• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Văn hoá 08/10/2020 16:50

(Tổ Quốc) - Sáng 8/10, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi, bổ sung).

Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi, bổ sung) nhằm hoàn thiện Hồ sơ trước khi trình Chính phủ.

Bà Trần Tuyết Ánh Vụ trưởng Vụ Gia đình và ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế chủ trì Hội thảo.

Báo cáo tại Hội thảo, bà Trần Tuyết Ánh cho biết, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) được Quốc hội khóa 12, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2008. Luật PCBLGĐ gồm 6 chương, 46 điều. Trong đó có 09 điều (Điều 6, Điều 20, Khoản 3 Điều 26, Khoản 1 Điều 29, Điều 36, Điều 37, Điều 38, Điều 39 và Điều 41) giao Chính phủ, các Bộ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Luật PCBLGĐ đã thể chế hóa bảo vệ các quyền cơ bản của con người trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; điều chỉnh các quan hệ gia đình và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong PCBLGĐ; tạo cơ sở pháp lý trong việc ban hành chính sách về PCBLGĐ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, BLGĐ vẫn là một vấn đề nhức nhối ở Việt Nam hiện nay. Nạn bạo hành trong gia đình tăng cao, nhưng phần lớn bị che giấu và không được xử lý, can thiệp kịp thời. Vai trò của các quy định pháp luật về PCBLGĐ lại được đặt ra.

Luật PCBLGĐ hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập khác, đặc biệt là các quy định về bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, xử lý thủ phạm gây ra bạo lực cũng như các biện pháp đảm bảo trong PCBLGĐ.

Lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội thảo

Thực hiện Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, trong đó giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, xây dựng, trình Dự án sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương lập đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Bộ đã ban hành kế hoạch, thành lập tổ công tác và triển khai các hoạt động xây dựng hồ sơ sửa đổi luật. Trong đó có tổ chức các cuộc tọa đàm, hội nghị nhằm thảo luận, xin ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, gửi lấy ý kiến của các Bộ, Ban, ngành, địa phương cũng như đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ để xin ý kiến nhân dân.

Tại hội thảo, các ý kiến góp ý đều đồng tình với việc ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, đặc biệt là xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình, người vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, tăng cường các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, nâng cao chất lượng của công tác hòa giải, thông tin tuyên truyền và khuyến khích xã hội hóa trong phòng, chống bạo lực gia đình. Từ đó góp phần xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người./.


Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ