• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thắng nhờ chiến thuật và chỉ số Fair play, tại sao lại chỉ trích Nhật Bản?

Thể thao 29/06/2018 08:03

(Tổ Quốc) -Đội tuyển Nhật Bản đang phải hứng chịu vô số chỉ trích từ việc giành quyền đi tiếp nhờ lối đá thực dụng và chỉ số Fair play.

Ở lượt trận cuối cùng của bảng H VCK World Cup 2018, đại diện còn lại của Châu Á là Nhật Bản đã có cuộc chạm trán với ĐT Ba Lan, trong khi đó, Colombia đối đầu với Senegal. Đối với đại diện đến từ xứ sở mặt trời mọc mà nói, cơ hội giành quyền đi tiếp của họ là rất lớn nếu họ giành chiến thắng trước Ba Lan.

Tuy nhiên, mọi chuyện đã không trở nên quá dễ dàng đối với ĐT Nhật Bản. Sau 45 phút đầu thi đấu song phẳng với đối thủ, ĐT Nhật Bản bất ngờ phải nhận bàn thua ở phút 59, trong một tình huống hàng phòng ngự mắc sai lầm nghiêm trọng. Điều này khiến vị trí của Nhật Bản ngay lập tức bị lung lay khi rơi xuống vị trí thứ 3 trên BXH.

Những tính toán và chiến thuật trong 10 phút cuối trận không phải "thương hiệu" của Nhật Bản

Nhưng may thay, ở trận đấu cùng giờ, Colombia đã đánh bại Senegal với tỷ số 1-0, qua đó trực tiếp tiễn Senegal về nhà, đồng thời giúp Nhật Bản vươn lên vị trí thứ 2. Một điều đặc biệt trong tình huống này là Nhật Bản có cùng số điểm và cùng hiệu số với Senegal trên bảng xếp hạng. Theo quy định của FIFA, nếu các thông số của hai đội bằng nhau, một thông số đặc biệt khác sẽ được sử dụng để so sánh chính là thông số Fair play. Nếu xét về thông số này, Nhật Bản đang có -4 (tương đương với 4 thẻ vàng), trong khi đó Senegal là -6 (tương đương với 6 thẻ vàng). Do vậy, Nhật Bản giành quyền đi tiếp với vị trí thứ 2.

Tưởng chừng mọi chuyện sẽ kết thúc, nhưng sau trận đấu này, Nhật Bản đang phải nhận chỉ trích nặng nề khi trong những phút cuối của hiệp 2, đại diện của Châu Á đã trình diễn lối chơi thực dụng khi chơi “bóng ma” và không hề có ý định tấn công, hạn chế phạm lỗi nhằm bảo toàn tỉ số.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, ngay sau khi nhận được thông tin Colombia ghi bàn vào lưới Senegal ở phú 74, dưới sự chỉ đạo của HLV Nishino, Nhật Bản nhanh chóng thiết lập thế trận phòng ngự, tạo ra một tình huống khá buồn cười trong hơn 10 phút cuối trận khi một đội đang bị dẫn bàn lại chơi “bóng ma” câu giờ và mong trận đấu sớm kết thúc.

Phải chăng dư luận đang quá khắt khe với Nhật Bản?

Dưới con mắt của nhiều người, Nhật Bản đã thể hiện một lối chơi “cù nhầy”, biến trận đấu trở thành một “thảm họa thực sự”. Và các cầu thủ Nhật Bản đã làm mất đi sự nổi tiếng về tinh thần, trách nhiệm và chất võ sĩ đạo với cái cách mà họ làm mọi trò xấu để bảo vệ thành quả.

Thế nhưng, hãy nhìn vào thực tế, lối đá câu giờ, bảo toàn tỉ số hay việc tăng cường phòng thủ không phải “thương hiệu” riêng của Nhật Bản. Cần phải khẳng định, đây là sự tính toán và là một trong vô vàn chiến thuật đã và đang được áp dụng trong bóng đá hiện tại. Ngay tại vòng bảng VCK World Cup 2018 đã có không ít đội áp dụng chiến thuật câu giờ hay phòng ngự, thay đổi nhân sự nhằm đạt được mục đích của mình.

Gần đây nhất tại lượt trận thứ 3 vòng bảng VCK World Cup 2018 giữa ĐT Pháp và ĐT Đan Mạch vào ngày 26/06 vừa qua, khi cả hai đối thủ đều đã giành quyền đi tiếp thì thế trận giữa hai đội như thế nào? Một trận đấu hòa hoãn, không quá sôi nổi. Và khán giả có la ó, có mắng hét trên khán đài không? Câu trả lời là có. Và trận đấu kết thúc với tỉ số hòa 0-0, hai đội dắt tay nhau đi tiếp, cầu thủ bảo toàn sức lực, HLV đạt được tính toán của mình. Hết!

Hay như lượt trận cuối cùng của bảng G giữa tuyển Anh và tuyển Bỉ, khi cả hai ông lớn này cũng đã có được tấm vé đi tiếp, thì hai HLV trưởng của hai đội có những tính toán để “xoay tour” đội hình, đảm bảo nhân sự cho lượt trận sau không? Câu trả lời là có!

HLV Nishino hiểu rõ một điều rằng, chỉ cần một kết quả thua tối thiểu, Nhật Bản sẽ đi tiếp nhờ hiệu số Fair play. Đó là sự tính toán! Hiệu số Fair play được đặt ra để làm gì nếu không sử dụng đến nó? Ngẩng cao đầu trở về làm gì nếu như Nhật Bản bung sức ra đá, quẳng luôn lợi thế của mình ra ngoài đường pitch để rồi trở về với tư cách là một đội bị loại? Hãy nhìn xem, CĐV Nhật Bản có quan tâm đến cái cách mà đội bóng của họ giành chiến thắng không hay họ đang ăn mừng vì lọt vào vòng 16?

Có phải chăng, chỉ vì danh hiệu “Samurai” mà Nhật Bản đã bị đánh giá một cách quá khắt khe hay không? Nếu đúng là vậy thì có lẽ, dư luận đã quá nặng nề với đại diện duy nhất của Châu Á mất rồi!

Bạch Dương

NỔI BẬT TRANG CHỦ