• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quy định về hoạt động quảng cáo tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP: Không ảnh hưởng đến sự phát triển của báo điện tử

Văn hoá 01/06/2021 15:34

(Tổ Quốc) - Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) khẳng định, những quy định này là phù hợp với Luật Quảng cáo, Luật Báo chí, Luật Xử lý vi phạm hành chính, không ảnh hưởng đến hoạt động quảng cáo trên báo điện tử và đảm bảo quyền tiếp nhận nội dung thông tin của bạn đọc.

Ngày 29/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, có hiệu lực từ ngày 01/6/2021. Sau khi ban hành, Nghị định nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan báo chí liên quan đến một số quy định xử phạt vi phạm hành chính về quảng cáo trên báo điện tử; quy trình soạn thảo Nghị định… Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương (Bộ VHTTDL) khẳng định, những quy định này là phù hợp với Luật Quảng cáo, Luật Báo chí, Luật Xử lý vi phạm hành chính, không ảnh hưởng đến hoạt động quảng cáo trên báo điện tử và đảm bảo quyền tiếp nhận nội dung thông tin của bạn đọc.

Nghị định 38/2021/NĐ-CP: Không ảnh hưởng đến sự phát triển của báo điện tử - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương

Nghị định 38 phù hợp với các điều, luật

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết: Theo quy định của Luật Báo chí, báo điện tử là loại hình báo chí sử dụng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được truyền dẫn trên môi trường mạng, gồm báo điện tử và tạp chí điện tử (Khoản 6 Điều 3 Luật Báo chí).

Báo điện tử và các loại hình báo chí khác được đăng, phát quảng cáo. Việc đăng, phát quảng cáo trên báo chí phải tuân thủ các quy định của Luật Báo chí và quy định của pháp luật về quảng cáo (Điều 44 Luật Báo chí).

Theo đó, Luật Quảng cáo đã có các quy định cụ thể, riêng biệt với từng loại hình báo chí nhất định, phù hợp với tính chất, chức năng, đặc điểm của mỗi loại hình, đặc biệt là quy định về nội dung, diện tích, thời lượng, tỷ lệ quảng cáo. Ví du như:

Đối với báo in, diện tích quảng cáo không được vượt quá 15% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 20% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác (Khoản 1 Điều 22 Luật Quảng cáo).

Đối với báo nói, báo hình, Điều 22 Luật Quảng cáo cũng có các quy định cụ thể: Thời lượng quảng cáo không được vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày, trừ thời lượng quảng cáo trên kênh, chương trình chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt nội dung quảng cáo; quy định về các chương trình không được phát sóng quảng cáo; quy định về số lần ngắt, thời gian quảng cáo trong chương trình phim truyện, vui chơi giải trí, quy định về vị trí, diện tích quảng cáo bằng hình thức chạy chữ hoặc một chuỗi hình ảnh chuyển động sát phía dưới màn hình.

Đối với báo điện tử, Khoản 1 Điều 23 Luật Quảng cáo quy định: "Quảng cáo trên báo điện tử phải tuân theo các quy định sau: a) Không được thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin; b) Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo, thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây."

Căn cứ quy định trên, báo điện tử được bố trí phần quảng cáo ở khu vực cố định, riêng biệt, không lẫn vào nội dung tin bài. Đối với phần quảng cáo này, không có quy định hạn chế về thời lượng quảng cáo cũng như không phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo.

Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định thì phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo, thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây.

"Như vậy, báo điện tử được bố trí phần quảng cáo ở khu vực cố định, riêng biệt, không lẫn vào nội dung tin bài. Đối với phần quảng cáo này, không có quy định hạn chế về thời lượng quảng cáo cũng như không phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo. Nhưng đối với những quảng cáo không ở vùng cố định thì phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo, thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây… quy định này không hạn chế hoạt động quảng cáo của báo điện tử, mà chỉ đáp ứng hai yêu cầu của người xem: Một là có phím để tắt (mở); hai là nếu có thao tác tắt hoặc mở thì phải đáp ứng ngay trong thời gian 1,5 giây, tránh trường hợp độc giả phải xem quảng cáo kiểu cưỡng bức, gây ức chế, lại không thể xem đầy đủ, liên tục thông tin mà họ muốn tiếp nhận"- bà Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Bộ VHTTDL cũng khẳng định, quy trình soạn thảo Nghị định 38/2021/NĐ-CP được Bộ thực hiện đúng quy trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cụ thể, Bộ đã đánh giá tổng kết tình hình thi hành Nghị định số 158/2013/NĐ-CP và Nghị định số 28/2017/NĐ-CP; Thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập; Tổ chức Hội thảo lấy ý kiến tổ chức, cá nhân có liên quan; Tổng hợp, rà soát, nghiên cứu tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý, chỉnh sửa và hoàn thiện‎ hồ sơ dự thảo Nghị định theo quy định; Gửi hồ sơ đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định theo quy định; Tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Chính phủ theo quy định.

Đối chiếu giữa Nghị định 38 và Nghị định 158/2013/NĐ-CP (Nghị định 158), quy định về hành vi vi phạm đối với quảng cáo không ở vùng cố định trên báo điện tử không có sự khác biệt. Như vậy, quy định về "tắt, mở sau 1,5 giây" không phải đến Nghị định 38 mới được ban hành. Về điều này, bà Ninh Thị Thu Hương nói rõ, tại khoản 3, Điều 55 Nghị định 158 quy định: Phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định; Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây. Cho đến Nghị định 38, khoản 2, Điều 38 cũng quy định: Phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định; Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây; Thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin, bài.

Như vậy, việc xử lý hành vi vi phạm quy định về quảng cáo không ở vùng cố định đã được quy định từ năm 2013 tại Nghị định 158 chứ không phải đến khi Nghị định 38 ban hành mới được quy định. Có thể thấy, việc xử lý hành vi trên tại hai Nghị định là giống nhau, không có sự thay đổi. Về đối tượng, hành vi và mức xử phạt đều phù hợp với quy định của Luật Quảng cáo và Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Nghị định 38/2021/NĐ-CP: Không ảnh hưởng đến sự phát triển của báo điện tử - Ảnh 2.

Nghị định 38/2021/NĐ-CP không ảnh hưởng đến sự phát triển của báo điện tử

Không ảnh hưởng đến sự phát triển của báo điện tử

Trước ý kiến cho rằng nếu thực hiện Nghị định 38 về việc quy định thời gian tắt mở của quảng cáo không ở vùng cố định của báo điện tử là 1,5 giây là giảm doanh thu quảng cáo, ảnh hưởng đến sự phát triển của báo điện tử.

Bà Ninh Thị Thu Hương nêu rõ: Các loại hình báo chí đều có quy định về những vùng cố định (không gian, thời lượng) dành riêng cho quảng cáo, nhưng quy định về quảng cáo không ở vùng cố định thì báo hình, báo in không có vì vậy việc quy định đối với báo điện tử hiện nay là vẫn được quảng cáo không ở vùng cố định, nhưng phải "đảm bảo thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo. Thời gian tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây". Phải rất chú ý từ: "chủ động" - đó là quyền của độc giả vì nếu đang xem tin tức quan trọng họ có thể tắt ngay quảng cáo để không ảnh hưởng, nếu họ không muốn tắt thì quảng cáo có thể phát tiếp mà không có khống chế thời gian. Như vậy, quy định này không hạn chế hoạt động quảng cáo của báo điện tử, mà chỉ cần đáp ứng có hai yêu cầu của người xem: một là có phím để tắt (mở); hai là nếu có thao tác tắt hoặc mở thì phải đáp ứng ngay trong thời gian 1,5 giây, tránh trường hợp độc giả phải xem quảng cáo kiểu cưỡng bức, gây ức chế, lại không thể xem đầy đủ, liên tục thông tin mà họ muốn tiếp nhận.

Quy định trên đã có trong Luật Quảng cáo, vì vậy các báo điện tử đã phải thực hiện quy định đó trong thời gian gần 10 năm. Hành vi, mức xử phạt cũng được quy định tại Nghị định số 158/2013/NĐ-CP trong suốt thời gian này, vì vậy, việc thực thi Nghị định số 38/2021/NĐ-CP không có tác động đến doanh thu của báo điện tử. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, trước nhiều ý kiến cho rằng các quy định quảng cáo đối với mạng xã hội, trang thông tin điện tử xuyên biên giới quy định đơn giản và thuận lợi hơn so với báo điện tử, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Bộ TTTT (cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo trên báo chí) nghiên cứu, tiếp thu và tổng hợp trong quá trình tổng kết tiến tới sửa đổi, bổ sung các nội dung về hoạt động quảng cáo trên báo chí tại Luật Quảng cáo.

Để các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các cơ quan báo chí hiểu rõ hơn về Nghị định, Bộ VHTTDL đã đưa ra các giải pháp quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo trong thời gian tới. Trong đó, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm đã ban hành đến các tổ chức có liên quan nhằm thống nhất trong nhận thức để thực thi nghiêm túc các quy định của pháp luật về quảng cáo.

Năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn nhằm nắm bắt sự thay đổi của hoạt động quảng cáo, phương tiện, phương thức quảng cáo mới để từ đó có những kiến nghị, đề xuất sửa đổi các quy định phù hợp với thực tiễn.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động quảng cáo cũng như trong công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo.

Bộ sẽ tiến hành các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý nhà nước về quảng cáo cho đội ngũ cán bộ, công chức từ Trung ương đến địa phương./.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ