Ngày càng phải công nhận rằng chính những người đang do dự với vaccine đã khiến những người khác rơi vào tình thế nguy hiểm", ông Jens Spahn nói thêm.

"Khác biệt văn hóa"

Kể từ khi lên nắm chính quyền, Tổng thống Biden vẫn duy trì nhất quán quy định đeo khẩu trang với người dân Mỹ. Và quan điểm này đã nảy sinh các bất đồng ở Mỹ. Trong khi đó, châu Âu đã tránh được các mâu thuẫn như vậy. Các chuyên gia nhận định, người dân không xem việc đeo khẩu trang là vi phạm quyền tự do cá nhân. Có lẽ đó là sự khác biệt văn hóa.

Tại một số quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao như Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha hiện đã nới lỏng các quy tắc đeo khẩu trang và chỉ áp dụng trong một số trường hợp nhất định. Một số quốc gia khác như Anh và Đan Mạch đã hủy bỏ quy tắc này và trao quyền tự quyết cho người dân.

Các quy tắc đi lại ở châu Âu đã nới lỏng gần đây và nhiều quốc gia đã dỡ bỏ hạn chế tụ tập. Tuy nhiên, các chuyên gia đang cảnh báo số ca mắc tăng có thể khiến các biện pháp này sẽ được áp dụng trở lại.

Nhiều quốc gia châu Âu như Pháp, Italy và Đức đã áp dụng hộ chiếu vaccine và chứng chỉ kỹ thuật số do EU quy định trước khi khách muốn vào quán bar, hộp đêm hay nhà hàng.

Mỹ không áp dụng theo cách EU triển khai. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden đã siết chặt quy định tiêm chủng cho nhân viên ở công ty, quy định doanh nghiệp tư nhân phải đáp ứng tiêm chủng cho nhân viên, hạn chót là ngày 4/1/2022.

"Tiêm chủng vaccine là cách tốt nhất để vượt qua đại dịch. Vì vậy, tôi phải đặt ra yêu cầu như vậy bởi quá nhiều người vẫn chưa hề tiêm chủng", Tổng thống Biden nói trong một tuyên bố./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ