• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhiều cơ hội đầu tư đầu tư vào vùng đất Cao Bằng

Kinh tế 26/09/2023 15:47

(Tổ Quốc) - Ngày 26/9, tại Hà Nội, UBND tỉnh Cao Bằng đã thông tin về Hội nghị Giới thiệu Cao Bằng năm 2023.

Hội nghị dự kiến được tổ chức vào ngày 3/10/2023 tại Hà Nội, do UBND tỉnh Cao Bằng phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức.

Theo đó, dự kiến Hội nghị có sự tham gia của trên 500 đại biểu thuộc các cơ quan Ban, Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan ngoại giao, cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, cơ quan kinh tế, hợp tác phát triển, văn hóa, du lịch và địa diện địa phương của nước ngoại tại Việt Nam, các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và dự án ODA đã và đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Cao Bằng…

Trong khuôn khổ Hội nghị sẽ diễn ra phiên chính thức Hội nghị Giới thiệu Cao Bằng và các hoạt động bên lề: Không gian trưng bày, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng lợi thế về lĩnh vực thương mại, du lịch, lịch sử, văn hóa, con người Cao Bằng qua các thời kỳ; gặp gỡ trao đổi giữa tỉnh Cao Bằng với cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế…, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài…

Nhiều cơ hội đầu tư đầu tư vào vùng đất Cao Bằng - Ảnh 1.

Thác Bản Giốc - một trong những điểm đến tuyệt đẹp của tỉnh Cao Bằng.

Tại Hội nghị, Cao Bằng sẽ giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, sự quyết tâm, quyết liệt của Cao Bằng nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, xây dựng Cao Bằng trở thành tỉnh năng động, phát triển.

Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới, nằm ở Đông Bắc Việt Nam, hai mặt Bắc và Đông Bắc giáp Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc), phía Tây giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Nam giáp tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn, trong đó núi rừng chiếm trên 90% diện tích.

Đây là vùng đất chứa đựng nhiều di sản địa chất, địa mạo cổ sinh với trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo, trong đó nổi bật là các danh thắng nổi tiếng: Thác Bản Giốc, Động Ngườm Ngao (Trùng Khánh), Vườn quốc gia Phja Oắc – Phja Đén (Nguyên Bình), Hồ Thang Hen (Trùng Khánh), Hang Ngườm Pục (Thạch An)… tạo nên Công viên địa chất toàn cầu Unesco Non nước Cao Bằng; nhiều sản vật đặc hữu như lê, thạch đem, hạt dẻ, gạo nếp Pì pất, quýt, chè Giảo cổ lam…; nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng với nhiều loại khoáng sản như quặng sắt, mangan, bô xít, thiếc…

Cao Bằng cũng là vùng đất có lịch sử lâu đời, giữ vị trí trọng yếu nơi biên cương của Tổ quốc. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, cộng đồng các dân tộc Cao Bằng đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết chống xâm lược. Đặc biệt, ngày 28/1/1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Cao bằng là nơi được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn làm nơi đầu tiên về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Cao Bằng trở thành vùng căn cứ địa cách mạng, nơi khai sinh Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân- tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay.

Hiện dân số tỉnh Cao Bằng có hơn 530.000 người trong đó dân tộc thiểu số chiếm gần 95%, 8 dân tộc có số dân đông là Tày, Nùng, Dao, Mông, Kinh, Hoa, Sán Chỉ, Lô Lô; mỗi dân tộc có ngôn ngữ, phong tục tập quán riêng. Tỉnh cũng có trên 100 lễ hội xuân, lễ hội truyền thống được tổ chức hầu khắp các địa phương, kho tàng văn học của các dân tộc, các hình thức dân ca, dân vũ, văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú, mang đậm đặc trưng của miền núi…

Những năm gần đây, thu nhập bình quân đầu người tại tỉnh đạt 44,04 triệu đồng/người/năm. Tỉnh hiện có 262 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 40.000 tỷ đồng. Hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh đang được tập trung đầu tư xây dựng, đặc biệt là các tuyến giao thông, hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, hạ tầng phục vụ du lịch, dịch vụ, tình hình trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, an ninh quốc phòng được giữ vững.

Theo đại diện lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, địa phương đã và đang chuẩn bị các điều kiện phấn đấu trở thành trung tâm kết nối hợp tác xuyên biên giới với các cụm phát triển năng động của Tây và Tây Nam Trung Quốc./.

T. Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ