(Tổ Quốc) - Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 đã và đang nhận được sự quan tâm cũng như các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, giới văn nghệ sĩ mọi lứa tuổi. Chúng tôi xin trân trọng ghi nhận và giới thiệu một số ý kiến đóng góp dưới đây.
1. Chọn lựa người trẻ kế cận để bồi dưỡng tài năng lực lượng nghiên cứu và hoạt động về văn hóa, nghệ thuật dân gian
GS. TS Lê Hồng Lý (Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) nhận định Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 thể hiện khá đầy đủ khi đề cập khá toàn diện và chi tiết từ các mục tiêu, chỉ tiêu, và nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, khung pháp lý; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động văn hóa; bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc đồng thời gắn liền với giải pháp tài chính...
Bên cạnh đó, GS. TS Lê Hồng Lý cũng đánh giá cao khi Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 còn đưa ra cả chỉ tiêu cụ thể cho một số lĩnh vực.
Dưới góc độ nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, GS. TS Lê Hồng Lý đưa ra một số ý kiến đóng góp thêm và hi vọng những trăn trở này sẽ được khắc phục trong tương lai.
Đó là thực tế hiện nay, lực lượng nghiên cứu và hoạt động về văn hóa, nghệ thuật dân gian ngày càng thưa vắng. Thế hệ đi trước mai một dần do tuổi cao, sức yếu, số hội viên trẻ khá ít và họ chưa có nhiều tâm huyết. Công tác nghiên cứu văn nghệ dân gian ngoài việc luôn cần sự kiên trì, cần cù, thì để vững vàng trong nghề đòi hỏi sự say nghề và đầu tư thời gian, công sức hàng chục năm. Ai cũng hiểu giá trị của văn hóa dân gian là quý giá, song những người nắm giữ nó đang lần lượt ra đi mà chưa kịp tìm được người kế thừa, thay thế. Điều đó thực sự đáng lo ngại- GS.TS Lê Hồng Lý trăn trở.
GS.TS Lê Hồng Lý đề xuất, các hội viên lớn tuổi của các hội nghề nghiệp nên trực tiếp chọn lựa người trẻ kế cận mình để truyền đạt kinh nghiệm, bồi dưỡng tài năng. Bên cạnh đó, các câu lạc bộ văn hóa dân gian cần được củng cố và đẩy mạnh hoạt động nhằm thu hút sự chú ý của các bạn trẻ, từ đó, chọn lọc những người có năng khiếu, say sưa với văn hóa, nghệ thuật truyền thống để chỉ dẫn, khuyến khích họ theo nghề. Lực lượng nghiên cứu và hoạt động về văn hóa, nghệ thuật dân gian cần được quan tâm và đầu tư hơn.
2. Tăng cường đầu tư nguồn lực cho văn hóa
Góp ý về Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 về tăng cường đầu tư nguồn lực cho văn hóa, TS. Nguyễn Huy Phòng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết:
Để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, một trong những giái pháp mà Dự thảo Chiến lược nhấn mạnh là về tài chính, theo đó ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá văn hóa nghệ thuật, thương hiệu văn hóa quốc gia. Tăng mức đầu cho văn hóa lên 2% tổng chi ngân sách hàng năm.
Tuy nhiên so với yêu cầu thực tế và những vấn đề đời sống văn hóa đang đặt ra thì mức đầu tư cho văn hóa, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều hạn chế. Trong Kết luận số 30-KL/TW ngày 20-7-2004 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng đề ra một trong những nhiệm vụ, giải pháp để phát triển văn hóa là cần phải tăng mức đầu tư cho văn hóa, phấn đấu đến năm 2010 ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách của Nhà nước. Tuy nhiên trong những năm qua ngân sách nhà nước chi đầu tư cho lĩnh vực văn hóa mới chỉ đạt 1,71%. Điều này gây khó khăn nhất định trong việc phân bổ nguồn ngân sách để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng nhưng đang trong trình trạng xuống cấp. Một số địa phương thiếu nguồn lực để đầu tư, xây dựng các công trình, thiết chế văn hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giải trí, hoạt động thể dục thể thao của người dân. Việc khôi phục, gìn giữ, phát huy cũng như trao truyền giá trị các di sản, loại hình nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ chưa đạt được so với mục tiêu, kỳ vọng.
Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển. Tuy nhiên nhiều địa phương do quá đặt cao mục tiêu kinh tế, chạy theo lợi nhuận, tăng trưởng nóng mà lãng quên, xem nhẹ vai trò của văn hóa. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho tương lai, cho mục tiêu phát triển con người toàn diện. Hiệu quả kinh tế của những dự án, công trình, hoạt động văn hóa mang tính lâu dài, đôi khi không thể đo đếm, định lượng bằng những công cụ, thước đo kinh tế; không thể nhìn thấy trực tiếp. Vì thế một số địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp ít mặn mà, thiếu sự quan tâm, đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thậm chí cho rằng văn hóa chỉ là "cái đuôi" của kinh tế, ăn theo, chạy theo kinh tế.
Việc thiếu quan tâm, đầu tư tương xứng cho lĩnh vực văn hóa khiến cho đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi rơi vào nghèo nàn, đơn điệu. Mức chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, giai tầng gia tăng. Tình trạng quá quan tâm, chú trọng đến nhu cầu vật chất mà lãng quên việc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần sẽ dẫn đến những bi kịch, những xung đột, khủng hoảng tinh thần; con người rơi vào trạng thái cô đơn, bi quan, chán nản, mất niềm tin, mất phương hướng khi cuộc sống thiếu sự thiếu sự tương tác, giao lưu, chia sẻ; thiếu vắng những sản phẩm và hoạt động văn hóa lành mạnh, nhân văn, tiến bộ.
Gia tăng nguồn lực đầu tư cho văn hóa với những công trình, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, có chiều sâu, mang tính lâu dài, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo nhân dân, truyền thống văn hóa của dân tộc và xu hướng phát triển của văn hóa thế giới sẽ tạo ra nền tảng, cơ sở hạ tầng văn hóa đầy đủ, đồng bộ, có sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, tạo môi trường, đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, trở thành động lực, sức mạnh để mỗi cá nhân không ngừng ra sức sáng tạo, cống hiến, phụng sự Tổ quốc, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Việc đầu tư tương xứng cho lĩnh vực văn hóa là điều kiện cần để bảo tồn, gìn giữ và phát huy có hiệu quả nguồn vốn văn hóa dân tộc, đồng thời khơi dậy tinh thần sáng tạo, chủ động, tích cực của mỗi người dân, tạọ sức mạnh nội sinh, nền tảng tinh thần vững chắc để cùng với các nguồn lực khác sớm hiện thực hóa khát vọng xây dựng nước Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
3. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong bối cảnh hiện nay
Từ những đặc điểm riêng có của Đô thị di sản Huế, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu trình Quốc hội tiếp tục đầu tư cho văn hóa tương xứng nhằm xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp với chiến lược phát triển văn hóa trong thời đại mới.
Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình, để tăng cường công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung mọi nỗ lực và nguồn lực nhằm thực thi có hiệu quả một số giải pháp:
Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục Luật Di sản văn hóa và Nghị định của Chính phủ về bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa đi vào đời sống của Nhân dân, nâng cao ý thức trách nhiệm, tự nguyện, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước đối với công tác bảo tồn di sản văn hóa.
Tiếp đến thiết lập các quy định bảo tồn, phát huy giá trị di tích và các quy định phát triển kinh tế - xã hội. Tiến hành kiểm kê, sưu tầm số hóa, lập hồ sơ khoa học cho hệ thống di sản văn hóa phi vật thể để vừa giữ gìn bảo vệ và phát huy giá trị. Khuyến khích việc giữ gìn, biên soạn, quảng bá các loại hình văn hóa phi vật thể; duy trì, phục hồi và phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu; nghiên cứu về phong tục tập quán, trang phục truyền thống, dân ca, dân nhạc, dân vũ đồng bào các dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, triển khai các chương trình nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị của lễ hội để xây dựng thành sản phẩm du lịch có tính đặc trưng của vùng đất. Xây dựng hệ thống các giải pháp hiệu quả để hạn chế những tiêu cực do du lịch. Xã hội hóa và nâng cao chất lượng các loại hình nghệ thuật, các hoạt động trong Festival.
Có chính sách phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nguồn nhân lực trong lĩnh vực di sản văn hóa, trọng dụng người có tài, có đức và tạo điều kiện để phát huy sự sáng tạo.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thống nhất tổ chức bộ máy quản lý; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác di sản văn hoá, nhất là ở cơ sở.
Phát triển các ngành kinh tế, các loại hình ngành nghề để hỗ trợ đầu tư cho các hoạt động văn hóa như: lực lượng lao động có tay nghề, sản xuất vật liệu trùng tu di tích, hàng lưu niệm... Tăng cường tạo ra những sản phẩm mới để thu hút khách du lịch và tạo sự gắn kết giữa du lịch và di sản văn hóa. Ngoài ra, cần chủ động, tích cực trong công tác phòng ngừa và bảo đảm an toàn cho các di sản trước các nguy cơ của thiên tai, hỏa hoạn và các yếu tố bất lợi khác.
4. Phát huy văn giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh mới
Cùng nêu ý kiến góp ý cho Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 có nhà nghiên cứu, phục dựng trang phục cổ Nguyễn Đức Lộc.
Theo nhà nghiên cứu trẻ này thì trong quan điểm về chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 có 2 quan điểm đáng chú ý đó là: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học.
Hai quan điểm đó đồng thời cũng phù hợp với hướng phát triển phục trang cổ của chúng tôi, vì trước hết trang phục cổ của Việt Nam là một trong những đại diện tiêu biểu nhất cho bản sắc dân tộc, đồng thời thể hiện tính đa dạng ảnh hưởng từ các yếu tố lịch sử, thẩm mỹ, đặc trưng văn hóa – xã hội, điều kiện tự nhiên của từng dân tộc, từng vùng miền… Đồng thời việc nghiên cứu và phát triển trang phục cổ cũng là sự bảo vệ phát huy di sản văn hóa của dân tộc.
Nghiên cứu phát triển trang phục cổ trong quan điểm của chúng tôi là hoạt động mà giới trẻ có lợi thế và mục tiêu tuyên truyền của cổ phục cũng là giới trẻ. Và thực tế đã chứng minh trong gần 10 năm trở lại đây, giới trẻ là những người nhiệt thành nhất với hoạt động nghiên cứu và tái hiện trang phục cổ.
Đến nay, sau 10 năm, điều đáng mừng là phong trào tìm lại cổ sử, trong đó có phong trào phục dựng cổ phục không những không nguội đi, mà còn đang phát triển tốt, những tranh luận hiện nay cũng đã có chất lượng hơn rất nhiều những cuộc tranh luận của chục năm về trước, một số lầm tưởng đã dần được xóa bỏ và phong trào cũng đã thể hiện ra ở những hình thức cụ thể, trực quan hơn là những tranh luận "suông".
Vài năm trở lại đây, những công việc hướng về cổ phục không chỉ còn là trên giấy tờ, hay hạn chế trong những đoàn làm phim mà đã dần lan tỏa trong giới trẻ. Hiện có không ít những công ty hay nhóm nghiên cứu đang tiến hành phục dựng cổ phục, bao gồm vẽ lại và may lại. Những công việc trực quan này mang lại một bước chuyển rất lớn: cổ phục Việt Nam ngày càng gần gũi với "thường dân" - những người không nghiên cứu sâu về lịch sử.
Ngày nay ta có thể bắt gặp những clip ca nhạc dàn dựng bối cảnh cổ đại, đám cưới có chú rể mặc áo tấc, những điệu nhảy trên phố của cô gái mặc áo nhật bình, hay các bạn trẻ mặc bổ phục đi chụp ảnh trên phố đi bộ hồ Gươm, thậm chí có cả các em học sinh phổ thông chụp ảnh kỉ yếu với trang phục thời Nguyễn. Việt phục thực sự đã bắt đầu quá trình len lỏi vào các góc đời sống, giúp mọi người dân có nhận thức rộng hơn về cổ phục.
Một câu hỏi mang tính lựa chọn được đặt ra là, nên cố gắng tái hiện nguyên hình trang phục cổ, hay cố gắng cách tân để đưa trang phục cổ vào cuộc sống hằng ngày?. Nếu chỉ tái hiện nguyên dạng trang phục cổ thì e rằng như vậy cũng quá cứng nhắc và có phần làm giảm hiệu quả, nếu xét trên tác dụng thúc đẩy giới trẻ tìm hiểu văn hóa truyền thống. Việc đưa những yếu tố cổ phục vào trang phục hiện đại vẫn là việc nên làm, để tất cả mọi người dần dần không còn cảm thấy xa lạ với những hoa văn họa tiết truyền thống, hay những chi tiết như bổ tử, cổ giao lĩnh... Nhưng việc này rất cần có nền tảng, nền tảng đó chính là việc cố gắng hoàn nguyên trang phục cổ đến hết mức có thể. Bởi chỉ khi những nghiên cứu về trang phục cổ đã đầy đủ về chi tiết, nhà sản xuất mới có thể chọn lựa được những chi tiết cần thiết theo yêu cầu để đưa vào trang phục cách tân.
Ngoài ra tái hiện lại cổ phục không thể lẻ loi, nó còn cần gắn với những yếu tố văn hóa khác nữa đó là những yếu tố văn hóa liên quan khác, như tái hiện lễ cưới xưa, tái hiện nghi thức thiết triều, trình diễn âm nhạc, võ thuật truyền thống...
Tóm lại, là đặt cổ phục trong bối cảnh "cổ", không chỉ phục dựng trang phục mà còn cố gắng tái hiện cả bối cảnh văn hóa rộng lớn hơn, để những người đến tham quan hình dung được về cuộc sống thực sự của những bộ trang phục đó. Dù một số nhóm bạn trẻ ở Việt Nam cũng đã cố gắng làm công việc đó một cách công phu nhất có thể, nhưng nhìn tổng thể thì có lẽ sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Một hoạt động văn hóa, dẫu đã có chỗ dựa vững chắc là trầm tích văn hóa hàng ngàn năm thì vẫn tất yếu phải trải qua những vấp váp, khó khăn, thậm chí là nguy cơ chệch hướng.