(Tổ Quốc) - Trump và Obama đều đi theo chiến lược “tự thân vận động” đối với các quyết sách của mình – nhưng ai ra tay mạnh hơn?
Cuộc chiến pháp lý liên quan đến sắc lệnh cấm nhập cư và tạm dừng chấp nhận người tị nạn mà ông Trump “châm ngòi”, là một minh chứng sớm cho một bài học mà tất cả các đời Tổng thống Mỹ đều cần phải trả qua: việc điều hành đất nước bằng những quyết định mang tính hành pháp, bề ngoài có thể tỏ ra nhanh và dễ dàng hơn, nhưng bên trong, thực chất lại chứa đựng các rủi ro về pháp lý và chính trị.
Cuộc chiến pháp lý về sắc lệnh nhập cư
Một Thẩm phán liên bang tại Seattle hôm thứ Sáu (3/2) đã ra phán quyết ngăn chặn thi hành sắc lệnh cấm nhập cảnh của tân Tổng thống, áp dụng cho người dân đến từ 7 quốc gia Hồi giáo. Điều này cho thấy giới hạn đối với quyền lực của một Tổng thống Mỹ, cũng như vai trò của “kiểm soát và cân bằng” giữa 3 ngành (hành pháp, tư pháp và lập pháp) trong bộ máy chính quyền Mỹ. Chỉ sau đó một ngày, chính quyền ông Trump đã kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm số 9; tuy nhiên, Tòa Phúc thẩm này đã bác yêu cầu hoãn thi hành án – có thể cho phép ông Trump tái thực thi sắc lệnh cấm người nhập cư – được Bộ Tư pháp Mỹ đệ lên.
Sắc lệnh nhập cư của ông Trump vấp phải sự phản đối mạnh mẽ |
Khoảng 60.000 visa của người dân từ các quốc gia trong danh sách cấm đã bị Bộ Ngoại giao Mỹ hủy bỏ. Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất của cuộc đấu tranh pháp lý lại càng “thổi bùng” lên ngọn lửa khủng hoảng, khi nhiều người vội vã tìm cách có được giấy tờ nhập cảnh và đặt chuyến bay đến Mỹ trước khi mọi chuyện quay lại như những gì ông Trump mong muốn.
Tổng thống muốn "nắn gân" Quốc hội
Trump không phải là người duy nhất tìm cách tối đa hóa quyền hành pháp. Các Tổng thống hiếm khi tự nguyện kiểm chế quyền lực của mình. Các thời Tổng thống gần đây cũng đã bất ngờ thực thi các hành động đơn phương, nhằm đẩy cao tốc độ diễn biến trong thời kỳ đầu của nhiệm kỳ; đồng thời “nắn gân” Quốc hội – nơi quá trình lập pháp thường diễn ra khá chậm chạp.
Trong những tuần đầu tiên sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Trump cho thấy, ông đang muốn dựa vào một Quốc hội Mỹ với các thành viên Đảng Cộng hòa chiếm đa số, để thông qua các vấn đề quan trọng trong chính sách của mình, như xét lại Đạo luật Obamacare, thay đổi thuế và tiến hành sửa chữa hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông cũ kỹ…
Ngài Tổng thống cũng đã ký kết một loạt văn bản liên quan đến an ninh biên giới, chăm sóc ý tế, điều tiết tài chính… và dường như vẫn chưa hề có dấu hiệu “giảm tốc”.
Cuối tuần trước, sau nhiều tháng chỉ trích hiệp định hạt nhân với Iran đạt được dưới thời ông Obama, chính quyền mới rốt cuộc đã áp dụng các lệnh trừng phạt lên một số công ty và cá nhân, nhằm đáp trả cuộc thử nghiệm tên lửa mới nhất của quốc gia Trung Đông này.
Ông Trump chọn "hành động đơn phương" và lờ đi Quốc hội trong một số vấn đề |
Mặc dù vậy, những động thái của ông Trump được đánh giá là có phần vội vàng. Trong một số vấn đề, ông không chỉ “lờ đi” Quốc hội, mà thậm chí còn bỏ qua sự cố vấn và tham khảo từ chính những “cánh tay trợ giúp” trong Đảng Cộng hòa của mình.
“Tôi cho rằng ông Trump đã tỏ ra xông xáo một cách bất thường đối với những gì mình muốn làm; đồng thời cùng suy nghĩ một cách quá đơn giản khi đưa ra các chỉ thị và các hành động, mà không thông qua quá trình xem xét, cân nhắc và hiệu đính thông thường”, Kenneth Mayer, giáo sư đến từ Đại học Winconsin nhận xét.
Trump và Obama- ai "bạo tay" hơn?
Kể từ sau ngày nhậm chức, Tổng thống Trump đã đưa ra 20 bản ghi nhớ và sắc lệnh. Con số này tương tự với những gì ông Obama đã làm trong hai tuần đầu tiên của nhiệm kỳ. Một trong những văn bản của ông Trump đã trực tiếp đảo ngược một trong những văn bản đầu tiên của người tiền nhiệm Obama: Trong tuần đầu sau khi chính thức trở thành Tổng thống năm 2009, Obama đã ký một biên bản hủy bỏ lệnh cấm sử dụng ngân sách liên bang cho các tổ chức quốc tế tiến hành hoặc cung cấp thông tin về nạo phá thai. Tân Tổng thống Trump đã ban bố lại quy định này ngay trong ngày đầu tiên bước vào văn phòng tại Nhà Trắng.
Theo Mayer, việc Trump sử dụng quyền lực đơn phương có phần tương tự với tình hình những năm 1993, 2001 và 2009 – thời điểm Nhà Trắng thay đổi người điều hành. Tuy nhiên, vị giáo sư cũng lưu ý rằng, không một Tổng thống nào từng vấp phải sự phản đối mà ông Trump đã trải qua trong tuần trước. Tình trạng hỗn loạn tại các sân bay trên toàn nước Mỹ và làn sóng phản đối toàn cầu là những hệ quả trực tiếp từ sắc lệnh cấm nhập cư gây tranh cãi của tân Tổng thống.
Cả Trump và Obama đều ưa sử dụng quyền lực hành pháp của một Tổng thống |
Ông Trump tuyên bố nước Mỹ cần phải hành động nhanh và mạnh mẽ để giảm thiểu mối đe dọa đến từ tấn công khủng bố. Trong khi các tranh chấp luật pháp đang diễn ra, những nhóm lợi ích đã “thề rằng” họ sẽ làm mọi cách để ngăn cản những nỗ lực đơn phương của Tổng thống, nhằm phá vỡ các quy định về môi trường từng được gây dựng nên dưới thời ông Obama.
Trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, cựu Tổng thống Obama cũng đã dựa trên quyền lực hành pháp của mình không hề ít, đặc biệt dưới sức ép từ Đảng Cộng hòa. Khi Obama đưa ra quyết định bảo vệ hàng triệu người bất hợp pháp đang sống tại Mỹ không bị trục xuất vào năm 2014, Đảng Cộng hòa đã cáo buộc ông hành động trái pháp luật. Phát ngôn viên của Hạ viện Mỹ lúc bấy giờ, John Boehner thậm chí buộc tội Tổng thống của mình đang cư xử như một ông vua hay một vị hoàng đế.
Lần này, với quyền kiểm soát hoàn toàn tại Nhà Trắng và cả hai viện, dường như toàn bộ Đảng Cộng hòa đều “câm nín” trước cách Tổng thống Trump sử dụng quyền hành pháp. Một trường hợp ngoại lệ là Thượng Nghị sỹ John McCain – người từng tỏ thái độ phản đối khả năng áp dụng lại các hình thức tra tấn, trong đó có tra tấn bằng nước… của chính quyền mới. “Tổng thống có thể ký bất kỳ sắc lệnh nào mà ông ấy thích. Tuy nhiên, luật pháp là luật pháp. Chúng ta không thể đem hình thức tra tấn trở lại nước Mỹ”, ông McCain nói.
Thượng Nghị sỹ John McCain là một trường hợp hiếm hoi của Đảng Cộng hòa công khai bày tỏ sự không hài lòng với ông Trump |
Đảng Dân chủ tất nhiên thể hiện sự phản đối mạnh mẽ trước những đề xuất của ông Trump về luật chăm sóc sức khỏe, hệ thống ống dẫn dầu và bức tường biên giới...; cũng như cách tân Tổng thống đơn phương theo đuổi những quyết sách này.
“Những gì ông ấy [Trump] đang tiến hành đều đáng bị chỉ trích trong hầu hết trường hợp”, Steve Elmendorf, một chiến lược gia của Đảng Dân chủ nhận xét. Phong cách “tự thân vận động” của ông Trump, theo Elmendorf, sẽ “khiến Đảng dân chủ rất khó có thể làm việc cùng Tổng thống trong nhiều vấn đề”.
Ngay cả các thành viên trong Đảng Cộng hòa cũng tỏ ra băn khoăn trước sắc lệnh nhập cư của ông Trump. Thượng Nghị sỹ Lindsey Graham đến từ bang South Carolina cho rằng Tổng thống “đã không suy nghĩ kỹ càng” và sắc lệnh này là “một ví dụ kinh điển về việc đưa ra một thứ chưa sẵn sàng vào sai thời điểm.” Tuy nhiên, ông Graham cũng bào chữa, khởi đầu không mấy suôn sẻ của chính quyền mới, “không thấm tháp gì” khi so với cách cựu Tổng thống Obama sử dụng quyền lực hành pháp của mình. “Nhìn xem Obama đã làm những gì. Các sắc lệnh của ông ấy đều đã bị tòa án ngăn chặn. Tôi sẽ không nghe một đống người Dân chủ phàn nàn về Trump trong khi họ từng chỉ ngồi im, và không nói gì về Obama”, Graham nói.
(Theo AP)