(Tổ Quốc) - Sau 5 năm, ông Tập đã nắm được “thanh gươm” quyền lực và trở thành “thống soái tối cao”.
- 08.10.2016 Ai là Tổng bí thư Trung Quốc sau 2022?
- 02.11.2016 Ông Tập Cận Bình củng cố thêm một bước quyền lực
- 23.12.2016 Bốn năm chấp chính Tập Cận Bình: Vượt trên sóng to gió lớn
- 19.05.2017 Nhân sự Đại hội ĐCS Trung Quốc 19 có gì mới ?
- 10.08.2017 Trung Quốc khẩn trương tiến tới Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19
- 08.09.2017 Đại hội 19 ĐCS Trung Quốc: Bốn điểm cần theo dõi
Khi ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng bí thư ĐCS Trung Quốc tháng 11/2012, quân đội Trung Quốc bị chia rẽ nghiêm trọng và tham nhũng tràn lan.
Mặc dù là Chủ tịch Quân ủy trung ương (QUTW) nhưng ông Hồ không có quyền hành gì về quân sự. Năm 2010, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nêu ra một câu hỏi với ông Hồ Cẩm Đào về việc Trung Quốc âm thầm phát triển máy bay chiến đấu tàng hình J-20, ông Hồ Cẩm Đào dường như không ý thức được về sự phát triển này.
Tháng 5/2008, Chủ tịch Trung Quốc thăm Nhật Bản, mở ra “Mùa xuân ấm áp”, theo lời ví von của ông Hồ, thỏa thuận giải quyết một trong các vấn đề xung đột song phương về quyền khai thác khí đốt ở vùng biển tranh chấp giữa hai nước tại biển Hoa Đông. Hai bên nhất trí khai thác chung ở vùng biển tranh chấp này. Nhưng thỏa thuận này không triển khai được vì quân đội chống.
Hôm kết thúc Đại hội 18, theo sự tiết lộ của báo chí Hong Kong, ông Hồ Cẩm Đào đã phàn nàn rằng ông ta “không có quyền hành gì”, thì đây là nói về việc quân đội không nghe theo lệnh của Chủ tịch QUTW. Hai thượng tướng Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu, Phó chủ tịch QUTW, là người của Chủ tịch Giang Trạch Dân thao túng quân đội. Ông Hồ Cẩm Đào thay ông Giang Trạch Dân tháng 11/2002, nhưng phải 2 năm sau mới được bàn giao chức Chủ tịch QUTW.
Quán triệt chủ trương truyền thống từ thời Mao Trạch Đông “Đảng chỉ huy súng”, ông Tập Cận Bình lên nắm quyền là nắm luôn chức vụ Chủ tịch QUTW. Phải nói ngay rằng, dưới thời ông Tập Cận Bình, quyền lực ở Trung Quốc tại Trung Nam Hải đã chuyển dịch sang các cơ quan của trung ương đảng. Ông Tập đứng đầu 7 tiểu tổ công tác của trung ương, trong đó đặc biệt quan trọng là Ủy ban an ninh quốc gia, Tiểu tổ lãnh đạo đi sâu cải cách mở cửa (trước kia do thủ tướng phụ trách), Tiểu tổ lãnh đạo an ninh mạng.
Cơ cấu lại quân đội
Dưới thời ông Tập, việc cải cách quân đội Trung Quốc diễn ra toàn diện, sâu rộng và triệt để nhất.
7 đại quân khu được tổ chức thành 5 chiến khu; trong đó, Quân khu Bắc Kinh và Quân khu Tế Nam sẽ sáp nhập thành Chiến khu Trung tâm. Trong các chiến khu, sẽ thành lập bộ Tư lệnh liên hợp, thực hiện quyền chỉ huy tác chiến thống nhất đối với bộ đội hải quân, lục quân, không quân và lực lượng dân quân, cảnh sát vũ trang thuộc địa bàn quản lý. Hệ thống chỉ huy tác chiến rút gọn từ 4 cấp xuống còn 2 cấp, lấy tiểu đoàn làm trung tâm; điều chỉnh tỷ lệ quân số giữa các lực lượng, chuyển từ coi trọng lục quân sang hải quân, không quân, tên lửa tấn công chiến lược và tác chiến điện tử, không gian mạng, nhằm xây dựng quân đội đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại, nâng cao khả năng tác chiến trên biển và tác chiến trong môi trường điện từ, không gian mạng; cắt giảm khoảng 300.000 quân, chủ yếu thuộc lực lượng phi tác chiến, nhưng tăng quân số cho các lực lượng tham chiến trực tiếp, nhất là hải quân và không quân. Với cải cách lần này, vai trò của Bộ Quốc phòng Trung Quốc bị giảm mạnh.
Hàng ngũ tướng lĩnh quân đội Trung Quốc thay máu sau 5 năm cầm quyền của Tập Cận Bình. |
Tháng 1/2016, giải tán 4 “siêu” tổng cục thao túng quân đội: Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Trang bị. Chức năng của 4 cơ quan này sẽ do 15 đơn vị mới trực thuộc QUTW đảm trách.
Nhân dịp này, ông Tập đã bố trí nhân sự ở 5 chiến khu, 5 quân chủng, 15 cơ quan trực thuộc QUTW; thân tín của ông Tập Cận Bình chiếm phần lớn các chức vụ chủ chốt trong các đợt điều chỉnh.
Thay máu hàng ngũ tướng lĩnh quân đội
Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu bị hạ bệ từ sớm trong chiến dịch “đả hổ” với tội danh chủ yếu là tham nhũng. Tất các các tướng lĩnh liên quan đến hai vị thượng tướng này cũng bị mất chức theo. Bất kỳ ai có dây mơ rễ má với cánh Giang Trạch Dân, Chu Vĩnh Khang đều cho nghỉ hoặc vào nhà đá. Riêng năm 2014, ông Tập đã “trảm” 15 “hổ tướng”.
Đồng thời, ông Tập cũng phong tướng cho các nhân vật thân cận trong quân đội, hoặc đưa các tướng lĩnh trẻ thay máu tầng lớp chỉ huy quân đội. Từ sau Đại hội 18 đến đầu năm 2017, Trung Quốc đã phong hàm thượng tướng cho 23 sĩ quan (hiện nay 42 người); riêng năm 2016 đã phong hàm 2 thượng tướng, 16 trung tướng, 60 thiếu tướng.
Mặc dù ngân sách quốc phòng Trung Quốc liên tục tăng trên 10% trong nhiều năm qua, nhưng giới chuyên gia quân sự nước ngoài vẫn tỏ ra nghi ngờ về tính kỷ luật và khả năng tác chiến của quân đội nước này. Kể từ năm 2012, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh đến việc duy trì một quân đội luôn luôn sẵn sàng chiến đấu.
Hôm 30/7/2017, Trung Quốc đã tổ chức một cuộc duyệt binh lớn ở thao trường Chu Nhật Hà (khu tự trị Nội Mông) để kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Giải phóng quân Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình nói với quân đội Trung Quốc rằng: phải sẵn sàng nghe lệnh, có khả năng chiến đấu và chiến thắng trong bất kỳ cuộc chiến nào.
Antony Wong Dong, nhà bình luận quân sự ở Ma Cao, nhận xét: “Sau 5 năm cải cách to lớn và một chiến dịch chống tham nhũng đã làm giảm hàng chục, nếu không phải là hàng trăm các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao, giờ đây ông Tập Cận Bình có thể báo cáo công chúng Trung Quốc thành quả tốt đẹp dưới sự lãnh đạo của mình”.
Người lãnh đạo cuộc duyệt binh tại Chu Nhật Hà, tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch Quân ủy trung ương, đã gọi Chủ tịch Tập Cận Bình là “thống soái tối cao”. Nó đánh dấu giai đoạn chỉnh quân đã cán đích./.