• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phải chăng nước Nga trên đà khắc phục cú sốc kép?

Kinh tế 12/08/2016 10:20

(Tổ Quốc)- Sự cải thiện của các chỉ số cho thấy kinh tế Nga có thể trở  lại đà tăng trưởng chậm.

Nền kinh tế Nga phải chống chọi với cuộc phục hồi kinh tế toàn cầu không chắc chắn. Năm 2015,  nền kinh tế Nga đứng trước những hoàn cảnh khó khăn – phải điều chỉnh với cứ sốc giá dầu hạ và việc phương Tây áp đặt lệnh cấm vận. Tác động của cú sốc kép đã đẩy nền kinh tế Nga vào suy thoái trầm trọng, rơi vào tình trạng tồi tệ nhất vào quý 2 của năm 2015. Theo một đánh giá của World Bank, tháng 4/2016, sau khi suy thoái chững lại đầu năm 2015, việc giảm giá dầu thấp hơn nữa đã chặn đứng sự phục hồi, tạo sức ép lên đồng rubble và đẩy lạm phát lên 2 chữ số.

Khi kinh tế Nga thích nghi dần với môi trường quốc tế không thuận lợi do giá dầu hạ và cấm vận, nỗ lực điều chính kinh tế hiện nay chuyển sang đối phó với các thách thức tài chính và tiền tệ.

Một góc nhìn về các chặng đường phục hồi của kinh tế Nga mấy năm tới: quanh co khúc khủyu

Ngày 8/8, Ngân hàng Trung ương Nga thông báo các số liệu về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mới đây cho thấy nước này đã vượt qua đợt suy thoái kéo dài và đang quay trở lại đà tăng trưởng chậm.

Trong một thông báo, Ngân hàng trên ước tính tăng trưởng kinh tế của Nga trong quý II/2016 đạt 0,2 - 0,3%, và dự báo trong quý III và IV sẽ lần lượt đạt mức 0,4% và 0,5%. Trước đó, giới chức Nga nhấn mạnh rằng các chỉ số kinh tế đã có dấu hiệu cải thiện và Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev dự đoán nền kinh tế sẽ giảm 0,2% trong năm nay sau khi giảm 3,7% trong năm ngoái. Tuy nhiên, do những tác động từ giá dầu lao dốc cùng những biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moskva liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại, các chuyên gia quốc tế vẫn đưa ra nhận định không mấy lạc quan về nền kinh tế Nga, trong đó Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá GDP của nước này sẽ giảm 1,2% trong năm nay.

Hồi tháng 6 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố Nga “gần như đã vượt qua thời kỳ suy thoái và nền kinh tế đang tận hưởng những điều kiện cần thiết để tăng trưởng”.

Trong một dấu hiệu cho thấy thể trạng không mấy ổn định của nền kinh tế Nga, ngành công nghiệp ô tô cùng ngày thông báo doanh số bán xe trong tháng 7 vừa qua đã giảm 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thúc đẩy tăng trưởng và dẹp yên bất ổn trước bầu cử

Mặc dù suy thoái không còn trầm trọng nhưng khủng hoảng kinh tế vẫn tiếp diễn. Để đối phó với trì trệ và khuyến khích tăng trưởng, Ngân hàng Trung ương Nga sẽ thực hiện hàng loạt biện pháp, tăng chi tiêu ngân sách và cắt giảm lãi suất và tiền lương. Giá trị của đồng rubble đang dần ổn định, có nghĩa là một trong những nhân tố gây ra giảm phát đang dần mất đi. Trước cuối năm nay, chính phủ hi vọng sẽ giảm được lạm phát từ 15% hồi đầu năm 2016 xuống dưới 6%, một mục tiêu có lẽ sẽ không thể đạt được trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, lạm phát đang giảm sẽ trấn an được công chúng, nhất là khi Kremlin nới lỏng chính sách tiền tệ và nền kinh tế  bắt đầu phục hồi chậm.

Theo dự báo của Stratfor, trong suốt quý ba, một trong những thách thức kinh tế nhiều áp lực nhất mà chính phủ phải đối mặt là soạn thảo lần cuối dự toán ngân sách 2016 trong tháng 10. Các quan chức Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương sẽ phải vật lộn với hàng loạt hạng mục ngân sách, cụ thể là cần bao nhiêu tiền để chi cho kế hoạch chống khủng hoảng 2016-2017 và làm thế nào để có số tiền đó – thông qua rút tiền từ Quỹ Dự trữ hoặc vay nước ngoài. Tương lai của các khoản trợ cấp khu vực rộng lớn, trợ cấp công, trợ cấp doanh nghiệp sẽ được đưa ra thảo luận. Cuối cùng, Bộ Tài chính sẽ tiến hành tư nhân hóa Alrosa và Bashneft. Trong khi đó, Tổng giám đốc Tập đoàn Rosneft Igor Sechin sẽ tiếp tục phản đối các kế hoạch tư nhân hóa nhiều công ty con trước cuối năm trừ khi ông này có lợi thế nhờ các giao dịch với Trung Quốc, Ấn Độ hoặc một cường quốc nào đó.

Cả trong và ngoài Điện Kremlin, người Nga sẽ ngày càng chia rẽ xung quanh việc giải quyết các chính sách kinh tế và đối ngoại của đất nước phạm phải một số sai lầm 3 năm qua. Công chúng Nga sẽ tiếp tục phải gánh chịu sức ép của suy thoái kinh tế.

Với cuộc bầu cử nghị viện sẽ diễn ra vào tháng 9, chính phủ lo ngại rằng các cuộc biểu tình kinh tế sẽ gia tăng và chuyển sang biểu tình chính trị như những gì đã diễn ra đối với cáo buộc gian lận bầu cử trong năm 2011 và 2012. Lần nầy, Đảng nước Nga Thống nhất cầm quyền sẽ không ngang nhiên can thiệp vào bầu cử, thay vào đó họ sẽ tiến hành bầu cử sớm hơn kế hoạch và làm việc với các đảng phái chính nhằm tăng thêm lựa chọn cho hệ thống bầu cử. Theo Stratfor, những người khởi xướng các cuộc biểu tình trước đây sẽ bị bắt giữ và gạt ra ngoài cuộc bỏ phiếu đang đến gần, và Putin sẽ kiểm tra đội Vệ binh Quốc gia mới và tăng cường sự hiện diện của Lực lượng an ninh Liên bang trên khắp đất nước để dập tắt biểu tình. Mặc dù muốn Đảng nước Nga Thống nhất giữ đa số trong nghị viện càng nhiều càng tốt, Kremlin cũng sẽ chỉ để cho các cuộc chống đối ở mức tối thiểu nhằm tạo điều kiện cho cuộc chạy đua thứ tư cho chức Tổng thống của Putin vào năm 2018./.

Lưu Việt (Theo World Bank, Stratfor, TTXVN)

NỔI BẬT TRANG CHỦ