(Tổ Quốc)- Ngoại trưởng Mỹ không gặt hái gì nhiều từ chuyến thăm Đông Bắc Á lần này.
Ngoại trưởng Mike Pompeo đã có chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm Đông Bắc Á, sau khi thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Bình Nhưỡng trong các ngày 6-8/10. Ngày 9/10, tại Bắc Kinh, ông Pompeo đã được đón tiếp một cách lạnh nhạt khác thường. Ngoại trưởng Mỹ đã có hai cuộc hội đàm: với Ngoại trưởng Vương Nghị và với ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc. Đã không có các cuộc tiếp xúc cấp cao với lãnh đạo Trung Quốc.
Mỹ-Triều: Chưa có cuộc gặp cấp cao nào được xác định
Chủ đề trung tâm của vòng công du Đông Bắc Á lần này của Ngoại trưởng Mike Pompeo vẫn là Triều Tiên và việc nối lại các cuộc đối thoại về phi hạt nhân hóa đang có dấu hiệu không được suôn sẻ lắm.
Về cuộc gặp với Chủ tịch Kim Jong-un, ngày 7/10, ông Pompeo viết trên tài khoản Twitter của mình rằng chuyến đi đạt kết quả "tốt". Còn Truyền thông nhà nước Triều Tiên mô tả cuộc gặp giữa ông Kim và ông Pompeo "hiệu quả và tuyệt vời".
Mar-a-Lago, khu nghỉ dưỡng của gia đình Donald Trump tại Florida, là một trong các địa điểm dự tính tổ chức cuộc gặp Trump-Kim lần thứ hai.
Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 8/10, Ngoại trưởng Mike Pompeo ca ngợi tiến bộ nổi bật trong đối thoại với Chủ tịch Kim Jong-un, cho biết hai bên đã có một số điểm đồng về tổ chức cuộc gặp thứ hai giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim. Nhà lãnh đạo Triều Tiên nói đã sẵn sàng cho phép thanh sát viên quốc tế đến khu thử hạt nhân Punggye-ri và cơ sở thử tên lửa Sohae khi hai bên nhất trí được các vấn đề hậu cần. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã từ chối cho biết liệu có bước tiến nào về việc Triều Tiên cho phép thanh sát viên đến cơ sở Yongbyon, nơi sản xuất nhiên liệu cho vũ khí hạt nhân.
Hai bên có thể đã thảo luận về việc Triều Tiên đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyon và đồng ý cho phép các nhân viên của IAEA đến Triều Tiên theo dõi, quan sát. Cũng có thể Chủ tịch Kim đã có lời hứa giải trình danh sách hạt nhân mà phía Mỹ quyết liệt yêu cầu trong thời gian qua.
Tại Bình Nhưỡng, hai bên có khả năng đã bàn về việc cử nhân sự Mỹ thường trú tại Bình Nhưỡng để theo dõi nếu tiến trình đóng cửa các cơ sở hạt nhân và giải trừ các loại tên lửa và hạt nhân bắt đầu.
Về biện pháp tương ứng của Mỹ, có thể hai bên đã bàn đến việc tuyên bố kết thúc chiến tranh theo như phía Triều Tiên đề nghị. Hai bên cũng có thể đã thảo luận về việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giảm bớt các lệnh trừng phạt lên Triều Tiên.
Theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), tình hình lương thực của Triều Tiên trong năm nay dự đoán là rất khó khăn. Triều Tiên hứng chịu lũ lụt và hạn hán trong mùa hè vừa qua, cùng với việc bị cộng đồng quốc tế thắt chặt cấm vận khiến tình trạng lương thực của Triều Tiên trong 3 tháng cuối năm càng trở nên khó khăn.
Còn về thời gian tổ chức hội đàm thượng đỉnh lần hai vẫn xoay quanh việc trước hay sau cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ tại Mỹ ngày 6/11. Việc Chủ tịch Kim hứa với Ngoại trưởng Pompeo như thế nào về biện pháp phi hạt nhân hóa và đánh giá của Mỹ về lời hứa đó sẽ là biến số chính cho việc tổ chức hội đàm thượng đỉnh lần hai.
Các nguồn tin ngoại giao cho biết, Triều Tiên e ngại cuộc bầu cử tại Mỹ sẽ có ảnh hưởng đến chính sách của chính quyền Mỹ đối với Triều Tiên nên muốn tổ chức trước cuộc bầu cử. Nhưng ngược lại, do lo ngại việc vội vàng tổ chức hội đàm thượng đỉnh lần hai có thể mang đến kết quả gây tác hại cho bầu cử nên chính quyền Tổng thống Trump muốn tổ chức hội đàm sau bầu cử. Tổng thống Trump cần phải xác nhận chắc chắn rằng các biện pháp cụ thể về phi hạt nhân của Chủ tịch Kim có thể dập tắt những lo ngại ảnh hưởng kết quả bầu cử, khi đó mới có triển vọng tổ chức hội đàm trong tháng 10.
Mỹ cảnh báo về tin tặc Triều Tiên
Liên quan Triều Tiên, hồi tháng trước, Bộ Tư Pháp Mỹ truy tố một tin tặc Triều Tiên bị tố cáo tham gia vào một loạt các cuộc tấn công tin tặc gây hậu quả nghiêm trọng, bao gồm việc lấy trộm 81 triệu USD của Ngân hàng Trung ương Bangladesh và phát tán virus WannaCry khiến Dịch vụ Chăm sóc Sức khỏe Quốc gia của Anh tê liệt một phần.
Ngày 3/10, công ty An ninh Mạng của Mỹ, FireEye, lại cảnh báo về việc một nhóm tin tặc Triều Tiên đã trộm hàng trăm triệu USD bằng cách đột nhập vào hệ thống máy tính của hàng loạt ngân hàng trên thế giới kể từ năm 2014. Đây là một phần của một mạng lưới các chiến dịch tấn công tin tặc do chính phủ Triều Tiên chống lưng từng khiến Chính quyền Mỹ liệt kê Triều Tiên cùng với Iran, Nga và Trung Quốc vào danh sách những mối đe dọa trên Internet đối với Mỹ.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ ra khuyến cáo về việc sử dụng mã độc do Hidden Cobra thực hiện, đánh lừa các máy rút tiền ATM của nhiều ngân hàng trên khắp châu Á và châu Phi. Hidden Cobra là tên gọi mà Chính phủ Mỹ ám chỉ các tin tặc Triều Tiên./.