(Tổ Quốc) - Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Thanh âm hy vọng"; Cấp giấy phép hoạt động cho bảo tàng ngoài công lập; Phong tặng danh hiệu Nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể là những thông tin văn hóa nổi bật tại các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh.
- 04.07.2020 Xúc động và ý nghĩa trong chương trình nghệ thuật ''Tiếng gọi non sông'' nhằm tri ân các anh hùng, thương binh, liệt sĩ
- 02.07.2020 Tìm thấy nhiều hiện vật quý thuộc văn hóa Đông Sơn tại Di chỉ Vườn Chuối
- 02.07.2020 Ra mắt dự án "Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam"
- 01.07.2020 Chương trình nghệ thuật "Tiếng gọi non sông": Tri ân các anh hùng, thương binh, liệt sĩ
Hà Nội: Ngày 4/7, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm), Ban Quản lý phố cổ Hà Nội phối hợp với Câu lạc bộ Đình làng Việt tổ chức chương trình nghệ thuật "Thanh âm hy vọng".
Điểm đặc biệt của chương trình nghệ thuật "Thanh âm hy vọng" là các thành viên tham gia biểu diễn đều là nghệ sĩ khiếm thị trong nhóm Hy vọng.
Nhóm Hy vọng tập hợp những nghệ sĩ khiếm thị tài năng chuyên về nhạc cụ dân tộc được đào tạo bài bản tại Nhạc viện Hà Nội. Họ chịu nhiều thiệt thòi so với người sáng mắt, mỗi nghệ sĩ khiếm thị đều là một tấm gương về nghị lực phi thường trong học tập và cuộc sống. Nhóm đã có rất nhiều buổi biểu diễn thành công cả ở trong nước lẫn nước ngoài, góp phần giới thiệu và quảng bá nét đẹp của âm nhạc cổ truyền Việt Nam.
Tại chương trình, các nghệ sĩ đã giới thiệu một số loại hình âm nhạc dân gian được biểu diễn bằng các nhạc cụ dân tộc như chèo, quan họ, chầu văn, nhã nhạc cung đình Huế; một số tác phẩm mang âm hưởng dân gian, cũng như một số tác phẩm đương đại. Ngoài ra, còn có phần trò chuyện, giao lưu giữa nhóm Hy vọng và các thành viên của Đình làng Việt.
"Thanh âm hy vọng" là chương trình biểu diễn ý nghĩa nhằm mục đích quảng bá âm nhạc truyền thống và nhạc cụ truyền thống Việt Nam, lan tỏa tình yêu với văn hóa dân tộc. Tôn vinh tài năng và nghị lực của những nghệ sĩ khiếm thị của nhóm Hy vọng, truyền cảm hứng cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Đồng thời kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng với các nghệ sĩ khiếm thị và gây quỹ ủng hộ để các nghệ sĩ có thể tiếp tục biểu diễn và phần nào bảo đảm cuộc sống.
Hải Phòng: UBND thành phố Hải Phòng vừa cấp giấy phép hoạt động cho bảo tàng ngoài công lập: Bảo tàng Văn hóa – Nghệ thuật Đông Dương, số 201, quốc lộ 5 mới, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng.
Bảo tàng có chức năng, nhiệm vụ: Sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, tu sửa, phục chế, trưng bày; nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống, bảo tồn và phát huy các tài liệu, hiện vật, các tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu của Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Bảo tàng Văn hóa – Nghệ thuật Đông Dương hoạt động theo quy định tại Thông tư số 18/2010/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng và các quy định, pháp luật khác có liên quan.
Bảo tàng Văn hóa – Nghệ thuật Đông Dương chịu sự quản lý nhà nước của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng và chính quyền địa phương nơi hoạt động
Bắc Ninh: UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Theo đó, ông Nguyễn Đăng Thăng (Nguyễn Quý Thăng) ở xã Mão Điền, huyện Thuận Thành và ông Nguyễn Văn Quyển ở khu Kim Đôi, phường Kim Chân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (trường hợp đặc biệt) và kèm theo số tiền thưởng bằng 7,0 lần mức lương cơ sở (tương ứng với hơn 10 triệu đồng).
Hai ông Nguyễn Văn Quyển và Nguyễn Đăng Thăng thuộc Nghệ nhân nắm giữ loại hình di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh, do vậy được hưởng thêm các chế độ theo quy định của UBND tỉnh Bắc Ninh.
Việc phong tặng danh hiệu nhằm tôn vinh các cá nhân có đủ phẩm chất đạo đức, có tài năng nghề nghiệp xuất sắc, có công gìn giữ, truyền dạy, có cống hiến to lớn cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh, trong đó, tiêu biểu là di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh.