(Tổ Quốc) - Xin giới thiệu ba bài thơ của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến "Tổ quốc là tiếng mẹ"; "Tổ quốc ở Trường Sa"; "Tổ quốc nhìn từ biển".
Nhân dịp ca khúc “Tổ quốc là tiếng mẹ” do nhạc sĩ Văn Phượng phổ thơ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến vừa được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải B tại Liên hoan Âm nhạc khu vực Nam Trung bộ ở Tp. Đà Nẵng tháng 7/2017, xin giới thiệu lại bài thơ trong tập thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” (NXB Phụ nữ, 2015) của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến- đây là tập thơ được Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải thưởng Thơ năm 2016, cùng 2 bài thơ khác được các nhạc sĩ phổ nhạc từ thơ ông và từng nhận được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến |
Tổ quốc là tiếng mẹ
Tổ quốc là tiếng mẹ
Ru ta từ trong nôi
Qua nhọc nhằn năm tháng
Nuôi lớn ta thành người
Tổ quốc là mây trắng
Trên ngút ngàn Trường Sơn
Bao người con ngã xuống
Cho quê hương mãi còn
Tổ quốc là cây lúa
Chín vàng mùa ca dao
Như dáng người thôn nữ
Nghiêng vào mùa chiêm bao
Tổ quốc là ngọn gió
Trên đỉnh rừng Vị Xuyên
Phất lên trong máu đỏ
Bao anh hùng không tên
Tổ quốc là sóng mặn
Trên cồn cào biển Đông
Cát Hoàng Sa ghi hận
Đá Trường Sa tạc lòng
Tổ quốc là tiếng trẻ
Đánh vần trên non cao
Qua mưa ngàn, lũ quét
Mắt đỏ hoe đồng dao
Tổ quốc là câu hát
Chảy bao miền sông quê
Quan họ rồi ví dặm
Nước non xưa vọng về
Tổ quốc là tiếng mẹ
Trải bao mùa bão giông
Thắp muôn ngọn lửa ấm
Trên điệp trùng núi sông
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến bên cột mốc chủ quyền ở đảo Trường Sa lớn (ảnh vanvn) |
2. Ca khúc “Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra” do nhạc sĩ Văn Phượng phổ nhạc bài thơ “Tổ quốc ở Trường Sa” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã đoạt giải A tại Liên hoan âm nhạc các tỉnh phía Nam (tháng 3/2013) do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức và Giải Ba giải thưởng hằng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2013).
Tổ quốc ở Trường Sa
Tưởng nhớ những người con đã hy sinh vì biển đảo của Tổ quốc
Các anh đứng như tượng đài quyết tử
Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra
Dòng máu Việt chảy trong hồn người Việt
Đang bồn chồn thao thức với Trường Sa.
Khi hy sinh ở đảo đá Gạc Ma
Anh đã lấy ngực mình làm lá chắn
Để một lần Tổ quốc được sinh ra
Máu các anh thấm vào lòng biển thẳm.
Cờ Tổ quốc phất lên trong mưa đạn
Phút cuối cùng đảo đá hóa biên cương
Anh đã lấy thân mình làm cột mốc
Chặn quân thù trên biển đảo quê hương.
Anh đã hóa cánh chim muôn dặm sóng
Hướng về nơi đất mẹ vẫn mong chờ
Nếu mẹ gặp cánh chim về từ biển
Con đấy mà, mẹ đã nhận ra chưa!
Có nơi nào như Đất nước chúng ta
Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ
Khi giặc đến vạn người con quyết tử
Cho một lần Tổ quốc được sinh ra
Biển mùa này sóng dữ phía Hoàng Sa
Các con mẹ vẫn ngày đêm bám biển
Mẹ Tổ quốc vẫn luôn ở bên ta
Như máu ấm trong màu cờ nước Việt
Biển Tổ quốc đang cần người giữ biển
Máu ngư dân trên sóng lại chan hòa
Máu của họ ngân bài ca giữ nước
Để một lần Tổ quốc được sinh ra
Việt Nam ơi! dưới bão táp mưa sa
Người thắp sáng một niềm tin bền bỉ
Những giếng dầu trụ vững giữa khơi xa
Dầu là máu thắp trên thềm lục địa
Sớm mai này nắng ấm ở Trường Sa
Tiếng gà gáy bình yên trên ngực đảo
Tiếng trẻ nhỏ đến trường nơi sóng bão
Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra
3. Ca khúc “Tổ quốc nhìn từ biển” được nhạc sĩ Quỳnh Hợp (TP. Hồ Chí Minh) phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã đoạt giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Hợp xướng “Tổ quốc nhìn từ biển” của nhạc sĩ Đào Hữu Thi (Hà Nội) phổ thơ Nguyễn Việt Chiến cũng đoạt giải Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2011.
Tổ quốc nhìn từ biển
Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn
Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không?
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo
Lạc Long cha nay chưa thấy trở về
Lời cha dặn phải giữ từng thước đất
Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi
Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể
Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù
Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ
Thương Hòn Mê bão tố phía âm u
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích
Những đau thương trận mạc đã qua rồi
Bao dáng núi còn mang hình goá phụ
Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm hoạ
Đã mười lần giặc đến tự biển Đông
Những ngọn sóng hoá Bạch Đằng cảm tử
Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng
Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo
Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn
Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy
Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân
Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình
Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước
Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi.