• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hải trình thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1-12 (Bài 7): Những "anh nuôi" trên tàu KN491

Thời sự 11/06/2022 11:33

(Tổ Quốc) - Trong suốt hải trình thăm các quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1-12 kéo dài gần 10 ngày vào trung tuần tháng 5/2022 của Đoàn công tác số 7, có lẽ rằng, những "anh nuôi" ở trên tàu KN491 là lực lượng có công việc vất vả nhưng lại thầm lặng nhất.

Mỗi ngày chỉ được ngủ 4-5 tiếng

5 giờ sáng, tiếng báo thức của sĩ quan điều hành "toàn tàu thức giấc, thức giấc toàn tàu" phát ra từ hệ thống loa trên tàu KN491, đó cũng là lúc đoàn công tác của chúng tôi tỉnh giấc, bắt đầu một ngày mới đến thăm các chiến sĩ quần đảo Trường Sa.

Hải trình thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1-12 (Bài 7): Những "anh nuôi" trên tàu KN491 - Ảnh 1.

Bếp ăn là khu vực bận rộn nhất trên tàu KN491.

Thế nhưng, từ trước đó khoảng vài giờ đồng hồ, lúc mặt trời vẫn chưa ló rạng thì khu vực bếp ăn trên tàu đã sáng đèn, loảng xoảng tiếng xong nồi, chén bát, tiếng cười nói rộn ràng của các "anh nuôi" đang chuẩn bị bữa sáng cho gần 300 người.

Tay vẫn đang thoăn thoắt chia từng phần thức ăn vào khay, bếp trưởng tàu KN491 Trần Đăng Khoa vui vẻ cho biết, thông thường các buổi sáng tổ bếp sẽ dậy từ 3 giờ sáng để chuẩn bị bữa ăn sáng cho tất cả mọi người trên tàu. Thực phẩm đã được sơ chế từ 11 giờ đêm hôm trước, lúc tổ bếp dậy chỉ chế biến và trước lúc các đại biểu thức dậy buổi sáng khoảng 15 phút thì mọi thứ đã được chuẩn bị hoàn tất.

Trong suốt gần 10 ngày đi thăm các đảo quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1-12, mỗi ngày, các "anh nuôi" trên tàu gần như phải hoạt động liên tục để chuẩn bị 4 bữa ăn gồm: sáng, trưa, tối và đêm. Bếp trưởng Trần Đăng Khoa chia sẻ, đội ngũ phục vụ việc nấu ăn trên tàu chỉ 19 người, mỗi ngày các anh em chỉ ngủ được khoảng 4 tiếng, nhiều thì 5 tiếng.

"Do hành trình dài ngày trên biển và phải phục vụ các bữa ăn cho hàng trăm người nên ngay từ lúc còn trong đất liền, chúng tôi đã phải tính toán thực đơn kỹ để chuẩn bị số lượng thực phẩm đầy đủ, đảm bảo dinh dưỡng cho tất cả các thành viên của đoàn công tác. Thực phẩm sau khi đưa lên tàu được bảo quản ở tủ cấp đông trên tàu." - bếp trưởng Trần Đăng Khoa cho biết.

Do các đại biểu đi trên tàu đến từ nhiều miền khác nhau, khẩu vị cũng khác nhau nên ngay từ lúc chuẩn bị thực phẩm, các "anh nuôi" cũng phải nghiên cứu rất cụ thể để làm sao các bữa ăn có khẩu vị phù hợp nhất với mọi người.

"Ví dụ như người miền Bắc họ ăn thanh đạm, nhẹ nhàng và có vị chua, miền Trung ăn hơi mặn và cay, hay người Nam ăn ngọt, chúng tôi phải chuẩn bị các món ăn làm sao để dung hòa nhất với tất cả mọi người. Một điều phải luôn chú ý là thức ăn của các bữa ăn trong ngày không lặp lại để tránh nhàm chán" - bếp trưởng Trần Đăng Khoa chia sẻ.

Có những khi sóng lớn, thức ăn đã nấu xong đổ hết ra sàn

Rất may mắn cho các thành viên Đoàn công tác số 7 của chúng tôi đến thăm các quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1-12 vào dịp này thời tiết rất đẹp, sóng yên biển lặng và không ai bị say sóng. Bởi, nếu sóng to gió lớn, nhiều người bị say sóng thì công việc của các "anh nuôi" trên tàu sẽ lại càng vất vả thêm rất nhiều.

Hải trình thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1-12 (Bài 7): Những "anh nuôi" trên tàu KN491 - Ảnh 2.

Các món ăn luôn đa dạng để mọi người đều cảm thấy hợp khẩu vị.

Bếp trưởng Trần Đăng Khoa cho biết, việc nấu ăn trên tàu không đơn giản như ở đất liền, nhất là những hôm gặp áp thấp nhiệt đới bất thường, sóng đánh cao, tàu rung lắc dữ dội, khu vực nhỏ của nhà bếp cứ nghiêng ngả, chao đảo. Vì thế tiêu chuẩn quan trọng để được chọn vào tổ nấu ăn là phải trẻ, khỏe, năng nổ, nhiệt tình, chịu đựng được sóng gió.

Anh Khoa kể, có chuyến đi bị ảnh hưởng bởi bão, sóng dâng cao gần chục mét, nước biển tràn lênh láng vào cả sàn tàu khiến những nồi thức ăn đang sôi trên bếp bị lật nhào, đổ hết ra sàn. Các vật dụng trong bếp rơi loảng xoảng, mỗi nơi một cái. Một số anh em trong tổ bếp thậm chí còn bị say sóng phải về khoang tàu nằm nghỉ. Những người còn khỏe thì vệ sinh sàn tàu rồi lại tiếp tục nấu nướng.

"Lúc đó, chúng tôi phải lấy ngực tỳ mạnh vào thành bếp để giữ thăng bằng, còn 2 tay vừa giữ nồi để nấu. Lo xong được bữa ăn cho những người khỏe, chúng tôi lại quay sang chuẩn bị nấu cháo phục vụ những thành viên bị say sóng" - bếp trưởng Trần Đăng Khoa nhớ lại.

Cái khó ló cái khôn, để đối phó với những ngày sóng gió lớn, các "anh nuôi" trên tàu đã nghĩ ra một kế sách đó là chằng buộc cẩn thận nồi niêu, xoong, chảo và các vật dụng phục vụ nấu ăn. Khi nấu, tổ cũng cử người đứng túc trực để giữ nồi. Thức ăn cũng được chia nhỏ sang nhiều nồi để khi gặp sóng lớn thì cũng sẽ hạn chế bị đổ ra ngoài.

Vất vả là vậy, nhưng trong cả hải trình của Đoàn công tác số 7, chúng tôi luôn thấy được một tinh thần, thái độ rất nhiệt tình, chu đáo của các "anh nuôi" đối với tất cả các thành viên trên tàu. Từ yêu cầu của người trẻ hay đã lớn tuổi, dù là nam hay nữ, các "anh nuôi" trên tàu KN491 chưa một lần tỏ ra khó chịu dù họ mệt hơn chúng tôi rất nhiều./.

Bài 8: Niềm vui của những người lính đảo

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ