• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhật Bản bất ngờ “quay ngoắt” thái độ với Trump

Thế giới 18/02/2017 14:00

(Tổ Quốc) - Những gì Tổng thống Mỹ thể hiện gần đây đã khiến người Nhật Bản phải nhìn với con mắt khác.

Bất chấp cái bắt tay được đánh giá là gượng gạo nhất trong lịch sử quan hệ Mỹ-Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trở về Tokyo sau chuyến thăm chính thức đến Washington vào cuối tuần trước, và tuyên bố rằng mình đã có một chuyến đi thành công.

Nếu nhìn vào những lập trường với Nhật Bản mà ông Donald Trump đã từng thể hiện trong chiến dịch tranh cử Tổng thống vào tháng Mười một năm ngoái, nhà lãnh đạo Nhật Bản có cơ sở để “thả lỏng cơ thể và thở dài khoan khoái”.

Giây phút thân thiết giữa Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật (ảnh: SCMP)

Những vấn đề nhạy cảm được “tự động” bỏ qua

Trong cả chuyến thăm, ông chủ mới của Nhà Trắng không hề đề cập chút nào đến yêu cầu trước đây rằng, Nhật Bản phải chi trả thêm –thậm chí là toàn bộ chi phí – cho những lính Mỹ đang đóng tại Nhật Bản; cũng như lời đề nghị quốc gia châu Á phát triển và triển khai vũ khí hạt nhân.

Thay vào đó, hai nguyên thủ quốc gia bận rộn “ôn lại” tầm quan trọng của mối quan hệ an ninh song phương giữa hai bên, và những cam kết của Washington giúp bảo vệ Nhật Bản, làm sao để duy trì “chiếc ô” hạt nhân hiện nay, và bao gồm cả những tranh chấp xung quanh quần đảo Senkakus hiện đang thuộc quyền kiểm soát của Nhật.

Thông điệp chia sẻ về an ninh càng thêm ý nghĩa khi CHDC Triều Tiên vừa phóng thủ một tên lửa đàn đạo tầm trung loại mới. Hầu hết mọi người đều tin rằng, thời điểm phóng tên lửa đã được lên kế hoạch trước, và không phải vô tình trùng hợp với thời gian chuyến viếng thăm Mỹ của Thủ tướng Abe.

Một vấn đề quan trọng khác giữa ông Trump và ông Abe đó chính là kinh tế. Và nhà lãnh đạo Nhật Bản lại một lần nữa được “an ủi”, bởi vì ngài Tổng thống Mỹ không đưa ra những thông tin mới, về khả năng áp dụng thuế mới lên hàng hoá của công ty Nhật Bản, hay không nhắc lại những cáo buộc rằng Tokyo đã thao túng đồng Yên nhằm trợ giúp xuất khẩu và nền kinh tế nội địa.

Người Nhật đề cao an ninh và thương mại trong quan hệ hai nước

Theo một khảo sát của Nhật báo Kyodo, người dân Nhật Bản cũng chia sẻ sự hài lòng với ông Abe khi cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo đã thành công “tránh xa” các vấn đề nhạy cảm, có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ hai nước. Chỉ có 19.5% số người được hỏi không hài lòng với kết quả của chuyến thăm. Trong khi đó, 60% số người được hỏi cảm thấy “phù hợp” khi ông Abe chơi đánh gôn với Tổng thống Trump tại khu nghỉ dưỡng tư nhân của nhà Trump, Mar-a-Lago tại Florida.

Vợ chồng Thủ tướng Nhật và Tổng thống Mỹ Trump cùng Đệ nhất phu nhân Melania (ảnh: SCMP)

“Mọi người không quan tâm việc Trump là Tổng thống hay không – vị trí này có thể được trao cho ông Bush hay ông  Obama – nhưng họ chỉ muốn Nhật Bản có một mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ trên lĩnh vực thương mại và an ninh,” Mayako Shibata – một sinh viên Nhật Bản nhận xét. “Mọi người xung quanh tôi từng lo lắng về sự sụp đổ của hiệp định thương mại tự do TPP, nhưng giờ đây, dường như sẽ có một hiệp định song phương, vì vậy vấn đề khó khăn đã được giải quyết, và mọi thứ lại trở nên bình thường,” Shibata trả lời phỏng vấn tờ South Morning China Post.

Yasukatsu Matsushima  - một giáo sư kinh tế học tại Đại học Ryukoku (Kyoto) đồng tình với nhận xét rằng các cuộc nói chuyện giữa Abe-Trump được được dư luận đánh giá cao. Theo ông, nguyên do đến từ việc “tất cả những gì mọi người quan tâm là duy trì liên minh quân sự,  các vấn đề Trung Quốc và Hàn Quốc; ngoài ra còn có các cơ hội kinh doanh và đầu tư tại Mỹ,” ông Matsushima   nói.

So với các vấn đề khác, an ninh và thương mại được xếp ở vị trí quan trọng hơn. “Hồi Thế chiến thứ hai, Mỹ bắt người Nhật Bản vào các trại giam giữ, và giờ đây ông Trump mong muốn áp đặt hạn chế đối với những người muốn đi vào nước Mỹ,” ngài giáo sư cho biết. “Một số người [Nhật Bản] cũng lo lắng về chính sách đó, nhưng họ chấp nhận bỏ qua nó.” Điều này được thể hiện qua kết quả khảo sát của Thời báo Kyodo. Toàn bộ những người trả lời đều tỏ ra không thể hiểu được nguyên do Tổng thống Trump đưa ra sắc lệnh nhập cư gây tranh cãi; tuy nhiên, hầu như không có ai thực sự thể hiện sự phản đối.

Trump hoá ra không đáng sợ như trong tưởng tượng

Chỉ khoảng hơn 300 người tham gia một cuộc biểu tình tại quận Shibuya hồi tuần trước, kêu gọi ủng hộ một “nước Mỹ đa dạng”, cũng như chống lại chính sách cấm nhập cư và các kế hoạch xây tường dọc theo biên giới Mỹ - Mexico của Tổng thống Trump.

Không nhiều người tham gia trong cuộc biểu tình phản đối lệnh nhập cư của ông Trump, tại Tokyo (ảnh: SCMP)

Một số người tham gia biểu tình tỏ ra không hài lòng vì Thủ tướng Abe đã không chỉ trích lệnh cấm nhập cư cùng kế hoạch xây tường của ông Trump. Tuy nhiên, theo Shibata, nguyên nhân đơn giản là do người Nhật Bản không quá quan tâm đến các vấn đề này. “Nhật Bản là một quốc gia rất an toàn, và nhiều người ủng hộ lệnh cấm nhập cư của ông Trump, bởi vì họ nghĩ rằng điều này có thể giúp mọi người an toàn hơn,” cô sinh viên cho biết.

Các lực lượng đối lập tại Nhật Bản cũng cảm thấy khó khăn trong việc tìm ra một thông điệp “chống Abe” phù hợp sau cuộc chuyến thăm tới Mỹ của ngài Thủ tướng. Thay vào đó, họ “miễn cưỡng” đưa ra cáo buộc ông Abe đã quá “nhún nhường” khi không lên tiếng trước thái độ của Mỹ đối với người nhập cư Hồi giáo.

Jun Okumura, một học giả tại Viện nghiên cứu các vấn đề toàn cầu Meiji tin rằng, quan hệ đồng minh Abe-Trump đang tiến theo hướng tích cực, đơn giản chỉ vì nhà lãnh đạo nước Mỹ “hoá ra không đáng sợ như những gì ông từng thể hiện trong chiến dịch tranh cử Tổng thống.” Okumura giải thích: “Đã từng có những quan ngại rằng Nhật Bản sẽ trở lại là một mục tiêu của Washington, như  trong thời kỳ 1980…, nhưng giờ đây ông ấy [Trump] tỏ ra hiền lành hơn trong mắt người dân Nhật Bản.”

(Theo SMCP)

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ