• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hải trình thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1-12 (Bài cuối): "Ươm mầm ước mơ" ở đảo Trường Sa

Thời sự 30/06/2022 19:58

(Tổ Quốc) - Ở quần đảo Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) hàng ngày vẫn vang tiếng trẻ học bài. Ở đó, có những người thầy giáo tận tâm cống hiến sức trẻ, ươm mầm ước mơ cho những học sinh giữa biển trời bao la của Tổ quốc Việt Nam.

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế trường đại học, chàng sinh viên Bành Hữu Tình (quê ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) đã mơ ước một lần được đặt chân đến vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hải trình thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1-12 (Bài cuối): "Ươm mầm ước mơ" ở đảo Trường Sa - Ảnh 1.

Thầy giáo Bành Hữu Tình và em học sinh trên đảo Trường Sa.

Để rồi đến khi có cơ hội, dù đang dạy học tại Trường Tiểu học Suối Cát ngay trên quê nhà, thế nhưng thầy giáo Tình đã không ngần ngại và viết đơn tình nguyện lên đường công tác dạy học cho các cháu tại đảo Trường Sa.

Chia sẻ về lý do thôi thúc mình đến công tác với Trường Sa, thầy Bành Hữu Tình cho biết, một lần đến với Trường Sa là mơ ước của mỗi người con đất Việt, đặc biệt là được sinh sống và công tác trên mảnh đất thiêng liêng thực sự là một kỷ niệm hết sức ý nghĩa trong đời mà không phải ai cũng có cơ hội để trải nghiệm.

Hiện nay, tại đảo Trường Sa, thầy Tình đang đảm nhận 2 cấp học, mầm non và tiểu học với nhiều trình độ học khác nhau nhưng đều được tổ chức trong cùng 1 lớp học. Thầy Tình cho biết, thời gian đầu còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn trong vấn đề vận hành tổ chức lớp học.

Hải trình thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1-12 (Bài cuối): "Ươm mầm ước mơ" ở đảo Trường Sa - Ảnh 2.

Tiết mục võ thuật của các em nhỏ trên đảo Trường Sa

Việc dạy hai cấp chung một lớp học có nhiều khó khăn trong vấn đề tổ chức, bởi tâm sinh lý mỗi cấp học khác nhau. Nhất là những cháu mẫu giáo nhỏ, các em còn vô tư, hồn nhiên vì vậy phải cố gắng làm sao để các cháu một tinh thần thoải mái nhất, tự nhiên nhất để các cháu vừa học và chơi.

"Điểm khó nữa là làm thế nào để bảo đảm các em cùng học với nhau trong lớp, hay sắp xếp các giờ hoạt động ngoại khóa để các em cùng chơi với nhau, đặc biệt trong những tiết giáo dục kỹ năng sống, các giờ ngoại khóa tuyên truyền về chủ quyền biển đảo cho các em, giáo dục tình yêu quê hương đất nước" - thầy Tình chia sẻ.

Thế nhưng, với mong mỏi lớn nhất là được truyền đạt đầy đủ kiến thức cho các em để làm hành trang cho các em lúc về đất liền có thể theo kịp các bạn, trong những năm qua, thầy Bành Hữu Tình cho biết mình đã không ngừng nỗ lực, cố gắng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, qua đó cũng góp phần góp một phần trong công cuộc chung xây dựng biển đảo quê hương.

Ngoài được dạy học các kiến thức theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngoài giờ học, các em nhỏ ở Trường Sa còn được những cán bộ, quân nhân trên đảo dạy thêm các môn thể thao để rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể lực.

Ấn tượng của chúng tôi khi tham gia chương trình nghệ thuật tại đảo Trường Sa trong chuyến công tác vào tháng 5/2022 vừa qua đó là màn biểu diễn võ thuật cổ truyền dân tộc, hát múa vô cùng ấn tượng của các em nhỏ trên đảo.  

Tìm hiểu thì chúng tôi được biết, "đạo diễn" của những màn biểu diễn võ thuật vô cùng ấn tượng của các em nhỏ Trường Sa đó là anh Lê Duy Phương - Cán bộ văn hóa, Thị trấn Trường Sa. Được biết, trước đây khi còn đang là sinh viên, anh Phương học chuyên ngành về thể thao. Sau này khi được về công tác tại đảo, thời gian rảnh anh thường dạy thêm võ cho các em nhỏ trên đảo.

Hải trình thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1-12 (Bài cuối): "Ươm mầm ước mơ" ở đảo Trường Sa - Ảnh 3.

Các em nhỏ hát bài Quê em ở Trường Sa dành tặng đoàn công tác

"Quê em ở Trường Sa/ Những đảo chìm đảo nổi/ Quê em có biển trời/ Bốn mùa xanh bao la/ Sinh ra ở Trường Sa/ Em là con của biển...", đó là những câu trong bài hát Quê em ở Trường Sa mà khi chia tay chúng tôi được những học sinh ở Trường Sa hát tặng.

Rất nhiều em mạnh dạn bày tỏ mơ ước sau này được trở thành chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển trời hoặc gần gũi nhất là được làm người thầy tận tụy dạy kiến thức cho các em nhỏ ở nơi hải đảo xa xôi.

Với nhiều người đã từng đến với Trường Sa, mỗi khi nhắc đến tên những hòn đảo trên quần đảo này đều có cảm giác bồi hồi, xao xuyến. Bởi Trường Sa là phần máu thịt thiêng liêng của đất nước Việt Nam. Ở đó có thế hệ "măng non" luôn mang trong mình hoài bão, ước mơ tươi đẹp, trong trẻo./.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ